Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, chiều muộn ngày 5/8, TAND TP Hà Nội đưa ra mức án với ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và các đồng phạm.
Ngoài mức án 21 năm tù giam cho 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết còn bị buộc bồi thường trách nhiệm dân sự.
Theo đó, HĐXX tuyên ông Trịnh Văn Quyết phải bồi thường hơn 1.700 tỷ đồng, không phải 3.600 tỷ đồng như cáo trạng nêu trước đó.
Theo HĐXX, về nguyên tắc phải yêu cầu các bị cáo bồi thường cho những nhà đầu tư bỏ tiền ra mua cổ phiếu ban đầu bị nâng khống. Tuy nhiên, HĐXX lý giải, thực tế nhiều nhà đầu tư sau khi mua đã bán đi, có người mua đi bán lại nhiều lần khiến cổ phiếu bị trộn lẫn nên rất khó có căn cứ xác định.
Do đó, để đảm bảo công bằng, cần buộc bị cáo Quyết và đồng phạm bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán ra, tương ứng với lượng cổ phiếu mà bị hại đang sở hữu.
Cựu Chủ tịch FLC và các bị cáo tại toà.
Mặt khác, hiện Công ty Faros đang hoạt động và cổ phiếu ROS vẫn lưu hành trên thị trường, chỉ là không đủ điều kiện niêm yết. Vì vậy, tòa không buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền mà chỉ có thể tuyên bồi thường số tiền đã bị nâng khống.
Đáng chú ý, tại phiên toà, HĐXX cho biết, sau khi phát hành 430 triệu cổ phiếu ROS trên HoSE, cơ quan điều tra xác định, Faros có thêm hai lần tăng vốn (lần 6 và 7) dẫn đến số vốn điều lệ cuối cùng là 5.675 tỷ đồng.
Cả 2 lần tăng vốn này đều dưới hình thức phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ để chi trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu và là hệ quả tiếp theo của 5 lần nâng khống vốn trước đó.
Số tiền tăng vốn lần 6 và 7 không được tính là nâng khống nên sau lần tăng vốn thứ 7, số vốn thật của Faros là 2.573 tỷ đồng, vốn khống là 3.102 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ 5.675 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ lệ vốn khống trên tổng vốn điều lệ là 54,66%. Mỗi cổ phiếu giá 10.000 đồng, các bị cáo phải bồi thường số tiền tương đương 5.466 đồng/cổ phiếu.
"Tại phiên tòa, bị cáo Quyết đề nghị ghi nhận toàn bộ trách nhiệm dân sự, nhưng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị hại và người liên quan, cần buộc các bị Quyết và Huế liên đới bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền đã lừa đảo chiếm đoạt", HĐXX tuyên bố.
Theo phương án HĐXX phân tích, vụ án xác định được 133 bị hại còn giữ cổ phiếu F0 mua trực tiếp từ Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông ban đầu. Trong đó có 95/133 bị hại yêu cầu bồi thường. Gia đình Trịnh Văn Quyết đã bồi thường cho 85 bị hại (các bị hại này đã có đơn xin giảm nhẹ gửi toà án). Cũng theo cáo trạng, vụ án có 30.403 bị hại với số tiền chiếm đoạt 3.600 tỷ. Sau phần tranh luận của luật sư, VKS và HĐXX xác định bị hại của vụ án là hơn 25.000 bị hại. Tuy nhiên, về số tiền thiệt hại, HĐXX xác định thiệt hại của các NĐT trong vụ án chỉ là 1.783 tỷ đồng là thiệt hại của người có quyền và nghĩa vụ liên quan. HĐXX xác định thiệt hại của bị hại là 2,5 tỷ đồng, tương ứng thiệt hại của 133 nhà đầu tư đã mua và đang sở hữu cổ phiếu ROS ban đầu. Như vậy, thiệt hại của bị hại (số tiền chiếm đoạt) theo phán quyết của HDXX giảm gần 2000 tỷ đồng so với cáo trạng.
Như vậy, sau khi trừ đi số tiền các bị cáo đã khắc phục (trong đó gia đình bị cáo Quyết khắc phục nhiều nhất với hơn 260 tỷ đồng) thì ông Trịnh Văn Quyết và em gái Trịnh Thị Minh Huế phải liên đới bồi thường cho các bị hại và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng.
Về các tài sản bị kê biên được ông Trịnh Văn Quyết và nhiều luật sư yêu cầu gỡ phong toả, tuy nhiên HĐXX tuyên vẫn giữ nguyên biện pháp này để đảm bảo thi hành án.
Liên quan đến việc xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án, luật sư Vũ Đặng Hải Yến, người bào chữa cho bị cáo Quyết cho biết: "Bản án rất nhân văn, đã đảm bảo quyền lợi cho bị hại, người có liên quan trong vụ án; Đảm bảo khả năng thực hiện của các bị cáo cũng như đảm bảo cho các doanh nghiệp liên quan có thể hoạt động bình thường, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và nhà đầu tư".