Theo The Diplomat, từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những nỗ lực ngăn chặn sự lan rộng vũ khí hạt nhân ở các nước Trung Đông khá thành công, ngay cả trong bối cảnh Mỹ gặp khó khăn với Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran. Dù những thắng lợi ngoại giao này vô cùng quan trọng, cộng đồng quốc tế cần quan tâm cả khu vực Đông Á, nhằm đảm bảo việc phát triển vũ khí hạt nhân không vượt quá giới hạn.
Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác đã cho thấy ý định phát triển chương trình hạt nhân.
Nếu chỉ nhìn vào Triều Tiên để đề cập vấn đề các nước trang bị vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) thì đã quá đơn giản. Tình trạng hạt nhân ở Đông Á phức tạp hơn nhiều và không chỉ được quyết định riêng bởi hành động của một quốc gia. Thực tế, những việc cần làm lại tập trung nhiều hơn ở các nước khác, như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ví dụ, Hàn Quốc đang nỗ lực mở rộng và phát triển mảng công nghệ vũ khí, với các vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, nhằm thể hiện cam kết tự vệ. Trong khi không có gì đảm bảo điều này sẽ dẫn tới phát triển chương trình hạt nhân, những áp lực gia tăng từ Triều Tiên, cùng với việc không muốn phụ thuộc vào viện trợ quân sự của Mỹ, có thể khiến Seoul nghĩ rằng không còn lựa chọn nào tốt hơn phát triển vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó, Nhật Bản với kho dự trữ plutonium cũng là một vấn đề. Mỹ và các nước khác trong những năm gần đây đã liên tục gây áp lực ngoại giao về chuyện này. Việc có thể sử dụng nguyên liệu trên cho mục đích tấn công một cách dễ dàng sẽ tiếp tục khiến nhiều người phản đối vũ khí hạt nhân lo ngại. Nhật Bản cần hiểu rằng các chương trình năng lượng hạt nhân không nên bị lẫn lộn với những chương trình hạt nhân có thể sử dụng cho chiến tranh. Mỹ có thể xem xét ngừng hợp tác sản xuất năng lượng nguyên tử với Nhật Bản bất kỳ lúc nào nếu trong thời gian tới, chính phủ Nhật vẫn cương quyết không cắt giảm kho dự trữ plutonium sau nhiều lần thất hứa.
Ngoài việc giải quyết những mối đe dọa tiềm tàng của việc phổ biến vũ khí hạt nhân, Mỹ và các cộng sự quốc tế cần truy lại nguyên nhân một số quốc gia quyết định đi ngược với chủ trương không phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Dù có nhiều yếu tố, hạt nhân “sinh ra” hạt nhân là nguyên nhân quan trọng nhất. Kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã gây ra tâm lý lo sợ và đề cao cảnh giác cho các nước láng giềng ở Đông Á. Khi được thăm dò ý kiến, đa số người dân Hàn Quốc ủng hộ phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân. Còn Nhật Bản ngày càng có thể trở thành mục tiêu của tên lửa Triều Tiên và điều này có thể dẫn đến sự phòng thủ hạt nhân tương tự.
Cuối cùng, ngay cả khi phải gánh chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn chưa cho thấy dấu hiệu giải trừ vũ khí hạt nhân. Vì thế, thế giới có thể muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên để tiến tới thuyết phục nước này, nếu không phải là giải giáp thì ít nhất là ngừng các cuộc thử nghiệm vĩnh viễn. Nếu những nỗ lực này không thành công, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nằm trong số những nước cần suy xét kỹ lưỡng kế hoạch của mình để tránh một cuộc phổ biến vũ khí hạt nhân khác trong khu vực. Nếu không, khả năng toàn nhân loại phải đối mặt với một nguy cơ chưa từng có từ Chiến tranh Lạnh sẽ lại hiện hữu.