Dưới đây là những chia sẻ của Selina Wang - một phóng viên CNN.
Mùa hè năm ngoái, một người đàn ông Trung Quốc đến gần tôi trên một con phố đông đúc ở Bắc Kinh và hỏi tôi bằng tiếng Quan Thoại rằng tôi có phải là người Mỹ gốc Hoa không. Lúc đó tôi đang nói chuyện bằng tiếng Anh với những người bạn nước ngoài của mình, và câu hỏi dường như vô hại.
Nhưng sau khi tôi gật đầu, anh ta chuyển sang tiếng Anh và hét lên "hãy quay trở lại nơi mà mày đến".
Những câu từ nhức nhối này đã trở nên quen thuộc với những người gốc Á đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Nhưng thật chói tai khi phải nghe thấy điều này ngay tại chính Trung Quốc.
Selina Wang (trái) và chị gái tổ chức sinh nhật cho bà ngoại tại nhà người thân ở Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: CNN)
Trong một khoảnh khắc tôi đã bật cười: Là một người Mỹ gốc Hoa, tôi đã được yêu cầu rời khỏi quốc gia này vì quốc gia khác. Đó là lúc tôi nhận ra rằng bất kể mình đi đâu, tôi vẫn sẽ luôn là một người nước ngoài.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng trong vài năm vừa qua tôi đã sống ở Bắc Kinh, Hong Kong và bây giờ là Nhật Bản - nơi mà phần lớn những người xung quanh tôi đều có vẻ ngoài giống tôi và cho rằng tôi là người bản địa. Điều đó mang lại cho tôi cảm giác vô cùng thân thuộc, điều mà tôi chưa bao giờ cảm nhận được khi sống ở Mỹ.
Ở Mỹ, câu trả lời của tôi cho câu hỏi quen thuộc “Bạn đến từ đâu?” không bao giờ là đủ. Khi tôi nói mình đến từ Mỹ, câu hỏi tiếp theo sẽ là “Nhưng thực sự bạn đến từ đâu cơ?”. Đã vô số lần tôi được hỏi tại sao có thể nói tiếng Anh "mà không có phương ngữ”.
Selina Wang cùng bà ngoại tại nhà người thân ở Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: CNN)
Gần đây, khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, với những lời phát biểu tiêu cực từ hai phía, tôi cũng phải đối mặt với sự thù địch ngay ở Trung Quốc vì là người Mỹ. Truyền thông Trung Quốc đã kêu gọi chủ nghĩa dân tộc chống lại Mỹ, gọi quốc gia này là “kẻ thù của thế giới" vào đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, theo khảo sát của Pew, khoảng 9 trên 10 người trưởng thành tại Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hoặc kẻ thù.
"Có một vấn đề muôn thuở rằng khi có căng thẳng với một quốc gia châu Á, những người Mỹ gốc Á hoặc trông giống như người Mỹ gốc Á thường phải hứng chịu tất cả”, Christopher Lu, cựu Thư ký Nội các dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết trên CNN.
Điều trớ trêu là người Mỹ gốc Á thường có mối quan hệ đau thương, phức tạp hoặc thậm chí không tồn tại với đất nước xa xôi mà họ phải chịu trách nhiệm.
Cuộc sống tại Mỹ
Cha mẹ tôi từ Trung Quốc nhập cư vào Mỹ để học cao học trước khi tôi được sinh ra.
Sau đó, ông bà ngoại của tôi, vốn là những người nông dân Trung Quốc, đến Mỹ để giúp đỡ chăm sóc tôi và chị gái. Họ đã thêu dệt những mảnh ghép của lối sống Trung Hoa vào ngôi nhà ngoại ô nước Mỹ. Ông bà đã biến sân nhà thành một vườn rau, sử dụng những thành quả trồng được để làm sủi cảo và các món ăn tiện lợi khác của Trung Quốc.
