Sáng 24/10, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí giải trình trước Quốc hội về ý kiến của các đại biểu trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các công tác thi hành án, phòng chống tham nhũng năm 2021.
Về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, Viện trưởng VKSND tối cao nói: "Những năm gần đây chúng ta đã làm tốt hơn, có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì chúng ta vẫn chưa thấy hài lòng, những tài sản đã mất, tài sản lấy lại chưa tương xứng. Mặc dù có quyết tâm kê biên, thu hồi thì cũng phải thực thi theo luật hiện hành. Nếu kê biên, niêm phong không đúng thì họ sẽ có quyền khởi kiện".
Ông Trí cũng nhắc lại đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét đưa vấn đề này vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, xây dựng Luật Đăng ký tài sản; hiện nay mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị nhưng tài sản ngoài xã hội có thể hợp pháp hay không hợp pháp, có chứng minh được nguồn gốc hay không vẫn còn là khoảng trống rất lớn.
Theo ông, nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng bị che giấu, để người khác đứng tên rất khó xử lý, mặc dù không giải trình được nguồn gốc thì biết là bất minh nhưng không thu hồi được.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí.
Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng cho biết gần đây, xung quanh hoạt động từ thiện có tình trạng tranh chấp, xung đột, lợi dụng mạng xã hội gây mất trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục và gây phản cảm trong đời sống xã hội. Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, đây là tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thời gian sắp tới, cơ quan điều tra, VKS và tòa án sẽ xem xét những hành vi này để xử lý, đảm bảo trật tự kỷ cương của xã hội. Với những ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội, cơ quan này sẽ tiếp thu và có cách xử lý kịp thời, phù hợp.
Về việc các đại biểu đề nghị cơ quan tố tụng chú ý xem xét, xử lý những vụ án bị kéo dài như vụ Hồ Duy Hải, vụ sản xuất phân bón công ty Thuận Phong, vụ án buôn lậu gỗ, ông Trí cho biết, mỗi cơ quan tổ tụng có trách nhiệm giải trình, riêng Viện Kiểm sát và viện trưởng đã chuẩn bị khá đầy đủ tài liệu liên quan.
“Có những việc chúng tôi đang xin ý kiến cấp thẩm quyền, có những vụ việc, vụ án chúng tôi đang tiến hành các biện pháp tố tụng, điều tra làm rõ theo đúng luật định; khi có kết quả thì chúng tôi sẽ thông tin đến các đại biểu”, ông Trí nói.
Về biện biện pháp hỏi cung, ông Trí cũng cho rằng cần làm tốt hơn nữa bởi vì đây là yêu cầu bắt buộc của tố tụng, đặc biệt là tố tụng hình sự.
“Qua hỏi cung thì có bị can kêu oan, từ đó vụ án được xem xét và giảm oan sai, có vụ án qua hỏi cung thì viện kiểm sát thu thêm được tài sản cần thu hồi”, ông Trí nói và cho biết, Viện trưởng có yêu cầu các cấp kiểm sát phúc cung trước khi có quyết định truy tố.
“Đó là yêu cầu bắt buộc để quyết định có xác minh điều tra bổ sung, có vấn đề gì còn mâu thuẫn trước khi truy tố”, ông Trí thông tin.