Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam áp dụng bao nhiêu phương pháp xét nghiệm HIV?

HIV là bệnh nhiễm trùng, tấn công tế bào bạch cầu T-CD4 trong hệ miễn dịch của cơ thể.

Virus phá hủy các tế bào, làm suy yếu khả năng miễn dịch, khiến bệnh nhân không thể chống lại các bệnh như lao, ung thư....

Cách duy nhất để biết chắc chắn một người bị nhiễm HIV hay không đó là xét nghiệm máu hoặc dịch trong cơ thể. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, áp dụng 3 loại xét nghiệm phát hiện sàng lọc người nhiễm HIV, đó là: Xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm axit nucleic.

Xét nghiệm kháng thể

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), đây là loại sàng lọc HIV phổ biến nhất, thực hiện theo cơ sở gián tiếp chỉ ra sự có mặt của virus, nhờ phát hiện kháng thể virus trong máu hoặc dịch tiết cơ thể. Các kháng thể này sẽ xuất hiện trong thời gian 1-3 tháng sau khi người bệnh nhiễm virus.

Quy trình được thực hiện: Xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết enzym (ELISA - sàng lọc mẫu máu chứa kháng thể HIV). Nếu kết quả là dương tính, xét nghiệm ELISA sẽ được làm lại. Trong trường hợp mẫu xét nghiệm vẫn là dương tính, kết quả sẽ được xác nhận bằng phương pháp Western blot hoặc xét nghiệm huỳnh quang. Phương pháp này còn được dùng trong giám sát dịch tễ, chẩn đoán người nhiễm HIV (chỉ áp dụng với trẻ trên 18 tháng tuổi).

Ngoài ELISA, chúng ta còn có thể xét nghiệm nhanh (test nhanh) kháng thể với mức chính xác như nhau. Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh chỉ từ 5 đến 15 phút đã cho kết quả. Xét nghiệm được thực hiện trong môi trường thông thường, lấy mẫu máu từ đầu ngón tay, tĩnh mạch để làm và bạn có thể thực hiện dễ dàng tại nhà.

Nếu bị nhiễm HIV, người bệnh cần có trách nhiệm thông báo cho vợ hoặc chồng. Ảnh: Freepik.

Xét nghiệm kháng nguyên

Bản chất của xét nghiệm này là tìm kiếm virus HIV trong máu, dịch tiết cơ thể. Các kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch khi chúng ta tiếp xúc virus. Kháng nguyên là những chất lạ gây kích hoạt hệ thống miễn dịch. Nếu một người bị nhiễm HIV, kháng nguyên P24 sẽ được sản xuất ngay, trước khi kháng thể phát triển. P24 thường xuất hiện từ 2 đến 4 tuần sau khi người bệnh nhiễm virus HIV.

Sau khi lấy mẫu, cơ quan y tế sẽ phân lập virus bằng nuôi cấy tế bào để xác định sự nhân lên của HIV trong máu, phát hiện các axit nucleic hoặc DNA trong tế bào nhiễm.

Ưu điểm của phương pháp này là phát hiện trực tiếp kháng nguyên nên nhận ra được tình trạng nhiễm HIV từ giai đoạn rất sớm, ngay cả khi chưa có đáp ứng cơ thể. Xét nghiệm kháng nguyên còn thích hợp với trẻ dưới 18 tháng tuổi, ứng dụng trong những trường hợp nhiễm cấp, theo dõi điều trị, tính kháng thuốc.

Biện pháp này có thể phát hiện virus HIV từ 18 đến 45 ngày sau khi bị phơi nhiễm. Theo tài liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, xét nghiệm kháng nguyên thậm chí có thể phát hiện được HIV sớm nhất sau khoảng 7 ngày nhiễm.

Theo WebMD, các xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể cho kết quả sau 20 phút nhưng chi phí, độ khó cao.

Xét nghiệm HIV thông qua máu hoặc dịch tiết cơ thể. Ảnh: Getty.

Xét nghiệm axit nucleic (NAT)

Đây còn được gọi là xét nghiệm RNA, nhằm tìm virus HIV thực sự có trong máu hay không. Phương pháp này tốn kém và không được sử dụng thường xuyên, trừ khi người đó có tiếp xúc nguồn lây nguy cơ cao hoặc khả năng phơi nhiễm cao, đã có những triệu chứng ban đầu của bệnh. Xét nghiệm axit nucleic có thể phát hiện người nhiễm HIV từ 10 đến 33 ngày sau khi phơi nhiễm.

Kết quả âm tính có nghĩa là tại thời điểm xét nghiệm, người thực hiện không mang virus HIV hoặc chưa phát hiện được virus trong cơ thể. Nhưng điều này không có nghĩa bạn không bị HIV bởi có thể chúng ta đang ở trong thời kỳ "cửa sổ" (giai đoạn cơ thể sản xuất kháng thể).

Kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là cơ thể bạn có dấu vết của HIV. Sau khi phát hiện nhiễm HIV, bạn cũng không nên bi quan. Bởi nó chỉ đơn thuần là căn bệnh mà khoa học chưa tìm ra thuốc chữa trị. Thực tế, nhiều người nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh trong nhiều năm.

Pháp luật Việt Nam quy định sau khi phát hiện hiễm HIV, bệnh nhân cần có trách nhiệm thông báo cho vợ hoặc chồng về điều này. Người nhiễm cũng cần chủ động hạn chế một số hoạt động hoặc áp dụng biện pháp phòng ngừa để không làm lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác như quan hệ tình dục phải sử dụng bao cao su; khám sức khỏe định kỳ; tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ dẫn một số loại thuốc như AZT (Zidovudine), DDI (Didanosin), Lamivudine, Indinaviz, có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của virus.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mọi lứa tuổi, giới tính, dân tộc, đều có nguy cơ nhiễm HIV. Nếu nghi ngờ, chúng ta nên kiểm tra, xét nghiệm để điều trị sớm và tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.

Hiện nay, cách duy nhất để ngăn bệnh diễn biến nặng, chuyển thành giai đoạn AIDS là sử dụng thuốc kháng virus ARV càng sớm càng tốt. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, bệnh nhân có thể khỏe mạnh trong nhiều năm.

Nguồn: Zing News

Tin mới