Sủi cảo được bà của Selina Wang ở Hà Nam - Trung Quốc làm. (Ảnh: CNN)
Ông bà tôi không bao giờ có cơ hội đi học. Họ đã tự học cách đọc, viết tiếng Trung và tự hào truyền kiến thức của mình cho con cháu. Tiếng Trung đã trở thành ngôn ngữ đầu tiên của tôi.
Tôi hầu như không thể nói tiếng Anh khi bắt đầu học mẫu giáo. Mẹ tôi bắt đầu lo lắng về chất giọng Trung đặc sệt của tôi, vì vậy tiếng Anh được sử dụng nhiều hơn ở nhà. Từ đó, tôi càng tự ý thức hơn về "bản chất Trung Hoa" của mình.
Đến năm học tiểu học, tôi yêu cầu bố mẹ dừng việc chuẩn bị đồ ăn Trung Quốc cho bữa trưa. Tôi chỉ muốn bánh mì kẹp bơ đậu phộng và mứt sau khi bị trêu chọc vì mang trứng trà màu nâu, một trong những món ăn yêu thích của tôi, đến lớp. Những đứa trẻ khác nghĩ rằng đó là trứng thối.
Những khoảnh khắc như thế này khiến tôi khao khát được coi là người Mỹ. Gia đình tôi, truyền thống của họ và của những người Mỹ gốc Á khác trong cộng đồng của tôi là một phần của nước Mỹ mà tôi biết - một quốc gia đa chủng tộc.
Trên thực tế, chính Trung Quốc khiến tôi cảm thấy xa lạ. Trong mỗi chuyến du lịch mùa hè hàng năm đến đó, tôi cảm thấy mình như một khách du lịch, và trong sâu thẳm, tôi muốn được đối xử như vậy. Tôi tự hào vì là một người Mỹ.
Nhưng với mỗi chuyến thăm, tôi sẽ hiểu thêm về lịch sử gia đình mình và chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
Selina cùng chị gái với ông bà ngoại mình ở Mỹ. (Ảnh: CNN)
Đầu tiên, chúng tôi đến thăm ngôi làng của bố tôi ở vùng nông thôn, và ông sẽ chỉ cho hai con gái mình cái chòi bằng bùn mà ông từng gọi là nhà. Ông thường kể lại cho chúng tôi rằng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, bà tôi phải dành dụm, chỉ nấu một phần cháo nhỏ mỗi ngày để nuôi sáu người con.
Sau đó, chúng tôi sẽ đến thăm nhà ngoại tôi ở tỉnh Hồ Bắc. Hơn chục người trong gia đình ngồi quây quần bên một chiếc bàn nhỏ, ăn những bát mì vừng.
Gia đình tôi kể những câu chuyện về nghèo đói như thể đó là những kỷ niệm giản dị thời thơ ấu. Đối với chị gái tôi và tôi, đó là những câu chuyện phúng dụ với một bài học duy nhất: Chúng ta nên biết ơn khi được sinh ra ở Mỹ. Với tư cách là người nhập cư, họ nói rằng chúng tôi chỉ có thể “đi lên" bằng cách cúi đầu và làm việc chăm chỉ.
Tuy nhiên, trong nhiều năm, tôi đã bắt đầu cảm thấy khoảng cách giữa cuộc sống của người thân ở Trung Quốc và của chúng tôi tại Mỹ ngày càng thu hẹp. Thị trấn quê nhà của bố tôi nay đã có điện, nước máy, ô tô và điện thoại. Những người anh em họ của tôi ở thành phố không còn muốn quần áo từ Mỹ làm quà nữa, họ thích phong cách ở Trung Quốc hơn.
Trên thực tế, hầu như không có món đồ nào chúng tôi mang về từ Mỹ mà họ không thể tìm thấy tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khi chất lượng cuộc sống được cải thiện, khả năng tiếp cận thông tin của họ trở nên khó khăn hơn do chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát và kiểm duyệt Internet.
Và khi đại dịch lan rộng ra khắp thế giới, những tin tức họ đọc được ngày càng khác so với chúng tôi.
