Cuối tuần qua, tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc tham gia nhóm điều tra nguồn gốc dịch của WHO nói có khả năng yếu tố chính trị ở nước ngoài sẽ định hình kết luận của báo cáo.
"Chúng tôi cảm thấy các chuyên gia quốc tế đang phải đối mặt với áp lực chính trị từ một số khu vực. Chúng tôi lo ngại báo cáo cuối cùng có thể sai lệch so với sự đồng thuận trước đó", người này cho hay.
Báo cáo của WHO là kết quả của một nhiệm vụ kéo dài 28 ngày, trong đó nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu làm việc với các nhà khoa học Trung Quốc tại thành phố Vũ Hán - nơi bùng phát dịch đầu tiên.
Peter Ben Embarek, quan chức WHO dẫn đầu nhóm chuyên gia quốc tế tới chợ hải sản ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)
Nhiệm vụ này kết thúc hôm 9/2. WHO dự định công bố báo cáo cuối cùng vào tuần trước, nhưng kế hoạch này bị hoãn sang tuần này.
Theo Yanzhong Huang, thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, việc truyền thông Trung Quốc đưa tin về những lo ngại liên quan tới kết quả của báo cáo cho thấy Bắc Kinh dè chừng về những gì WHO sắp công bố.
"Điều này dường như cho thấy rằng họ không tự tin đến mức WHO sẽ đưa ra một báo cáo phản ánh sự đồng thuận mà họ đạt được vào đầu tháng hai. Nếu báo cáo cuối cùng chỉ ra không loại trừ khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm, điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào những gì mà Trung Quốc khẳng định trước đó", ông Huang nói.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, một báo cáo dài 300 trang bằng tiếng Anh về những phát hiện trong nhiệm vụ đã được gửi tới các chuyên gia Trung Quốc tham gia nhóm điều tra tuần trước.
"Báo cáo có được công bố vào tuần tới hay không phụ thuộc vào các cuộc thảo luận giữa các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài", ông Triệu nói vào tuần trước.
WHO không trả lời khi được hỏi liệu ngày công bố báo cáo và nội dung cuối cùng có phải là quyết định chung của nhóm chuyên gia quốc tế và Trung Quốc hay không.
Cơ quan Liên hợp quốc trước đó luôn khẳng định tài liệu này sẽ là một “báo cáo chung”.
Tuần trước, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Trung Quốc Liang Wannian nhấn mạnh đã có sự đồng thuận về những phát hiện chính hồi tháng hai khi cả hai bên "nhất trí" với giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là rất khó xảy ra.
“Các sứ mệnh truy tìm nguồn gốc virus trong tương lai sẽ không còn tập trung vào khu vực này, trừ khi có bằng chứng mới”, Hoàn cầu Thời báo dẫn lời ông Liang nói trong cuộc phỏng vấn sâu đầu tiên về nhiệm vụ của WHO.
Tuy nhiên, sau chuyến đi, Peter Ben Embarek - quan chức WHO dẫn đầu nhóm chuyên gia quốc tế cho biết các chuyên gia không được phép kiểm tra toàn bộ phòng thí nghiệm.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói "tất cả các giả thiết vẫn đang ở trên bàn".
Wang Yiwei, chuyên gia tới từ Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng nhóm chuyên gia Trung Quốc có thể lo ngại các phát hiện trong báo cáo bị chính trị hóa.
"Lý do thực hiện công việc này là để tránh dịch bệnh lặp lại và chuẩn bị cho tương lai", ông Wang cho hay, khẳng định việc điều tra nguồn gốc dịch phải được thực hiện dựa trên khoa học và không bị can thiệp bởi yếu tố chính trị.
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang vào năm ngoái, nguồn gốc của đại dịch trở thành một "quả bóng chính trị" với việc hai bên đổ lỗi cho nhau.
Trung Quốc khẳng định không có cơ sở kết luận virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Các quan chức nước này cũng đề cập tới giả thiết virus gây dịch COVID-19 có thể xuất hiện ở các nơi khác và "nhập khẩu" vào Trung Quốc.
Bắc Kinh nhiều lần khẳng định họ hợp tác cởi mở với phái đoàn của WHO nhưng lại tiết lộ rất ít thông tin về quá trình điều tra nguồn gốc dịch của nước này.
Mỹ, Anh gần đầy đặt nghi vấn về tính minh bạch của Trung Quốc trong chuyến thăm của WHO khi các chuyên gia của tổ chức này nói họ không có quyền truy cập tất cả dữ liệu mà họ muốn.
Theo ông Huang, vẫn cần chờ đợi để xem có cuộc thảo luận về nội dung báo cáo có dẫn tới việc trì hoãn công bố tài liệu này nữa hay không.
“Tuần tới đây sẽ rất thú vị. Nếu họ không công bố nó, có thể có vấn đề ở đó", ông này cho hay.