PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng thư ký Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho hay, điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là phản ứng cực kỳ hiếm gặp, và cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường.
Với hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được Bộ Y tế triển khai tới 1.500 điểm tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, các chuyên gia đầu ngành có thể hướng dẫn tuyến dưới xử lý nhanh chóng và hiệu quả tình trạng đông máu sau tiêm vaccine COVID-19 nếu xảy ra.
Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam PGS.TS Đào Xuân Cơ. (Ảnh: Bộ Y tế)
Tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 cuối tuần qua, lãnh đạo Bộ Y tế nêu rõ, thông qua hệ thống kết nối khám chữa bệnh từ xa với 1.500 điểm cầu, các chuyên gia luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi cần qua hệ thống Telehealth.
Do đó các điểm tiêm chủng ở y tế cơ sở sẽ luôn được hỗ trợ kịp thời về chuyên môn trong xử trí các phản ứng nặng sau tiêm chủng. Phác đồ xử trí xây dựng theo hướng rất chi tiết, dễ theo dõi và thực hiện, nhằm giúp các cơ sở tiêm chủng sẵn sàng xử trí hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine phòng COVID-19 để xử trí kịp thời ngay tại cộng đồng và y tế cơ sở.
Đồng thời cũng hướng dẫn người tiêm vaccine phát hiện sớm dấu hiệu sau khi tiêm để tới các cơ sở điều trị kịp thời.
“Điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Hiện tại Tiểu ban hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đã xây dựng xong phác đồ 'Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine COVID-19' trình Bộ Y tế ban hành”, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết.
Ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 1888/QĐ-BYT thành lập “Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19” bao gồm các Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo các Vụ/Cục liên quan của Bộ Y tế; cùng các nhà khoa học là các chuyên gia hàng đầu trong nước về các lĩnh vực tiêm chủng, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, huyết học, tim mạch, thần kinh… thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức sàng lọc, theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vaccine COVID-19 để kịp thời hỗ trợ các địa phương xử trí mọi tình huống xảy ra của tiêm chủng với mục tiêu đặt ra là tổ chức “tiêm phòng đến đâu an toàn đến đó”.
Tính đến 16h chiều 18/4, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổng cộng thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh, thành phố cho 79.182 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương, các lực lượng công an và quân đội.
Trong ngày 18/4, TP Hải Phòng đã kết thúc tiêm chủng đợt 1. Năm tỉnh đã triển khai tiêm chủng đợt 2 là Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Phú Yên và Bắc Giang./.
Sau tiêm chủng, người dân cần tự theo dõi, nếu có một trong các biểu hiện sau, cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời tránh biến chứng: Đau đầu, nhìn mờ, nhìn đôi, co giật , tê yếu, liệt; đau ngực, khó thở; đau bụng dai dẳng; phù 2 chi dưới.