Ông ngoại của Selina Wang trong sân của gia đình, nơi họ đã biến thành vườn rau. (Ảnh: CNN)
Sự kiện đáng nhớ
Tôi đang sống ở Bắc Kinh khi đại dịch COVID-19 bắt đầu với những báo cáo về các trường hợp mắc bệnh viêm phổi bí ẩn ở tỉnh Hồ Bắc vào tháng 12/2019.
Chị họ của tôi, một y tá, lúc bấy giờ đang làm việc ở tiền tuyến tại khu vực bùng phát đại dịch gần Vũ Hán. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc, khi cô ấy phải làm việc ca dài mà không có đủ thiết bị bảo hộ và cảm thấy buồn bã khi phải xa đứa con trai mới sinh và gia đình mình. Những người thân khác của tôi phải ở nhà dưới lệnh phong toả nghiêm ngặt trong nhiều tháng, đối mặt với nỗi sợ hãi và lo lắng do đại dịch gây ra. Sự căng thẳng tương tự những gì diễn ra với tất cả chúng ta hiện nay.
Khi đại dịch đến Mỹ, mẹ tôi gọi cho tôi để nói rằng bà rất muốn đeo khẩu trang ra ngoài. Một trong những người bạn thân trong gia đình chúng tôi đã chết vì làn sóng COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán và mẹ tôi chắc chắn rằng loại virus này sẽ còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với những gì mọi người tin vào thời điểm đó.
Điều mà bà thực sự sợ hãi là bị phân biệt đối xử khi là “phụ nữ Trung Quốc mang COVID-19”. Cùng lúc đó, những người bạn Mỹ gốc Á của tôi đã kể rằng họ bị phỉ nhổ, la mắng trên đường phố và thậm chí là bị tấn công bằng lời nói vì đã “mang virus đến Mỹ".
Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ đã tham gia vào một cuộc khẩu chiến về đại dịch. Sau đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc" và “cúm Tàu", làm bùng lên phong trào thù hận và phân biệt chủng tộc, thúc đẩy các cuộc tấn công vào người Mỹ gốc Á.
Nhóm vận động Stop AAPI Hate đã thống kê được hơn 3.795 trường hợp báo cáo về sự thù hằn đối với người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương ở Mỹ trong đại dịch, bao gồm cả vụ sát hại sáu phụ nữ gốc Á tại các spa ở Atlanta, gây ra các cuộc biểu tình trên khắp đất nước.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói rằng Trung Quốc đại diện cho "cuộc thử nghiệm địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21" của Mỹ, là quốc gia duy nhất có đủ sức mạnh để thách thức hệ thống quốc tế hiện tại. Trong khi đó, từ năm 2010, Trung Quốc đã kêu gọi một "mô hình quan hệ mới giữa các cường quốc".
Một con đường đất cắt ngang qua những cánh đồng tại làng quê của Selina Wang ở Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: CNN)
Câu hỏi khó đối với giới lãnh đạo Mỹ lúc này là làm thế nào để đối đầu với Bắc Kinh một cách hiệu quả, mà không làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử ở quê nhà đối với những người trông giống Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là phải phân biệt rõ ràng - đối với công chúng - giữa 1,4 tỷ dân Trung Quốc và hàng triệu người trên khắp thế giới có cội nguồn Trung Quốc.
“Chừng nào người Mỹ gốc Á còn sinh sống ở quốc gia này, chúng tôi sẽ còn bị đối xử như những người ngoài không đáng tin cậy”, ông Lu, cựu Thư ký Nội các cho biết.
Khi chứng kiến những cuộc trò chuyện giữa các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở thành những cuộc cãi vã của trẻ con, tôi không thể ngừng nghĩ đến việc tất cả cuộc sống của người Mỹ gốc Á bị chối bỏ hoặc mất đi do những tranh chấp địa chính trị nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Tôi cũng nghĩ về tôi khi còn bé, đứa trẻ chỉ muốn được chấp nhận là người Mỹ. Cô ấy sẽ cảm thấy thất vọng như thế nào khi biết rằng, cho đến tận ngày hôm nay, cô ấy vẫn bị coi là “người khác" dù có đi tới nơi đâu.