Trung tướng Phan Thu chia sẻ với phóng viên VTC News về những chuyện giờ mới kể về thắng lợi: "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972".
Trung tướng Phan Thu - Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu - là một trong những người có vai trò rất quan trọng góp phần làm nên chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972.
Trong cuộc trò chuyện với VTC News, khi có những thông tin đã đến thời gian giải mật ông đã kể lại một số “điểm mờ” trong chiến dịch 12 ngày đêm khiến Mỹ phải ngừng bắn vô điều kiện ở miền Bắc Việt Nam và ký kết hiệp định Paris với những nội dung không hề bị thay đổi so với trước.
- Có thông tin cho rằng tên lửa SAM-2 bắn cháy được B-52 vì được cải tiến nối tầng. Trung tướng có thể cho biết thực hư về thông tin này?
Đây là một thông tin thất thiệt, đã được cải chính nhiều lần trong nhiều năm, nhưng đáng tiếc, nó vẫn xuất hiện trên Internet.
Tên lửa SAM-2 có tầm bắn cao 25 km trong khi B-52 chỉ bay ném bom hiệu quả ở độ cao 10 km, mà ném bom cao nhất cũng chỉ đến 17 km, thì việc gì SAM-2 phải nối tầng.
Trong nhiều cuộc hội thảo khoa học về chiến thắng B-52, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, đã cải chính thông tin không đúng này, nhưng nó vẫn tồn tại.
Thấy sự việc lạ, tôi đi tìm hiểu nguồn cơn thì sự thể là thế này:“Sau chiến thắng B-52, có một nhà báo đến phỏng vấn một nhà khoa học và đặt câu hỏi: Có phải ông đã cải tiến nối tầng cho tên lửa SAM-2 để tên lửa SAM-2 bắn rơi B-52? Nhà khoa học im lặng không nói gì, thế là nhà báo tưởng đúng như vậy nên đã loan truyền thông tin này.
Thực tế, nhà khoa học chỉ góp ý kiến với một số cán bộ của Viện Kỹ thuật quân sự về việc nối tầng cho pháo hỏa tiễn DKB để đối phó với các máy bay AC-119 và AC-130 khi chúng vào quấy nhiễu công tác vận chuyển của ta trên đường mòn Hồ Chí Minh mà thôi”.
Tôi đề nghị, từ nay chúng ta hãy khép lại thông tin về nối tầng SAM-2 để đánh B-52. Việc nối tầng vừa không phải nhu cầu của SAM-2, vừa nằm ngoài điều kiện và khả năng của nước ta lúc bấy giờ.
Nối thêm một tầng nữa nghĩa là thay đổi trọng tâm của tên lửa, từ đó dẫn đến phải thay đổi vị trí, hình dạng các cánh nâng, cánh dẫn hướng, cánh phá ổn định,… phải thiết kế lại hệ thống điểm hoả tầng, cắt tầng,…
Trung tướng Phan Thu ký tặng bút ký "Cuộc đối đầu không cân sức" cho VTC News.
- Thưa Trung tướng, Giai đoạn 1 của chiến dịch Linebacker 2, khi Mỹ đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc, chúng ta không bắn rơi được chiếc pháo đài bay nào. Ông có bình luận gì?
Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai có 2 bước. Linebacker I: Mỹ mang B-52 ra đánh phá miền Bắc: ngày 10/4/1972 ở Vinh, ngày 13/4/1972 ở Thanh Hóa, ngày 16/4/1972 ở Hải Phòng. Sau đó là Linebacker II, mang tính chất một cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội cuối tháng 12/1972.
Ở Vinh và Thanh Hóa, ta không bắn rơi được chiếc B-52 nào. Ngày 16/4/1972, từ 3 giờ sáng đến 16 giờ Mỹ huy động 270 lần chiếc máy bay, trong đó có 9 chiếc B-52 ra đánh Hải Phòng và pháo hạm của chúng phối hợp bắn vào khu vực Đồ Sơn. Ở đây, ta có 2 trung đoàn tên lửa 238 và 285 đã đánh trả quyết liệt, phóng đến 93 quả đạn tên lửa nhưng cũng không bắn rơi một B-52 nào.
Cùng ngày, từ 9 đến 10 giờ, Mỹ sử dụng 60 lần chiếc máy bay chiến thuật bay ở độ cao 7 - 8 km đột nhập phía Tây Hà Nội. Bộ đội radar cảnh giới thông báo nhầm là B-52 vào đánh Hà Nội. Hai trung đoàn tên lửa 261 và 257, bảo vệ Hà Nội phóng 36 quả đạn tên lửa, đều trượt mục tiêu.
