Khoảng 2 năm vắng bóng là thời gian đủ dài để khán giả lãng quên một nghệ sĩ. Hơn nữa, nhiều nhóm nhạc mất rất nhiều năm để hội tụ đủ thành viên, như Super Junior cần gần 10 năm để cả 9 thành viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Trong quá khứ, đã từng có các nghệ sĩ nam ở Hàn Quốc cố gắng trì hoãn nghĩa vụ quân sự hoặc thậm chí là trốn tránh. Tuy nhiên những hành động này thường không mang lại kết cục tốt đẹp. Ngay cả BTS – nhóm nhạc được coi là quyền lực nhất tại Hàn Quốc hiện nay cuối cùng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, kết thúc cuộc tranh luận kéo dài về đặc quyền cho nhóm nhạc này. Việc Jin (BTS) nhập ngũ trong tháng 12 này như một lời khẳng định: Sẽ khó có nam nghệ sĩ K-pop nào tránh được nghĩa vụ quân sự - trở ngại lớn nhất trong sự nghiệp. Chính vì không thể trốn tránh, ngày nay các nghệ sĩ Hàn Quốc đã coi việc nhập ngũ là một phần tự nhiên trên con đường sự nghiệp.
Tháng 12 này, Jin sẽ là thành viên đầu tiên của BTS nhập ngũ. (Ảnh: KoreaHerald)
Nhà phê bình Kim Do-heon (Hàn Quốc) nhận định, ngành giải trí Hàn Quốc bắt đầu thích ứng tốt hơn với việc các nam nghệ sĩ nhập ngũ từ những năm 2010. Quân đội Hàn Quốc cũng cố gắng phát huy khả năng của những nghệ sĩ, như cho phép họ biểu diễn thường xuyên hơn trong thời gian nhập ngũ, tại các sự kiện do quân đội tổ chức.
Cả người hâm mộ K-pop cũng đang thích nghi với sự vắng mặt của thần tượng trong thời gian dài, theo nhận định của nhà phê bình văn hóa đại chúng Park Hee-a (Hàn Quốc). Ngoài ra, các công ty cũng chuẩn bị tốt hơn cho ngôi sao của mình. Không còn bị coi là mất mát, việc nhập ngũ giống như cột mốc để nam nghệ sĩ bước sang chương mới của sự nghiệp. Các công ty quản lý thường chuẩn bị các video và những chiến dịch truyền thông, tận dụng các nền tảng trực tuyến để giúp nghệ sĩ duy trì hình ảnh trong thời gian nhập ngũ. Ví dụ như trường hợp của nhóm 2PM, video "My House" được lan truyền trên mạng xã hội đã giúp duy trì hình ảnh của cả nhóm, trước khi họ tái hợp vào năm 2021.
Nhóm nhạc ONF thậm chí còn được "hưởng lợi" nhờ việc nhập ngũ. Đây là nhóm nhạc K-pop đầu tiên mà tất cả thành viên người Hàn Quốc cùng nhau nhập ngũ - một sự tính toán thông minh để cả nhóm có thể trở lại cùng lúc. Trong một sự kiện do quân đội Hàn Quốc tổ chức, video các thành viên ONF trình diễn bài "Hype Boy" đã thu hút hàng triệu lượt xem chỉ sau vài ngày. Sau đó, video "Your Song" của nhóm tiếp tục đạt 20 triệu lượt xem sau 4 ngày, giúp tên tuổi của nhóm còn nổi tiếng hơn trước khi nhập ngũ.
Nhóm ONF biểu diễn tại một triển lãm quân sự ở Gyeryong, Hàn Quốc. (Ảnh: KoreaHerald)
Hơn nữa, thời gian hoạt động và sức ảnh hưởng của các nam nghệ sĩ và nhóm nhạc Hàn Quốc ngày càng được kéo dài. Vào những năm 1990, hầu hết các nhóm nam Hàn Quốc không tồn tại quá 5 năm, kể cả các tên tuổi lớn như nhóm Seo Taiji and Boys, H.O.T. hay Fin.K.L. Đến giai đoạn sau 2010, nhiều nhóm nhạc nam K-pop có thể duy trì từ 5 đến 7 năm. Những năm gần đây, ngày càng nhiều nhóm vượt qua "lời nguyền 7 năm" – khái niệm mô tả sự tan rã thường xuyên của nhiều nhóm nhạc, khi các hợp đồng giữa thành viên và công ty quản lý thường chỉ ràng buộc trong 7 năm.
Cũng ngày càng nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc gặt hái thành công khi tái xuất sau thời gian nhập ngũ, như nhóm Highlight với sản phẩm "Not The End" vào tháng 5/2021 và BtoB với "Be Together" vào tháng 2/2022. Nhóm SHINee cũng trở lại sau hơn 2 năm vắng bóng vào năm ngoái với "Don't Call Me", sau khi ba thành viên lớn tuổi của nhóm xuất ngũ. Với "Don't Call Me", SHINee đã càn quét các bảng xếp hạng âm nhạc lớn và ghi nhận thành tích bán album cao nhất từ trước đến nay.
SHINee ra mắt LP "Don't Call Me" sau khi 4 thành viên tái hợp. (Ảnh: KoreaHerald)
Thậm chí nhiều nghệ sĩ còn coi giai đoạn nghỉ hoạt động của nhóm nhạc là cơ hội để phát triển sự nghiệp cá nhân (solo). Trước đây, việc ra mắt solo thường chỉ dành cho thành viên có triển vọng nhất của một nhóm nhạc nam. Tuy nhiên gần đây cơ hội đã mở rộng hơn với các nam nghệ sĩ, khi đồng đội của họ phải nhập ngũ và hoạt động chung tạm dừng. Ví dụ như Taemin của SHINee đã phát hành album solo và tổ chức các buổi trình diẽn khi Onew, Key và Minho vắng mặt. Ngược lại, khi Taemin phục vụ trong quân ngũ, sự nghiệp solo của 3 thành viên còn lại đều đang phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng triển vọng lạc quan sau thời gian nhập ngũ chỉ đến với những nhóm nhạc thành công nhất. Đừng quên rằng quy mô của ngành giải trí Hàn Quốc ngày càng lớn, tính cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều nhóm nhạc thậm chí biến mất trước khi nổi tiếng, chứ chưa nói đến việc vắng bóng trong thời gian dài vì các thành viên nhập ngũ.
"Sự gián đoạn hoạt động vì thực hiện nghĩa vụ quân sự vẫn là mối đe dọa với các nhóm nhạc nam. Ngành này đòi hỏi các nghệ sĩ thường xuyên ra sản phẩm mới để duy trì danh tiếng, trong lúc rất nhiều nhóm và bài hát khác vẫn liên tục ra mắt" - nhà phê bình Park Hee-a nhận định.
Về trường hợp của nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc – BTS, nhà phê bình Kim Do-heon cho rằng các cuộc thảo luận về đặc quyền miễn trừ hoặc giải pháp thay thế về nghĩa vụ quân sự cho nghệ sĩ K-pop không nên dừng lại. "Đó không đơn giản là miễn trừ mà còn thể hiện sự đối xử đúng đắn với các nghệ sĩ đã đóng góp đáng kể cho đất nước; đồng thời phát huy đúng sức mạnh của họ khi được hoạt động nghệ thuật. Nếu vẫn phải nhập ngũ, quân đội nên có cách tận dụng tốt hơn danh tiếng và khả năng của họ".