Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để cung cấp lúa gạo

(VTC News) -

Ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.

Ngày 13/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo quốc tế “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới”.

Hội thảo là một trong các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, được tổ chức từ ngày 11 đến 15/12 tại TP Vị Thanh. Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia đã dành sự quan tâm rất lớn đến vấn đề sản xuất lúa gạo bền vững và an ninh lương thực.

Hội thảo “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” là một trong các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. (Ảnh: Tùng Đinh)

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hội thảo có ý nghĩa đặc biệt khi Chính phủ vừa phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giúp các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân có cái nhìn đúng đắn hơn, nhận thức rõ hơn về canh tác lúa trong thời điểm hiện tại.

Bộ NN&PTNT sẽ điều tiết để các bên tạo lập những chuỗi cung ứng, không chỉ trong nước mà còn là các quốc gia trong khu vực. 

Ông Nam nhận định, thời gian qua, nhân loại phải gánh chịu nhiều vấn đề từ biến đổi khí hậu, xung đột chính trị khiến vấn đề an ninh lương thực được đặc biệt quan tâm. Ngoài những yếu tố này thì việc di dân và sự điều chỉnh cục bộ của một số quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu cũng ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

Theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ NN&PTNT tính toán, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.

Các bản ghi nhớ sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, sản xuất lúa gạo bền vững và giúp ích trực tiếp cho người nông dân”, Thứ trưởng Nam nói.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. (Ảnh: Tùng Đinh)

Ông Denny Abdi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm chung và là bạn hàng quan trọng của nhau về mặt hàng lúa gạo. Indonesia là quốc gia đông dân nên quốc gia này nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của an ninh lương thực, trong đó có lúa gạo.

Theo ông Denny Abdi, tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu đang diễn ra khá nhanh, trong khi diện tích canh tác lúa lại tăng không tương xứng. Cụ thể, từ năm 2017 đến 2021, diện tích lúa chỉ tăng 1,5%.

Khi kinh tế tăng trưởng, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ thì quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa càng là một thách thức với nhân loại”, ông Denny Abdi nói.

Cũng theo ông Denny Abdi, khu vực Đông Nam Á có thế mạnh về sản xuất lúa gạo. 5 quốc gia sản xuất lúa hàng đầu gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Myanmar giữ nguồn cung quan trọng cho thị trường lúa gạo toàn cầu.

Chính vì vậy, để các nước trong khu vực duy trì, nâng cao hơn nữa vị thế, ông Denny Abdi đề xuất các quốc gia xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế và hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư.

Chúng ta cần tiếp tục cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc. Những việc này sẽ giúp sản xuất lúa gạo bền vững và đảm bảo an ninh lương thực”, ông Denny Abdi chia sẻ.

Giáo sư Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Tùng Đinh)

Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, vấn đề biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của El Nino trong năm 2024 cùng với động thái dừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ góp phần làm thị trường khó đoán định hơn.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiện nay giá gạo ngày càng tăng, đây là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi mà nước ta đang có càng nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều chính sách giúp người nông dân được linh hoạt hơn trong việc lựa chọn đối tượng canh tác. Những diện tích bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn có thể canh tác tôm xen lúa, đem lại lợi ích gấp 4 lần so với trồng lúa đơn thuần. Các công trình thủy lợi cũng đang giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có thể sống chung với biến đổi khí hậu.

Do đó, nếu năm 2024, nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu thì Việt Nam có thể nâng lên canh tác 4 vụ 1 năm với nhiều loại gạo chất lượng cao, tận dụng được cơ hội xuất khẩu. Gạo từ Việt Nam, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn đủ để chia sẻ cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các mặt công tác chuyên môn của ngành hàng lúa gạo như đẩy mạnh xuất khẩu gạo thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa trong khu vực nông dân, nhất là vào các thời điểm thu hoạch rộ, giúp bình ổn giá gạo nội địa và góp phần đảm bảo nguồn gạo dự trữ quốc gia.

ĐẠI VIỆT

Tin mới