Từ kết quả đó, Mỹ cho rằng B-52 là bất khả xâm phạm. Chúng còn đe dọa “sẽ đưa Bắc Việt trở về thời kỳ đồ đá!”. Những đánh giá đó khiến các phi công Mỹ, nhất là các phi công lái B-52 rất chủ quan, kiêu ngạo.
- Nhưng chúng ta lại chiến thắng trong giai đoạn 2 bằng chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không…
Vào tháng 10/1972, lẽ ra giữa ta và Mỹ đã đi đến một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như thỏa thuận, nhưng phía Mỹ đã bội ước, đưa máy bay chiến lược B-52 ra ném bom Hà Nội.
Mưu đồ của tổng thống Mỹ Richard Nixon và phe hiếu chiến Mỹ là dùng sức mạnh của B-52 để ép ta trên bàn đàm phán, buộc ta phải chấp nhận những điều kiện áp đặt của chúng. Đó là điều kiện “Hà Nội cùng rút quân”.
Nhưng cuộc tập kích chiến lược mang tên Linebacker II (Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai) ồ ạt và tàn bạo bằng B-52 của Mỹ đã thất bại nhục nhã: 81 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52. Có 16 chiếc B-52 bị SAM-2 bắn rơi tại chỗ mà Mỹ không thể chối cãi được, cũng đã là một tổn thất quá lớn cho lực lượng không quân chiến lược Mỹ.
Nhiều phi công B-52, những con cưng của không lực Hoa Kỳ đã bị bắt sống sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.
Điều mà Mỹ chưa bao giờ nghĩ tới và chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nước Mỹ.
- Xin Trung tướng phân tích rõ việc chúng ta đã rút kinh nghiệm thế nào, đề ra những giải pháp hiệu quả nào để chiến thắng "con ngáo ộp" B-52?
Về cách đánh của B-52, Mỹ vẫn duy trì một cách đánh cố hữu là sử dụng nhiễu mạnh cả trong và ngoài đội hình, sử dụng nhiễu máy bay tiêm kích hộ vệ, sử dụng nhiều máy bay cường kích khống chế các sân bay, các trận địa tên lửa, sử dụng nhiều tên lửa chống radar.
B-52 muốn ném bom chính xác, đặc biệt là phải bay bằng độ cao và tốc độ ổn định. Cách đánh này của Mỹ có những điểm mạnh nhưng cùng bộc lộ những điểm yếu của B-52.
Để phá vỡ cách đánh của địch, chúng ta sử dụng MiG-21 bay vòng ngoài, uy hiếp máy bay gây nhiễu ngoài đội hình không tiếp cận được mục tiêu đánh phá, làm nhiễu giảm nhẹ đi, giúp cho tên lửa bắt được B-52, chờ thời cơ bám sát B-52 để tiêu diệt.
Ở các trận địa phòng không, tên lửa SAM-2 sử dụng một cách đánh hữu hiệu, phát sóng gần, chọn cự ly phát sóng thích hợp để có thể bắt được B-52, bắn bằng phương pháp bắn đón. Nếu không bắt được B-52 thì đánh bằng phương pháp ba điểm, bám sát vào dải nhiễu B-52 hoặc bám sát theo phần tử của radar K8-60 (đối với 2 tiểu đoàn của 261 và 257), thành thạo cách chuyển phương pháp bắn khi còn đủ điều kiện và bắt được B-52.
Với cách đánh thông minh và sáng tạo như vậy, tên lửa SAM-2 đã phát huy được hiệu quả bắn và nâng cao khả năng chống được Shrike (tên lửa chống radar của Mỹ) vừa tiêu diệt địch vừa bảo vệ mình. Tinh thần của cách đối phó trên hình thành nên cẩm nang Cách đánh B-52 là “bảo bối” đánh của B-52.
- Xin Trung tướng nói về lịch sử ra đời của cuốn cẩm nang này?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc nhở Quân chủng Phòng không - Không quân sớm xây dựng phương án đánh B-52. Ngày 27/2/1968, những phác thảo đầu tiên của kế hoạch đánh B-52 được hình thành trong Văn phòng của Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặng Tính, có thêm đóng góp của Phó Tư lệnh Lê Văn Trị và Phó Chính ủy Nguyễn Xuân Mậu.
Từ đó về sau, cơ quan Quân chủng đã nhiều lần hoàn chỉnh phương án đánh B-52. Phó Tư lệnh Lê Văn Trị, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Vũ Xuân Vinh chỉ đạo xây dựng cụ thể cách đánh B-52.
