Chiều 26/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết việc Việt Nam tham gia thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) có đồng nghĩa với việc tham gia vào khuôn khổ này hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Đây mới là quá trình khởi động cho tiến trình thảo luận. Việc tham gia của mỗi nước, trong đó có Việt Nam, sẽ phụ thuộc vào kết quả của quá trình này".
Theo người phát ngôn, trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi, làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột gồm thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi các-bon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng nhằm đem lại một chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước, hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng cho khu vực và thế giới.
"Việt Nam cho rằng IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN, và bổ sung cho liên kết kinh tế đã có", bà Hằng nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Chiều 23/5, tại Tokyo (Nhật Bản) diễn ra lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tối ưu hóa ngoại lực; đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế trên nền tảng của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam kiên định đường lối và đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam cũng tham gia nhiều sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung đẩy nhanh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) nhằm mục đích làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác ký kết như Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Sáng kiến mới nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực 5 năm sau khi cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thành tựu từ thời cựu Tổng thống Obama nhằm thúc đẩy sự can dự của Mỹ ở châu Á.