Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

WHO: Chênh lệch phân phối vaccine, nước nghèo vật lộn để có những mũi tiêm đầu

(VTC News) -

Việc phân phối vaccine COVID-19 không hợp lý ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các nước kém phát triển, đặc biệt là châu Phi - nơi chỉ 6% dân số tiêm chủng đầy đủ.

Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước phát triển phân bổ lại liều lượng dư thừa của họ để tiêm chủng cho nhân viên y tế, người già và những người trưởng thành có nguy cơ cao ở các quốc gia nghèo hơn.

Tổ chức này hiện đang tiến hành cuộc chiến chống lại đại dịch ở hai mặt trận: Tìm kiếm giải pháp cho sự bất bình đẳng về vaccine toàn cầu và đối mặt với sự bùng phát trở lại của COVID-19 tại châu Âu trong những tuần gần đây. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo sau lễ khai trương Học viện WHO, tại Lyon, Pháp, ngày 27 tháng 9 năm 2021. (Ảnh: Reuters)

Tại buổi họp báo hôm thứ Sáu, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sự chênh lệch giữa việc phân bổ vaccine COVID-19 trên toàn cầu và những mũi tiêm đầu tiên cho người dân ở các quốc gia đang và kém phát triển là một “vụ bê bối” nhân đạo. 

Văn phòng đại diện của WHO tại khu vực châu Phi vào cuối tháng 10 cho biết, việc phân phối vaccine COVID-19 không hợp lý đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến lục địa này, nơi chỉ có 6% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Các quan chức của WHO trong nhiều tuần đã chỉ trích việc phân phối vắc xin cho những người trưởng thành khỏe mạnh, kêu gọi các quốc gia phát triển phân bổ lại lượng vaccine dư thừa của họ để tiêm chủng cho nhân viên y tế, người cao tuổi và những người trưởng thành có nguy cơ cao ở những quốc gia nghèo hơn.

Ông Tedros cho biết: “Mỗi ngày, lượng vaccine được phân bổ trên toàn cầu nhiều gấp 6 lần so với lượng vaccine ở các nước thu nhập thấp. Đây là một vụ bê bối cần phải dừng lại ngay”. 

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, đại diện của WHO cho biết tại cuộc họp: WHO trước đây đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số của mỗi quốc gia vào cuối năm nay, nhưng hơn 100 quốc gia hiện đang thiếu hụt vaccine để có thể đạt được mục tiêu này. 

Bà Swaminathan nói thêm rằng WHO có thể sẽ bỏ lỡ mục tiêu đó trừ khi COVAX (một sáng kiến ​​của WHO nhằm cung cấp các vaccine COVID-19 cho ít nhất 20% dân số của các quốc gia) nhận được thêm khoảng 500 triệu liều để phân phối. 

Theo tổng hợp số liệu tiêm chủng từ các báo cáo công khai chính thức của Our World in Data, chỉ có 5 quốc gia ở châu Phi đã tiêm phòng cho hơn 35% dân số, bao gồm Maroc, Tunisia và Mauritius. Tuy nhiên, những báo cáo đó cũng chỉ ra rằng phần lớn các quốc gia châu Phi đã tiêm phòng đầy đủ cho dưới 10% dân số của họ. 

Theo cập nhật dịch tễ học hàng tuần mới nhất của WHO, châu Âu đang chứng kiến ​​gần 2 triệu ca mắc COVID-19 mới trong tuần vừa qua, chiếm 63% tổng số ca bệnh trên toàn bộ sáu khu vực của các quốc gia thành viên WHO.

Đức chứng kiến số ca nhiễm trung bình cao kỷ lục trong chỉ trong một tuần với hơn 33.600 trường hợp vào thứ năm, tăng 40% so với tuần trước. Tại Vương quốc Anh, mặc dù số ca nhiễm trung bình hàng tuần giảm hơn 11% vào thứ năm, quốc gia này vẫn ghi nhận trung bình hơn 34.600 ca nhiễm COVID-19 mới. 

Số ca nhiễm trung bình trong một tuần đã tăng 52% ở Pháp và 48% ở Italy vào thứ năm. Cũng trong ngày này, Nga báo cáo trung bình mỗi tuần có hơn 1.170 trường hợp tử vong, tổng số cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19 cho biết, sự bùng nổ đợt dịch mới ở châu Âu đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố bao gồm việc yêu cầu đeo khẩu trang bị bỏ qua và giãn cách xã hội cũng được nới lỏng và một số vấn đề về sức khỏe cộng đồng. 

Bà Van Kerkhove nói: “Ở Bắc bán cầu, chúng tôi đang bước vào những tháng mùa đông. Mọi người sẽ dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn. Điều chúng tôi đang nói với tất cả các quốc gia ngay bây giờ là hãy nhìn vào thực tế, đánh giá nghiêm túc tình hình hiện tại và có những điều chỉnh phù hợp”.

Vũ Hà Ly

Tin mới