Việc tổ chức xây dựng được thực hiện trên cơ sở phối hợp của 2 bộ phận: Tổ nghiên cứu biên soạn của Bộ Tham mưu Quân chủng do anh Nguyễn Sinh Huy phụ trách và Tổ nghiên cứu biên soạn của sư đoàn 361 do anh Trần Xanh phụ trách.
Cuối cùng, tài liệu đã được trao đổi thống nhất qua hội nghị ngày 31/10/1971 do Tư lệnh Lê Văn Tri chủ trì.
Đến phương án cuối cùng là phương án thứ 11 này được Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phê chuẩn ngày 24/11/1972.
Tính cho đến ngày Mỹ mở chiến dịch Linebacker II, Quân chủng có hơn một năm để phổ biến, tổ chức huấn luyện cho tất cả các tiểu đoàn, trung đoàn tên lửa toàn Quân chủng.
Như vậy, bước vào chiến dịch cuối cùng vô cùng quan trọng này, bảo bối Cách đánh B-52 góp phần làm khiến cho SAM-2 phát huy khả năng nổi trội so với B-52.
Trong trận chiến Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, chúng ta đã được chuẩn bị kỹ càng, trong tay có cẩm nang Cách đánh B-52 làm “bảo bối”, có cả phương tiện “vạch mặt B-52”.
Ta đã mạnh hơn địch, quật đổ thần tượng B-52 xuống bùn đen theo cả nghĩa bóng nghĩa đen khi chiếc B-52 đâm đầu xuống bùn đen ở hồ Ngọc Hà.
Trung tướng Phan Thu (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh cùng đồng đội sau chiến thắng mùa Xuân 1975.
- Trung tướng vừa nói đến phương tiện bí mật “vạch mặt chỉ tên” được B-52…
“Anh chàng cỗ lỗ sĩ” là cách ví von của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu trong hồi ký Bảo vệ bầu trời. Trong cuốn sách này, ông viết:
“Rõ ràng, dù phương tiện chiến tranh có phát triển hiện đại đến đâu, đôi khi một biện pháp thô sơ cũng góp phần làm nên chiến thắng. Xuất phát từ suy nghĩ như thế, đồng chí Phan Thu đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân chủng cho sử dụng loại radar thuộc thế hệ sắp đưa vào bảo tàng, dùng để bắt B-52. Và kết quả thật bất ngờ!
Trong chiến dịch 12 ngày đêm, chính loại máy này đã bắt được B-52 dễ dàng hơn các loại máy khác, bởi hai lẽ: Mội là, trong khi nghiên cứu chế tạo máy gây nhiễu, những nhà khoa học Mỹ đã không đếm xỉa gì đến cái anh chàng “cổ lỗ sĩ” ấy. Hai là, đây mới là chủ yếu - rằng chúng ta đã biết sắp xếp cho anh chàng này đúng vị trí của mình nên mắt thần của anh chàng lạc hậu đó sáng trở lại, dễ dàng rọi lên tận chín tầng mây vạch nhiễu, nhìn rõ B-52 để báo cho tên lửa ta tiến công chúng”.
Đài radar đó, cái “anh chàng cổ lỗ sĩ” đó, có tên là radar K8-60 trang bị cho pháo phòng không tiểu cao 57mm. Anh Nguyễn Xuân Mậu thi vị hóa, gọi nó là “anh chàng cổ lỗ sĩ” chứ thực ra nó là loại hiện đại thời bấy giờ. Nó còn hiện đại hơn cả radar COH-9A, nó chính là radar COH-9A nhưng có thêm một tần số làm việc ở dải sóng 3cm.
- “Anh chàng cổ lỗ sĩ” K8-60 đã được cải tiến thế nào, thưa Trung tướng?
Radar K8-60 là loại radar pháo 57mm do Trung Quốc chế tạo. Nó có 2 tần số làm việc (10 cm và 3 cm).
Bên cạnh việc sử dụng cho pháo 57, Quân chủng đã triển khai một đề tài cải tiến kỹ thuật truyền phần tử mục tiêu B-52 từ radar K8-60 sang cho tên lửa SAM-2 phục vụ việc chống nhiễu B-52.
Sở dĩ có đề tài cải tiến kỹ thuật này là do Đội trinh sát nhiễu của Quân chủng đã phát hiện B-52 không gây nhiễu dải sóng 3 cm.
Và trong thực tế chiến đấu, radar K8-60 không hề bị nhiễu. Đề tài này hoàn toàn do cán bộ khoa học Việt Nam của Quân chủng Phòng không Không quân thực hiện.
Trong thời gian gần 2 tháng (22/2/1972 - 6/4/1972), radar K8-60 đã bắt được mục tiêu 18 lần, trong đó có 2 lần bắt được B-52, cự ly bắt được mục tiêu xa nhất là 65 km, trung bình 35 - 45 km, bám sát tự động từ cự ly 30 km.
- Sau thời gian thử nghiệm, “anh chàng cổ lỗ sĩ” radar K8-60 đã tham chiến và vạch mặt B-52 thế nào?
Trong 12 ngày đêm B-52 vào đánh Hà Nội các radar K8-60 trang bị cho tiểu đoàn 57 và tiểu đoàn 79 đã nhiều lần bắt được B-52 và đóng vai trò quan trọng chỉ dẫn chính xác vị trí B-52 cho đài điều khiển tên lửa bắt B-52 và đánh B-52.
Radar K8-60 ở tiểu đoàn 57 đã 18 lần và radar K8-60 ở tiểu đoàn 79 đã 12 lần phục vụ đài điều khiển tên lửa bắt B-52.
Những số liệu này chúng tôi ghi lại từ sổ ghi chép chiến đấu của 2 đài radar K8-60, đã phối thuộc với tiểu đoàn 57 và tiểu đoàn 79 suốt 12 ngày đêm của chiến dịch.
- Việc cải tiến “anh chàng cổ lỗ sĩ” K8-60 có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Việc cải tiến này là một bất ngờ đối với Mỹ. Sau chiến dịch chống tập kích đường không bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng.
Sau chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, tôi có dịp đi cùng cơ quan tình báo của ta, lúc đó là Cục 2, đến nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) để hỏi cung tù binh, tôi đã hỏi một sĩ quan điện tử trên B-52:
“Khi bay vào đánh Hà Nội, anh có thu được radar mặt đất làm việc ở dải sóng 3 cm không?”. Anh ta trả lời: “Thưa ngài, có”. Tôi lại hỏi: “Anh đã xử lý thế nào?” - Trả lời: “Tôi không quan tâm đến nó vì đó là một radar của loại pháo phòng không tầm thấp, không uy hiếp gì đến B-52”.
Anh ta còn tiết lộ các phương án mà anh ta đã sử dụng để gây nhiễu SAM-2 và các radar khác làm việc ở dải sóng 10 cm, trong đó không hề có phương án nào gây nhiễu dài sóng 3 cm của radar phòng không dưới mặt đất cả.
Máy bay B-52 chỉ có một máy gây nhiễu ALR-18 làm việc tự động ở dải sóng 3 cm mà antenna của nó được đặt ở phía đuôi máy bay để gây nhiễu cho radar của MiG-21.
Thế là đã rõ, Mỹ đã bất ngờ về việc ta đã sử dụng radar K8-60 của pháo phòng không phục vụ cho SAM-2 bắt B-52 và chống nhiễu, chống Shrike. Radar K8-60 mới đưa sang Việt Nam, có thể lúc đó Mỹ chưa biết.
- Liệu rằng, chúng ta có sự may mắn nào không khi đánh thắng B-52 trên bầu trời Hà Nội cách đây 50 năm, thưa ông?
Chúng ta đã giành thắng lợi bằng chính thực lực của mình, bằng sức mạnh của mình mà không hề có sự may mắn nào.
Mỹ đã phải chịu thua, đúng như Bác Hồ đã tiên đoán: “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Henry Kissinger - Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ R. Nixon - phải thú nhận: “Không lực Hoa Kỳ đã vấp phải một hệ thống phòng không hiệu quả nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, với kỹ thuật hiện đại chống lại kỹ thuật hiện đại của Mỹ”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara cay đắng thốt lên: “Những cuộc ném bom hủy diệt của Mỹ không thể tiêu diệt được ý chí của cả một dân tộc”.
Tạp chí Không lực Hoa Kỳ cũng cay đắng phân tích rõ: “B-52 được tung ra với số lượng chưa từng có, để cuối cùng Tổng thống phải chấp nhận một kết cục bi thảm chưa từng thấy. 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ R. Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, và ngày 16/1/1973 phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam”.
Nguyên nhân thắng lợi đã được nhiều tài liệu nói rõ, tuy nhiên không phải cứ biết là có thể vận dụng được Chiến thắng B-52 đã xảy ra ở Việt Nam mà không phải ở nơi nào khác dưới bàn tay, trí óc của con người Việt Nam, một dân tộc, dám đánh và biết đánh để giành lấy và giữ gìn nền độc lập của dân tộc mà tổ tiên và cha ông đã để lại.
Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam.
Xin cảm ơn Trung tướng!