Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam tự tin trở thành điểm đến mới của nhà đầu tư thế giới

(VTC News) -

TS. Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên quyền Chủ tịch UB Giám sát tài chính Quốc gia, bàn về việc Việt Nam thu hút đầu tư thế giới.

Ông Phước cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế vượt trội, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư mới trong cuộc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19.

Lợi thế vượt trội

- Thưa ông, mới đây Mỹ đã mời Việt Nam cùng Hàn Quốc và New Zealand đối thoại với “Bộ tứ kim cương” (QUAD) nhằm thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”. Động thái này phải chăng cho thấy Mỹ và phương Tây đang “ngắm” Việt Nam như là một trong những điểm đến mới triển vọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, thay thế cho Trung Quốc?

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã tạo ra sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn thế giới. Một trong những trung tâm của chuỗi cung ứng này là Trung Quốc. Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hơn 2 năm qua, người ta đã nói nhiều đến việc các nhà đầu tư phương Tây ở Trung Quốc đang tìm kiếm một quốc gia mới, có những lợi thế mới nổi trội hơn so để dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng của mình. Khi đại dịch COVID-19 ập đến thì nhu cầu này nổi lên ngày càng mạnh mẽ và có vẻ cấp thiết. Tất nhiên, cần nhớ rằng một thị trường đông dân như Trung Quốc vẫn là một nhân tố “quyến rũ” cho các nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng này.

Trong khi đó, điều quan trọng, gần như là quy luật trong truyền thống ứng xử, phản ứng về mặt chính sách của Việt Nam là “Biết mình, biết người”. Thích ứng nhanh với những thay đổi của thế giới sau đại dịch, biết chuẩn bị các điều kiện, cơ sở và với một ý chí quyết tâm cao thì Việt Nam có thể tự tin trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư thế giới.

- Nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, thậm chí là Nhật Bản cũng đang tìm mọi cách chào mời các “ông lớn” của thế giới khi họ rút khỏi Trung Quốc. Theo ông, Việt Nam có đủ lợi thế và đủ tự tin trong cuộc đua này?

Trước hết, có thể thấy cạnh tranh trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là một quá trình diễn ra liên tục và các điều kiện cung ứng cho các nhà đầu tư thì ngày càng hoàn thiện hơn. Khoảng 30 năm trở lại đây, Trung Quốc có ưu thế là chi phí nhân công rẻ, một đồng Nhân dân tệ phá giá mạnh mẽ, một thị trường tiêu thụ với dân số tăng nhanh đến nay là trên 1,4 tỷ người. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ về cở sở hạ tầng của Trung Quốc mấy thập kỷ qua.

Nhưng nay các ưu thế đó có cái thì không còn nữa, có cái thì cũng chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Các đối thủ trên phạm vi toàn cầu cũng liên tục thay đổi để có các chính sách thu hút hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn.

Trong các lợi thế mà một quốc gia có được khi thu hút, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư bên ngoài vào thì hình ảnh quốc gia thông qua sự ổn định chính trị hay ổn định kinh tế vĩ mô gây nhiều ấn tượng hơn cả. Ở mặt này, có thể nói Việt Nam đã gây được sự chú ý với nhà đầu tư về khả năng đảm bảo dòng vốn đầu tư an toàn. Sự thành công của chống dịch COVID-19 không đơn giản chỉ là thành tựu của lĩnh vực y tế, mà còn là biểu tượng của một chất lượng quản trị nhà nước, quản trị xã hội.

Một trong những lợi thế khác mà nhà đầu tư cần đến đó là cơ sở hạ tầng. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại phục vụ tốt cho quá trình tiếp nhận đầu tư. Ngay cả trong những tháng ngày cao điểm chống dịch, việc đẩy nhanh gói ngân sách 700.000 tỷ đồng cho đầu tư công vẫn thực hiện rất cấp bách.

Hơn nữa, kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá ổn định, chúng ta luôn giữ được lạm phát ở mức thấp, ngoại trừ ít năm bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tỷ giá hối đoái luôn giữ được ổn định và sự mất giá của đồng Việt Nam có thể dự báo được. Tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc mức cao so với các nước trên thế giới. Đặc biệt là sự chuyển động mạnh mẽ của Chính phủ với một quyết tâm rất cao thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước.

TS. Trương Văn Phước.

