Năm 1975, khi nước ta đang tìm cách vực dậy hậu chiến tranh sau ngày thống nhất đất nước, Khmer Đỏ dưới sự lãnh đạo của Pol Pot xua quân tấn công các đồn biên phòng, làng mạc, thị trấn biên giới của Việt Nam, tàn sát dã man dân thường.
Từ 3/5/1975, tức là chỉ 3 ngày sau khi chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng tấn công đảo Phú Quốc. Đến ngày 7/5/1975, chúng tiếp tục tấn công đảo Vai. Ngày 10/5, tấn công và chiếm đảo Thổ Chu tàn sát 500 người dân Việt Nam sinh sống trên đảo này.
Đến cuối năm 1975 và cả năm 1976, chúng tiếp tục gặm nhấm, chiếm dần và gây rất nhiều tội ác ở vùng biên giới của ta, trong đó có những vụ tàn sát được nhiều người biết tới như ở Tân Lập (Tây Ninh), Ba Chúc (An Giang) và nhiều nơi khác ở vùng biên giới.
Sang năm 1977, ý đồ, dã tâm đánh chiếm một số vùng đất Việt Nam của Pol Pot càng rõ hơn, chúng tập hợp lực lượng cấp sư đoàn để tiến đánh. Đến cuối năm 1977, chúng triển khai 10 sư đoàn đánh toàn tuyến biên giới của ta.
Theo các con số thống kê, từ tháng 5/1975 tới tháng 12/1978, Khmer Đỏ đã thực hiện gần 10.000 cuộc tấn công vào biên giới nước ta, giết hại hàng nghìn thường dân, bắt và mang đi thủ tiêu hơn 20.700 người; đốt phá hơn 21.200 nóc nhà, trường học, bệnh viện, chùa chiền, khiến 400.000 người sống ở dọc biên giới rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đi lánh nạn.
Các chiến sỹ Quân khu 9 tiêu diệt quân Pol Pot đến gây tội ác ở Phú Cường, xã An Nông, huyện Bảy Núi (An Giang), ngày 19/1/1978. (Nguồn: TTXVN)
Là một đất nước ưa chuộng hòa bình, chúng ta vẫn tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng đàm phán hòa bình. Nhưng Khmer Đỏ lại tỏ ra hết sức ngông cuồng và không cho thấy có dấu hiệu hợp tác. Điều này buộc các lực lượng vũ trang Việt Nam đứng lên chống trả, tìm lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Chúng ta đã tiêu diệt 38.563 quân Khmer đỏ, bắt sống 5.800 tên, đồng thời dùng không quân phối hợp với bộ binh triển khai các cuộc không kích và giao tranh trên bộ, đánh vào các đơn vị quân Khmer Đỏ dọc biên giới, nhằm làm suy yếu quân Khmer Đỏ
Sau các đòn đáp trả quyết liệt của quân đội Việt Nam, Pol Pot chịu tổn thất nặng nề. Cực chẳng đã, chúng tìm cách vu cáo để cô lập Việt Nam, tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài trong khi vẫn tập trung tiếp tục mở các cuộc tấn công mới.
Tới ngày 2/12/1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập. Đáp lại lời cầu cứu của nhân dân Campucchia và lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã tiến về thủ đô Phnom Penh.
Ngày 23/12/1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công, tiến công trên toàn tuyến biên giới. Hệ thống phòng thủ vòng ngoài của Pol Pot không thể cầm cự nổi và bị phá nát chỉ 3 ngày sau đó.
Tới ngày 31/12/1978, quân dân ta hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm.
Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp tập luyện nâng cao kỹ thuật chiến đấu. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 6/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia bắt đầu tổng công kích vào Phnom Penh. 1 ngày sau đó, ách thống trị bạo tàn của Khmer Đỏ chính thức bị lật đổ, Thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng. Ngày 8/1/1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pol Pot, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia.
Có được hòa bình, thoát khỏi ách thống trị của Khmer Đỏ, nhân dân Campuchia ghi nhận sự giúp đỡ to lớn của chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam.
Như Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen khẳng định rằng quá trình lật độ chế độ diệt chủng, giành thắng lợi rực rỡ có công không nhỏ từ sự giúp đỡ hết sức to lớn, kịp thời và hiệu quả của quân tình nguyện Việt Nam.
“Chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính mạng của người dân Campuchia trong lúc vô cùng nguy nan và khẩn cầu các nước đến cứu giúp. Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam là sự giúp đỡ nhân đạo và đúng đắn nhất. Sự hỗ trợ này lẽ ra phải là nghĩa vụ chính yếu của cộng đồng quốc tế trong việc cứu giúp một dân tộc đang trong hoạn nạn bởi chính sách diệt chủng có tổ chức chính quy từ trên xuống dưới của chế độ Pol Pot”, ông Hun Sen khẳng định trong một lễ mít-tinh kỷ niệm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Sau ngày 7/1, đáp ứng yêu cầu của chính quyền cách mạng, nguyện vọng của nhân dân Campuchia cũng như theo chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam ở lại làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng, củng cố lực lượng vũ trang, đập tan tàn dư của Khmer Đỏ, khôi phục và xây dựng đất nước cho đến tháng 9/1989 mới rút toàn bộ về nước.
Hàng vạn người dân thủ đô Phnom Penh đứng dọc 2 bên đường, lưu luyến tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước, tháng 6/1984. (Ảnh: TTXVN)
Cho tới nay, Việt Nam vẫn luôn sát cánh với Campuchia cùng nhau hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, chân thành hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những ý kiến cho rằng Việt Nam đã "xâm lược" Campuchia, rằng Việt Nam đã lợi dụng lúc Campuchia suy yếu để đánh chiếm người láng giềng. Nhìn vào những gì mà chúng ta đã làm, những nỗ lực không biết mệt mỏi của lực lượng quân tình nguyện Việt Nam trong những ngày bão lửa ở Campuchia, rõ ràng thứ chúng ta đã làm là hành động giúp đỡ xuất phát từ trách nhiệm quốc tế, đáp lại lời cầu cứu từ người láng giềng cũng như sự đồng cảm của một đất nước cũng từng phải chịu cảnh bị đô hộ, đàn áp.
Như Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia từng nhận định, Việt Nam đã can thiệp quân sự vào Campuchia chỉ là để tự vệ, ngăn chặn sự bao vây của Trung Quốc và giúp giải phóng người Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo.