Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việc chính của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Đi bán hàng

(VTC News) -

Làm Chủ tịch của một đế chế 4 tỷ USD, bước sang tuổi 67 vẫn đi bán hàng và không ngại "quẩy trend", ông Trương Gia Bình khiến nhiều người ngạc nhiên, nể phục.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT chia sẻ về việc đích thân đi bán hàng. (Video: Tiktok FPTchungta)

Sinh năm 1956 tại Nghệ An, ông Trương Gia Bình được mệnh danh là "linh hồn", "thuyền trưởng" của FPT, dẫn dắt tập đoàn công nghệ này đi từ con số 0 đến đế chế 4 tỷ USD lớn mạnh.

 

Phát biểu tại buổi gặp mặt ngày 11/10 giữa Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Trương Gia Bình chia sẻ ba niềm vui: Niềm vui thứ nhất là được Thủ tướng mời gặp mặt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Niềm vui thứ hai là niềm vui làm người doanh nhân. Chúng ta sống cuộc sống vui, có khó khăn vất vả nhưng rất vui vì đã vượt ra khó khăn tạo ra của cải vật chất xã hội, chăm lo gia đình, lo cho nhân viên, đóng thuế cho Nhà nước, làm nhiều việc tốt cho xã hội.

Niềm vui thứ ba là vừa vui vừa phải suy nghĩ, nỗ lực. Chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm việc với hai siêu cường thế giới, cả Mỹ và Trung Quốc.

 

“Nếu hiểu được, khai thác được niềm vui này thì thành công còn nhiều hơn nữa”, ông Bình nói.

Qua chia sẻ này, có thể hiểu “niềm vui là doanh nhân” đã ngấm vào máu ông Trương Gia Bình, thúc vị Chủ tịch ở cái tuổi U70 vẫn thiện chiến đi bán hàng.

Chính động thái “lạ đời” của ông Bình khiến dư luận chú ý. Người ta liên tục “lùng sục” những video ông từng chia sẻ về triết lý bán hàng, để thấm thía những lời khuyên hữu ích, hay đơn giản chỉ để xem ông kinh doanh bằng cách nào mà thành công như hiện nay.

“Thật ra cái công việc gọi là nặng nề nhất của tôi là đi bán hàng. Hiện tại, tôi vẫn đang phải đi bán hàng”, ông Bình chia sẻ trên một video.

 

Ông kể về chuyến bay sang Nhật năm 2011, khi đó Nhật Bản xảy ra động đất và sóng thần. Mặc dù nhân viên và gia đình đều ra sức ngăn cản nhưng ông Trương Gia Bình vẫn quyết định bay sang Tokyo.

Thư ký bảo phóng xạ lên tới 200 lần rồi, anh không thể đi được nhưng tôi vẫn quyết đi. Về nhà còn khổ hơn nữa là vợ không cho. Tôi bảo vợ rằng anh là tướng thì chỗ đầu sóng ngọn gió là anh đứng, em không được cản anh vì đó là chính anh. Em mà chống anh, tức là em không chấp nhận anh là anh", ông Bình xúc động nhớ lại.

Ông cũng kể về những chuyến bay sang nước ngoài để gặp một công ty khách hàng, ngồi hàng tiếng đồng hồ để tư vấn, thuyết phục họ, sau đó lại lập tức ra tàu điện đi gặp một công ty khác.

Chủ tịch FPT cho biết, ông không ngại phải chiều lòng khách hàng, có khi phải hạ mình thấp hơn. Ông thậm chí còn thắc mắc khi thấy lượng công việc bán hàng của mình bị sắp xếp ít hơn.

Tôi kêu ca với nhân viên là tại sao ngày trước anh có 5 cuộc làm việc một buổi, mà bây giờ có 3? Họ bảo giữ sức khỏe cho anh, nhưng tôi bảo anh không cần, anh muốn tiếp tục làm. Bây giờ FPT sản xuất chíp, có thể tôi sẽ phải gặp tất cả các công ty sản xuất chip lớn trên toàn cầu để chào hàng, để thuyết phục họ hợp tác”, ông Bình nói.

Sau hai câu chuyện trên, Chủ tịch FPT bàn về vai trò làm gương, đi đầu của người lãnh đạo doanh nghiệp, từ kinh doanh, văn hóa đến đổi mới tư duy: “Làm tướng thì phải đứng ở vị trí đầu sóng, ngọn gió. Làm người lãnh đạo phải sẵn sàng lăn xả, sẵn sàng hi sinh thì nhân viên mới theo được”, ông Trương Gia Bình nêu quan điểm.

 

 

Trong một buổi trả lời phỏng vấn, ông Trương Gia Bình kể lại, đầu những năm 70, ông Bình là một trong số 100 học sinh của cả miền Bắc được Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự) lựa chọn kỹ lưỡng, trang bị kiến thức, bồi dưỡng ngoại ngữ trong nước một năm rồi đưa sang Liên Xô học kiến thức chuyên môn.