Cần những “quả đấm” chủ lực

- Có một số ý kiến cho rằng, đây là cơ hội vàng để kinh tế Việt Nam cất cánh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng nhiều ý kiến khác đặt vấn đề Việt Nam cần ưu tiên lựa chọn những dòng vốn FDI chất lượng. Điều này cần hiểu thế nào, thưa ông?

Hai luồng ý kiến trên thực chất cũng không có gì khác nhau, chẳng qua là cách tiếp cận. Chắc chắn là nếu tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì nền kinh tế nước ta sẽ thay đổi theo hướng chất lượng và hiện đại, tiềm năng tăng trưởng kinh tế sẽ rất lớn.

Còn việc lựa chọn những dòng vốn đầu tư chất lượng thì tháng 8/2019 Bộ Chính trị đã có nghị quyết về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tinh thần chung là không đánh đổi môi trường, không khai thác cạn kiệt tài nguyên, không chấp nhận chuyển giá… lựa chọn các ngành, lĩnh vực công nghệ cao và có khả năng chuyển giao công nghệ hiện đại cho doanh nghiệp trong nước.

- Vậy ông đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp nhận làn sóng dịch chuyển chưa từng có của dòng vốn đầu tư toàn cầu? Đâu là những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhất?

Để đón nhận làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam phải có một nền tảng doanh nghiệp nội phát triển nhanh, thích ứng tốt với các yêu cầu mới cả về mặt quản trị, tổ chức sản xuất, công nghệ và trình độ lao động.

Ở khía cạnh này, tôi cho rằng mức độ sẵn sàng và năng lực của doanh nghiệp Việt là tương đối khá. Có những lĩnh vực trước đây là xa xỉ với Việt Nam như sản xuất ô tô hay thiết bị thông minh, nhưng đến nay chúng ta đều đã có doanh nghiệp làm chủ công nghệ, giúp Việt Nam tiệm cận với nền sản xuất tiên tiến của thế giới.

- Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vai trò của các tập đoàn lớn, đa ngành, có tiềm lực cả về tài chính và công nghệ trước cuộc đại chuyển dịch lần này?

Dễ nhận thấy, trong số các “ông lớn” có thể sẽ rút khỏi Trung Quốc thì khả năng doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ với hàm lượng chất xám cao như trí tuệ nhân tạo, thiết bị điện tử, công nghệ 5G… là rõ rệt hơn cả. Apple là một ví dụ. Vì thế, Việt Nam phải có những “quả đấm” chủ lực, những doanh nghiệp đủ tầm mới có thể hấp thu được các dòng vốn lớn, hấp thu được những công nghệ mới để Việt Nam dần làm chủ. 

Điều đáng mừng là khoảng chục năm trở lại đây, chúng ta đã có những tập đoàn kinh tế, cả nhà nước lẫn tư nhân với tiềm lực mạnh cùng kinh nghiệm quản trị tiệm cận với trình độ quốc tế. Đây có thể xem là những đại diện tiên phong của Việt Nam để đón làn sóng đầu tư lớn sắp đến. 

- Theo ông, Việt Nam cần làm gì và thay đổi như thế nào để không bỏ lỡ cơ hội vàng này?

Theo tôi, điều cần làm đầu tiên là phải nội luật hóa tất cả các vấn đề đặt ra để luật pháp Việt Nam tương thích với luật pháp quốc tế, đồng thời, giải quyết hiệu quả các vấn đề, tranh chấp mới có thể phát sinh. Cùng với đó phải cải cách mạnh mẽ, triệt để thể chế hành chính để tạo ra môi trường minh bạch, thân thiện cho các nhà đầu tư.

Điểm dễ thấy là quá trình cải cách hành chính tổng thể vẫn chậm gây ngán ngại cho nhà đầu tư. Việc giải quyết chậm trễ các thủ tục trong đầu tư cũng đã tác động đến sức hấp dẫn của chính sách đầu tư, tạo cảm giác có các “rào cản” đối với nhà đầu tư nước ngoài

Nhà nước cũng phải đẩy mạnh việc hình thành một thị trường tài chính chuyên nghiệp, đa dạng và ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp đón nhận các dòng vốn mới, có thể lên tới cả chục tỷ USD mỗi dự án. Trên thế giới, không có nền kinh tế thực nào, đặc biệt là một quốc gia với các tập đoàn kinh tế mạnh, lại thiếu đi một dịch vụ quan trọng là thị trường tài chính.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Quỳnh Chi

Tin mới