Đó là nhận định của Ngân hàng UOB khi đề cập về Việt Nam trong Nghiên cứu về sự chuyển đổi của Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ ở ASEAN năm 2020.
Nghiên cứu này đã khảo sát 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực nhằm chia sẻ cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19 và trở nên sẵn sàng cho tương lai. Tại Việt Nam, có 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia khảo sát này.
Khảo sát của UOB thực hiện ở các nước là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Khi nhận định về tình hình kinh tế của các nước, chỉ có Việt Nam được UOB đưa ra nhận xét tích cực về tiềm năng phát triển kinh tế trong tương lai. Việt Nam được kỳ vọng là một thị trường hậu cần và sản xuất xuất sắc về dài hạn nhờ gần với các trung tâm sản xuất của Trung Quốc.
Tiềm năng của Việt Nam như một trung tâm công nghệ khu vực cũng được kỳ vọng nhiều, nếu Việt Nam thành công trong việc tung ra mạng 5G trên quy mô thương mại.
Thực tế cho thế, đối với mạng 5G, hiện trên thế giới chỉ có một số nước làm chủ công nghệ này, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có thế mạnh là “trung tâm” sản xuất điện thoại, máy tính và linh kiện nhờ thu hút đầu tư từ các công ty công nghệ tầm cỡ thế giới như Samsung. Nhờ điều này nên trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thì điện thoại, máy tính cùng linh kiện điện tử luôn chiếm tốp đầu.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/9/2020 đạt 361,51 tỷ USD, tăng 0,9%, tương ứng tăng 3,26 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị lớn nhất là điện thoại và linh kiện với gần 34 tỷ USD, giá trị từ xuất khẩu máy vi tính và sản phẩm linh kiện, điện tử với gần 30 tỷ USD.
Với thế mạnh về sản xuất, xuất khẩu điện thoại, máy tính, linh kiện và được kết hợp với công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực. (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Đây chính là cơ sở để UOB đưa ra những nhận định và kỳ vọng vào sự tăng trưởng hơn nữa của nền kinh tế Việt Nam. Còn hiện tại, theo UOB, bất chấp tác động của COVID-19 lên nền kinh tế, Việt Nam đã chứng tỏ năng lực bền bỉ trong bối cảnh các bất ổn bên ngoài khi lĩnh vực sản xuất tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào các doanh nghiệp, hỗ trợ thêm cho tăng trưởng của Việt Nam. Lực lượng lao động có tay nghề ngày càng cao và mức lương thấp cũng giúp cho Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Từ những dữ liệu trên, UOB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 là 3,5% và hồi phục ở mức 6,6% vào năm 2021, gần bằng mức tăng trưởng của năm 2019 là 6,8%.
Ngân hàng UOB (United Overseas Bank) được thành lập từ năm 1935, hiện có hơn 500 văn phòng tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ.
UOB được xếp hạng là một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới với mức tín nhiệm Aa1 do Moody’s Investors Service và AA- đồng thời bởi cả hai tổ chức Standard & Poor’s và Fitch Ratings.
Tại châu Á, UOB đặt trụ sở chính tại Singapore, đồng thời hoạt động thông qua các ngân hàng con tại Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, cũng như các chi nhánh và văn phòng đại diện khác trong khu vực.