Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

VKS: Trương Mỹ Lan dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt số tiền lớn

(VTC News) -

Theo đại diện VKS, Trương Mỹ Lan không có nhiều tài sản như bị cáo trình bày, không có nguồn tài chính dồi dào, hơn 94% tài sản được mua bằng tiền chiếm đoạt từ SCB.

Ngày 3/4, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các bị cáo khác tiếp tục phần tranh luận. 

Theo vị đại diện VKSND TP.HCM, thiệt hại của vụ án là 677.000 tỷ đồng là cơ sở đánh giá trách nhiệm hình sự của bị cáo. Thiệt hại được xác định trên cơ sở dư nợ của các khoản vay trừ đi tổng giá trị tài sản bảo đảm được phân bổ cho các khoản vay đã được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá.

Ngoài ra, cơ quan tố tụng không chỉ sử dụng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân mà còn tiến hành biện pháp khác. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự thì không nhất thiết phải trưng cầu hội đồng định giá trong tố tụng hình sự để xác định thiệt hại.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. 

Theo đó, số tiền 677.000 tỷ đồng là để quy buộc trách nhiệm đối với bà Trương Mỹ Lan.

Đối với ý kiến luật sư cho rằng, cần loại bỏ những khoản vay giá trị tài sản đảm bảo lớn hơn dư nợ. VKS cho rằng, nguyên tắc này chỉ phù hợp với hoạt động tín dụng thông thường.

Trong vụ án này, Trương Mỹ Lan đã thực hiện quy trình cho vay ngược, hợp thức các khoản vay nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của SCB. Tội phạm đã hoàn thành nên không chấp nhận quan điểm trên để giảm trách nhiệm cho các bị cáo.

Luật sư đưa ra quan điểm cho rằng bà Trương Mỹ Lan không phạm tội Tham ô tài sản vì bà không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB. 

Theo VKS, hành vi của Trương Mỹ Lan và đồng phạm là có tổ chức. Các bị cáo thực hiện một chuỗi sai phạm, người sau tiếp nhận sai phạm của người trước và nối tiếp những sai phạm.

Kết quả điều tra, diễn biến phiên tòa xác định bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nhờ người đứng tên sở hữu hơn 91,8% cổ phần SCB, vi phạm quy định luật của các tổ chức tín dụng quy định cá nhân không sở hữu quá 5% cổ phần ngân hàng để tránh thâu tóm ngân hàng.

Theo VKS, cách tiếp cận và phương pháp xác định lập luận của luật sư bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan theo mô hình tách bà Lan ra khỏi hệ thống SCB và tiếp cận theo góc chức vụ quyền hạn.

Trong khi đó, VKS tiếp cận theo hướng rộng hơn, xem xét toán bộ cơ cấu bộ máy SCB, sai phạm từ đại hội đồng cổ đông tới các cấp dưới.

VKS xác định, bị cáo Lan nắm quyền sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối, tham gia đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất, sử dụng quyền lực để bầu ra HĐQT, ban kiểm soát, đưa người của bà Lan vào quản lý, biến SCB thành công cụ huy động, chiếm đoạt tiền.

Bên cạnh đó, theo Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định về đồng phạm, xác định bà Lan là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu có hành vi chi phối, chỉ đạo các bị cáo để giúp bà chiếm đoạt tài sản. Căn cứ điều này, VKS cho rằng có đủ căn cứ xác định bà Trương Mỹ Lan phạm tội Tham ô tài sản.

Vị đại diện VKS cũng cho rằng, trên thực tế Trương Mỹ Lan không có nhiều tài sản như bà trình bày và cũng không có nguồn lực tài chính dồi dào. 

Trong số 1.169 tài sản liên quan đến Trương Mỹ Lan bị kê biên, chỉ có khoảng 60 tài sản được bị cáo mua trước năm 2012, còn lại 1.109 tài sản bị cáo mua sau năm 2012 (chiếm 94,8%). Đây là số tài sản nhờ sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để đầu tư, mua tài sản. 

"Trương Mỹ Lan là nữ doanh nhân đầu tiên dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt số tiền lớn như trên", vị đại diện VKS nói.

Các bị cáo khác tại toà.

Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bà Lan có rất nhiều khoản vay tại SCB (cũ) và Ngân hàng Tín Nghĩa. Trong khi bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tại SCB trình bày khoản nợ khó thu khó đòi, tài sản bảo đảm giá trị thấp.

"Nếu bị cáo có nhiều tài sản thì vì sao không tất toán những khoản nợ trên, mà sử dụng SCB huy động tiền gửi của dân?", VKS nói và cho rằng tiền bị cáo Lan chiếm đoạt là tiền huy động của dân.

"Ngân hàng Nhà nước gồng mình để cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dần, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ. Số tiền khổng lồ này đáng lẽ sử dụng nhiều mục đích cho chúng ta, con cháu chúng ta. Luật sư nói bị cáo chiếm đoạt tài sản làm gì? Để mua nhiều bất động sản", VKS phân tích.

Trong suốt quá trình truy tố, xét xử, bị cáo Lan có gửi nhiều đơn và luận cứ trình bày. VKS cho rằng tất cả đơn, văn bản trình bày của bị cáo đều được cơ quan tố tụng nghiên cứu kỹ, đối đáp của KSV đều tranh luận từng quan điểm của bị cáo. Không có chuyện bị cáo trình bày, gửi đơn mà không có đối đáp trả lời.

Cũng tại phiên toà, luật sư bảo vệ quyền, lợi ích cho Ngân hàng SCB cho rằng, trách nhiệm bồi thường của các bị cáo trong vụ án này gắn liền với trách nhiệm của các bị cáo nên phải được giải quyết trong vụ án, không thể tách ra để giải quyết trong một vụ án dân sự khác.

Việc SCB tính lãi đến ngày xét xử vụ án, theo luật sư thì thiệt hại vụ án được xác định là 677.000 tỷ đồng của 1.284 khoản vay. Tiền lãi tính đến 5/3/2024 là 84.500 tỷ đồng. Đây là là tiền lãi phát sinh, thực tế đến nay SCB vẫn phải trả lãi, phí cho Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng khác trên số tiền SCB bị chiếm đoạt.

Hoàng Thọ

Tin mới