Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vietnam Airlines muốn Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng

Tổng Giám đốc VNA chia sẻ tại tọa đàm do Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tổ chức chiều 13/7 có chủ đề: “Chủ sở hữu nhà nước – Hành động và trách nhiệm hậu COVID-19”.

Sau khi có các hỗ trợ của Chính phủ với vai trò quản lý nhà nước, Vietnam Airlines (VNA) đã làm tất cả các việc có thể làm như cắt giảm chi phí, tổ chức lại lao động, giãn, hoãn thanh toán…VNA vẫn sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu.  

Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành đề nghị Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

 

Đó là chia sẻ của ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc VNA tại cuộc tọa đàm do Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng tổ chức chiều 13-7 với chủ đề: “Chủ sở hữu nhà nước – Hành động và trách nhiệm hậu COVID-19”.

Cụ thể, VNA đề nghị Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

Khi cần mà khó khăn, thì đầu tiên là phải quay về cầu cứu chủ sở hữu thôi. Bên cạnh đó, VNA đã và đang phải thực hiện các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao”, lãnh đạo VNA giãi bày.

Ông Thành cũng ví von: “VNA là bông hoa khá đẹp trên một cây hoa khỏe. Chẳng qua bị một cơn mưa quá lớn nên tạm thời đang khó, nhưng nếu được chăm sóc thì nhất định sẽ phục hồi”.

Tình trạng hiện nay là do hậu quả của dịch COVID-19, bởi các năm trước đó, VNA phát triển rất tốt. Tổng Giám đốc VNA khẳng định, vượt qua giai đoạn thiếu vốn trước mắt, VNA sẽ phục hồi và phát triển bền vững sau khủng hoảng.

Dự báo thị trường khách nội địa năm 2021 sẽ về mức trước dịch Covid-19, nhưng thị trường quốc tế sẽ muộn hơn ít nhất 1 năm”, ông Thành nhận định.

Đại diện Tổ tư vấn kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung nêu nhận định, vừa qua, Chính phủ đã có các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không với vai trò quản lý nhà nước, nhưng chưa có các triển khai giải pháp với vai trò là chủ sở hữu của VNA.

Cần xử lý tháo gỡ theo cơ chế đặc thù do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không chỉ theo các khung pháp lý/quy định sẵn có. Các giải pháp cần phải vừa đảm bảo tính khả thi, vừa không tạo áp lực cân đối thu – chi trong tương lai; nguồn trả nợ và lãi vay cũng như các chỉ số tài chính của VNA không quá mất cân đối”, ông Cung “hiến kế”.

TS Nguyễn Đình Cung nêu ra 3 phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp. Phương án thứ nhất là tăng vốn điều lệ: Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào VNA. Phương án thứ 2 là chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Phương án thứ 3 là vay vốn từ chủ sở hữu nhà nước.

Theo chuyên gia này, cả 3 phương án đều cần có cơ chế đặc thù, nhưng đều có cơ sở pháp lý và đều có tính khả thi.

Ở phương án 1, điều cần lưu ý là phần vốn do SCIC đầu tư vào VNA cần được xác định là tài sản của SCIC đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Phương án 2, việc chuyển giao vốn nhà nước về VNA có cơ sở pháp lý, nhưng phải được thông qua tại đại hội đồng cổ đông. Cuối cùng, với phương án 3, mọi phương án vay Chính phủ cũng cần có sự thống nhất ý kiến, sự chấp thuận từ đại hội đồng cổ đông và các bộ liên quan theo đúng trình tự pháp luật hiện hành.

Lý giải thêm về việc chọn VNA như một trường hợp điển hình, TS Cung cho biết, các hãng hàng không đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, trong đó VNA lại là hãng hàng không quốc gia.

Tuy bây giờ đang gặp khó, nhưng VNA hoàn toàn có thể trở thành nhân tố “đẩy” tăng trưởng rất hiệu quả”, TS Nguyễn Đình Cung nói. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các Chính phủ đều nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp của mình, với cả hai vai trò: quản lý nhà nước và thành viên, cổ đông góp vốn.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin mới