Người phát ngôn Không quân Ukraine Yuriy Ignat nhận định bom dẫn đường hay bom lượn là "mối đe dọa mới", đồng thời cho biết chúng được các lực lượng của Nga sử dụng gần như hàng ngày. Theo ông, có tới 20 quả bom lượn được phóng mỗi ngày dọc tiền tuyến và chúng có hiệu quả rõ rệt tại những khu vực giao tranh ở Donetsk.
Một tiêm kích F-16CJ của Mỹ đang thả bom JDAM trong cuộc thử nghiệm năm 2003. Loại bom này đã được cung cấp cho Ukraine giữa bối cảnh Kiev đang đối mặt với bom lượn của Nga. (Ảnh: Getty)
Người phát ngôn Không quân Ukraine cho biết, những quả bom được thả từ máy bay chiến đấu Su-34 và Su-35 của Nga nằm ngoài tầm hoạt động của các hệ thống phòng không của Kiev. Theo ông, Ukraine cần các hệ thống phòng không được nâng cấp như Patriot để đối phó với mối đe dọa mới này.
Mỹ đã cam kết hỗ trợ Ukraine hệ thống trên, đồng thời khẳng định sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao để Patriot sớm hoạt động ở Ukraine.
Nga sử dụng các loại bom đạn đã được điều chỉnh như KAB-500 ở Ukraine, trong đó có khu vực Sumy. Truyền thông nước này đưa tin, Nga đã sử dụng bom dẫn đường mới phát triển có trọng lượng 1.500 kg được tiết lộ vào năm 2019. Hãng tin quân sự Ukraine Defense Express cho biết, bom UPAB-1500B, có tầm hoạt động lên tới 40km đã được sử dụng đầu năm nay ở khu vực Chernihiv thuộc phía Bắc Ukraine.
Đầu đạn của quả bom này nặng hơn 1.000 kg trong khi nó sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và vệ tinh để vươn tới mục tiêu. UPAB-1500B có thể được vận chuyển bởi nhiều máy bay chiến đấu của Nga, trong đó có tiêm kích đa nhiệm và máy bay ném bom.
Biên tập viên của Defense Express - ông Oleh Katkov cho rằng, loại bom lượn này "có thể tấn công các mục tiêu được bảo vệ cao" và là một loại vũ khí "khá nguy hiểm". Phá hủy những "phương tiện chở chúng" là "cách duy nhất", ông cho hay, đồng thời nói rằng: "Chúng ta không chiến đấu với loại bom này mà là máy bay ném bom chở chúng".