Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết cơ quan này sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết trong báo cáo tình hình hàng tuần về đại dịch hôm 11/5.
Biến thể B.1.617, được phát hiện trong các nghiên cứu sơ bộ, lan rộng dễ dàng hơn virus ban đầu. Có một số bằng chứng cho thấy nó có thể tránh được một số biện pháp bảo vệ do vaccine tạo ra. Tuy nhiên, các mũi tiêm vẫn được xem là hiệu quả.
“Như vậy, chúng tôi đang phân loại nó như một biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu”, bà nói trong một cuộc họp báo. “Mặc dù có sự gia tăng khả năng lây truyền qua một số nghiên cứu sơ bộ, nhưng chúng tôi cần thêm nhiều thông tin về biến thể virus này, cần thực hiện thêm việc giải trình tự gen có mục tiêu".
Toa tàu ở Ấn Độ được chuyển thành nơi điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Tuần trước, WHO cho biết họ theo dõi chặt chẽ ít nhất 10 biến thể virus trên khắp thế giới, bao gồm cả B.1.617.
Theo WHO, một biến thể có thể được dán nhãn là "đáng lo ngại" nếu nó được chứng minh là dễ lây lan hơn, gây chết người hoặc có khả năng kháng nhiều hơn với các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại.
Tổ chức quốc tế đã chỉ định ba biến thể khác là B.1.1.7, được phát hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh và là biến thể phổ biến nhất hiện đang lưu hành trên khắp Hoa Kỳ; B.1.351, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và biến thể P.1, được phát hiện lần đầu ở Brazil, là biến thể "đáng lo ngại".