Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vợ chồng NSƯT Tiến Hợi và cơ duyên gắn với vai diễn Bác Hồ

(VTC News) -

Không chỉ bên nhau trong đời tư, NSƯT Tiến Hợi và vợ còn gắn bó trong nghề nghiệp, bà Đạm Thủy chính là người hóa trang cho chồng khi đóng vai Bác Hồ.

NSƯT Tiến Hợi là diễn viên thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều nhất và thành công nhất trên sân khấu và màn ảnh Việt. Vai Bác Hồ không chỉ đem lại cho ông cơ hội tỏa sáng trong nghệ thuật mà còn góp phần "xe duyên" cho ông và vợ - nghệ sĩ Vương Đạm Thủy - và gắn kết họ trong hơn 3 thập kỷ.

Hai người quen nhau từ những ngày cùng công tác ở Đoàn nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2. NSƯT Tiến Hợi từng chia sẻ, vợ ông vốn là diễn viên trong đoàn, cùng lứa với các nghệ sĩ Thu Hà, Thu Quế…Năm 1988, đoàn dựng vở kịch Đêm trắng, trong đó Tiến Hợi được chọn vào vai Bác Hồ. Ban đầu, người hóa trang cho ông là Nhữ Đình Nguyên - NSƯT Nhữ Đình Nguyên thuộc Hãng phim truyện Việt Nam, người đã học về hóa trang tại Nga. Vở kịch rất thành công, đoàn thường xuyên đi diễn ở các địa phương, trong đó có rất nhiều lần lên biên giới nên ông Nguyên sức yếu không thể đi theo. Đoàn kịch phải cử một số thành viên đi học hóa trang, trong đó có nghệ sĩ Vương Đạm Thủy - người phụ nữ có quê gốc ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, cùng quê Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vợ chồng nghệ sĩ Tiến Hợi.

"Chả hiểu duyên thế nào mà cô học rất nhanh. Cô học cách hóa trang thể hiện trên khuôn mặt của tôi. Cô học có mấy buổi xong. Từ đó cô cũng đi theo tôi để hóa trang cho tôi. Mỗi lần hóa trang, cả hai cũng tính chi tiết làm sao cho chuẩn hơn, dần dần chỉnh sửa, rút kinh nghiệm", NSƯT Tiến Hợi kể với phóng viên VOV.

Để hoá trang nhân vật Bác Hồ, bà Đạm Thủy nghiên cứu rất kỹ tư liệu, hình ảnh về Bác ở nhiều thời kỳ khác nhau và tìm hiểu bối cảnh lịch sử trong mỗi vở diễn. Nhiều khi, chính nghệ sĩ Tiến Hợi góp ý cho người hóa trang nên vẽ nếp nhăn trên trán thế nào, vết chân chim ở đuôi mắt ra sao… cho phù hợp với cảm nhận sâu sắc của ông về nhân vật. Mỗi lần hóa trang mất đến 2 giờ đồng hồ. Cái duyên công việc góp phần đưa đến cái duyên vợ chồng. 

"Sau này chúng tôi lấy nhau cũng thuận lợi hơn trong việc trao đổi về vai diễn. Cái khó là Đạm Thủy học hóa trang sân khấu nên khi chúng tôi làm truyền hình trực tiếp thì yếu tố truyền hình rất quan trọng. Vừa có khán giả ở dưới xem vừa đáp ứng yếu tố khán giả xem truyền hình. Nếu mình hóa trang nặng quá, khi truyền hình quay sẽ lộ, còn hóa trang nhạt thì đạt yếu tố truyền hình nhưng khán giả xem sẽ không thấy gì. Đó là vấn đề khó khăn, cần tính toán, cân đối.

Hai vợ chồng tôi đặt vấn đề là yếu tố khán giả truyền hình nếu như có truyền hình trực tiếp thì phải ưu tiên. Khi hóa trang xong, cô xuống dưới khán giả quay để về rút kinh nghiệm cho tôi. Còn nhiều khi mình diễn trên sân khấu không để ý đâu. Khi về xem lại đoạn mình diễn phong cách, dáng dấp, thần thái, cách nói, cách thể hiện qua giọng nói, gương mặt...để mình rút kinh nghiệm", sinh thời, nghệ sĩ Tiến Hợi chia sẻ.

Khi NSƯT Tiến Hợi chuyển công tác về Nhà hát Kịch Hà Nội, vợ ông cũng đi theo. Rồi bà thôi nghề diễn, về mở cửa hàng may để tăng thu nhập, giúp chồng yên tâm cống hiến cho nghệ thuật. Tuy nhiên, khi Tiến Hợi được giao vai Bác Hồ, bà luôn là người hóa trang cho ông.

Bà Vương Đạm Thủy hóa trang cho chồng vào vai Bác Hồ.

Cái duyên kỳ lạ của gia đình nghệ sĩ Tiến Hợi với Bác Hồ còn liên quan đến chuyện con cái. Bà Đạm Thủy mang thai lần đầu khi chồng đang đóng phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Con trai cả của họ ra đời năm 1990, đúng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Bác. Ông đặt tên con là Nguyễn Vương Thành, ghép họ của hai vợ chồng và tên nhân vật Nguyễn Tất Thành mà ông thể hiện. Người con thứ hai ra đời khi ông vừa hoàn thành bộ phim Hà Nội mùa đông năm 1946, cũng với vai Bác Hồ. Cả hai bộ phim nhựa mà ông đóng - hai tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Việt Nam - đều gắn với những dấu mốc quan trọng của gia đình người đóng vai Bác.

Ở tuổi xế chiều, vợ chồng NSƯT Tiến Hợi vẫn gắn bó như hình với bóng. Nam nghệ sĩ thường xuyên giúp vợ làm việc nhà. Căn nhà của họ lưu giữ rất nhiều hình ảnh, kỷ vật về những lần đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ sĩ Tiến Hợi.

Sau thời gian điều trị bệnh, nghệ sĩ Tiến Hợi qua đời sáng 10/2 ở tuổi 63 trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và những người hâm mộ ông.

Minh Anh (Tổng hợp)

Tin mới