Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Xã được giao thu ngân sách nhà nước 14 triệu đồng/năm thì thanh tra cái gì'?

(VTC News) -

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) kiến nghị Chính phủ, Quốc hội phải xém xét lại việc thành lập thanh tra ở các huyện nghèo, cận nghèo.

Góp ý kiến thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 13/6, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) tán thành việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra.

"Tôi cơ bản đồng tình với tờ trình của Chính phủ là phải có thanh tra. Nhưng tôi băn khoăn là huyện nào cũng có thanh tra", ông Cử nêu quan điểm. 

Ông Cử phân tích, trong số 705 đơn vị hành chính cấp huyện thì các quận, huyện, thành phố, thị xã khác biệt rất xa so với nhiều huyện miền núi từ quy mô, tính chất trong công tác quản lý nhà nước. Ví dụ một quận ở Hà Nội thu ngân sách nhà nước năm 2021 là 12 nghìn tỷ đồng, trong khi đó cũng năm 2021 ở một huyện miền núi nghèo thu ngân sách 15 tỷ đồng.

"Do vậy nếu bất cứ đơn vị hành chính cấp huyện, quận nào cũng có thanh tra là chưa hợp lý", ông Cử nói.

Ngoài ra, ông Cử dẫn giải báo cáo số 621, ngày 27/4/2022 của Thanh tra Chính phủ về Tổng kết việc thi hành Luật Thanh tra từ 2010 đến nay đã chỉ ra hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp huyện còn hạn chế, nhiều bất cập và cũng nêu lên tổ chức biên chế của cơ quan thanh tra cấp huyện không phù hợp. 

"Vì thế, ta phải xem xét lại", ông Cử nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, theo ông Cử, các địa phương cũng phải tinh giảm biên chế tại các cơ quan tham mưu chuyên môn từ 1-2 người, trong khi đó có những phòng chuyên môn có người làm việc đầu tắt mặt tối, nên việc thành lập cơ quan thanh tra ở các huyện nghèo, huyện cận nghèo mà không có các đối tượng thanh tra có khi phản cảm.

Ông Cử cũng cho rằng, đối với các quận, huyện thành phố có thể tiến tới 15-20 năm nữa sẽ có thể có thanh tra đến cấp xã, phường, bởi mỗi m2 đất lên đến hàng tỷ đồng và hàng nghìn vấn đề cần xử lý.

"Thế nhưng ở cấp huyện, lấy đối tượng thanh tra là các xã thì cần xem xét lại. Chẳng hạn năm 2016 một xã thu được ngân sách được huyện giao cho là 14 triệu đồng/năm thì thanh tra cái gì?", đại biểu Cừ nêu câu hỏi.

"Tôi đề nghị xem xét lại việc thanh tra các huyện nghèo, tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào. Theo ý kiến của tôi, các quận nghèo, huyện nghèo phải cân nhắc lại, bởi vì khi thành lập phòng thanh tra thì ít nhất phải có 3 cán bộ, trong đó có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, chuyên viên, trong khi đó các phòng, ban, khác phải lo hàng trăm đầu việc về kinh tế, dân sinh, xã hội… thì không phù hợp. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu thêm", ông Cử nói.

Đại biểu Trương Xuân Cử (Hà Nội). (Ảnh: Quốc hội)

Đóng góp thêm ý kiến vào Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, thanh, kiểm tra là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự xã hội.

Từ đó, công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp thực sự có nhiều thay đổi. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trùng lặp giảm đáng kể, từ 25,9% (năm 2015), xuống còn 8,3% vào năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên giảm từ 11,9% (năm 2016), xuống 3% vào năm 2020...

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) (Ảnh: Quốc hội).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thanh, kiểm tra cũng có thể tạo ra những gánh nặng không cần thiết đối với nhiều doanh nghiệp, khi nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp, có hiện tượng cán bộ lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp, một số doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra quá mức... Hệ quả, các doanh nghiệp thường phải dành nhiều thời gian, bỏ dở công việc kinh doanh chỉ để xoay sở với những yêu cầu của cán bộ thanh, kiểm tra.

“Bên cạnh mặt tích cực, tình hình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cho thấy vẫn còn 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra. Thực trạng thanh tra như nêu trên vẫn rất đáng quan ngại. Trung bình khoảng 20% phải trả chi phí không chính thức; 14% doanh nghiệp vẫn bị nhũng nhiễu, phiền hà khi bị thanh tra; 9% doanh nghiệp bị thanh tra trùng lặp; 10% doanh nghiệp bị thanh tra trên 3 lần/năm . Gánh nặng thanh, kiểm tra dường như gia tăng theo thời gian hoạt động và quy mô của doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

PHẠM DUY

Tin mới