“Đất nước còn gian khó, chúng tôi còn rất trẻ nhưng được đào tạo rất bài bản. Ưu đãi mà đất nước dành cho chúng tôi rất lớn, có đủ cơm ăn, áo ấm để mặc.

PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, khi đó là Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Đại học Kỹ thuật Quân sự thường nói với chúng tôi: Đi học về, các bạn có nhiệm vụ gia tốc kinh tế đất nước”, Chủ tịch FPT hồi tưởng.

 

Lúc đó chưa nắm hết ý của thầy, nhưng khi đã trưởng thành hơn, ông Bình hiểu, đó cũng là cách thầy giáo dục về tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc. Những lời dạy về khát vọng chấn hưng đất nước thấm cho tới tận bây giờ.

Ông Bình nhẩm tính, 15 năm nghiên cứu, 35 năm làm kinh doanh, cộng dồn lại hơn nửa đời người. Từ một nhà khoa học rẽ sang con đường kinh doanh, 35 năm trước cầm giấy phép thành lập công ty nhưng không một đồng vốn, không tài sản... vừa "chạy" vừa lẫm chẫm dò đường.

“Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn lực suốt 35 năm và đến lúc này chúng tôi bắt đầu làm những việc tốt nhất thế giới. Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến chúng tôi.

Chúng tôi ngập tràn hy vọng ngày hưng thịnh quốc gia đang đến gần.

35 năm, tôi và những đồng đội của mình chưa bao giờ quên khát vọng "hưng thịnh quốc gia". Chúng tôi rất biết ơn những người đã gieo khát vọng về một đất nước hùng cường trong lòng những lứa học sinh giỏi của đất nước ngày đó”, Chủ tịch FPT trải lòng.

 

Đến bây giờ, khi đã là doanh nhân thành đạt, dẫn đầu một tập đoàn lớn, ông Bình vẫn không quên nhắc đến đất nước.

“Với tư cách một doanh nhân, xin gửi lời chân thành cảm ơn, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Trung ương và địa phương đã giúp có cuộc sống hòa bình trong gần 50 năm qua, giúp chúng ta sống trong một xã hội an lành.

Các cơ quan Nhà nước đã ký 16 hiệp ước tự do thương mại thế hệ mới và sắp ký 3 hiệp ước nữa. Đó là cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn với các nước, có môi trường tự do sáng tạo phát huy năng lực của mình. Đây là lời cảm ơn chân thành của cộng đồng doanh nghiệp và hàng triệu lao động tới các cấp lãnh đạo”, ông Bình nói khi được gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 11/10.

 

Kể lại những ngày đầu thành lập FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình không giấu nổi tự hào.

Đó là những ngày đầu tiên ông cùng bạn bè tụ họp ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để thảo luận các ý tưởng tồn tại.

Công ty được thành lập nhưng gần như là con số 0: không vốn hoạt động không có trụ sở, không kinh nghiệm. “Khi đó, quyết tâm lớn nhất của chúng tôi là đưa máy tính về Việt Nam và phát triển công nghệ thông tin”, ông Bình nói.

 

Sau một năm loay hoay với việc kiếm tiền duy trì sự hoạt động, FPT có hợp đồng đầu tiên là xây dựng hệ thống điều hòa không khí của Nhà máy thuốc lá Thanh Hóa. Hợp đồng trị giá 10,5 triệu VNĐ, trong khi lương của ông hồi đó chỉ khoảng 100.000 đồng/tháng.

Hợp đồng thứ hai là cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

“Giai đoạn trước khi về nước, tôi có thời gian làm việc ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Tôi nhận thấy, họ không có máy tính cá nhân nên chúng tôi gửi lời chào hàng.

Tôi thảo thư để anh Nguyễn Văn Đạo gửi đến Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Họ lập tức mời chúng tôi sang ngay để làm việc. Đó là hợp đồng kỷ lục về doanh thu thời điểm ấy, trị giá 10,5 triệu rúp chuyển nhượng (tương đương với 16 triệu USD thời điểm đó)”, ông Bình nhớ lại.

Cũng chính nhờ hợp đồng này, FPT thiết lập quan hệ với hãng máy tính Olivetti và tập trung phát triển mô hình tin học. Năm 1990, công ty đã đổi tên thành Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ (Financing and Promoting Technology) và vẫn giữ nguyên tên viết tắt FPT cho đến nay.

 

Nói về yếu tố quan trọng nhất để FPT có được thành công như ngày hôm nay, ông Bình cho rằng quan trọng nhất là "tinh thần đồng đội".

“Thời kỳ khó khăn, ai cũng phải tự cứu mình. Họ làm đủ việc, đủ nghề nhưng thường làm với tư cách cá nhân.

Còn chúng tôi là những người bạn trở thành đồng đội, cộng sự đồng hành, san sẻ yêu thương, vì nhau và cùng nhau làm điều gì to lớn. Cứu mình thì có nhưng sâu thẳm trong thâm tâm, chúng tôi tha thiết mong muốn góp phần hưng thịnh quốc gia”, ông Bình nhấn mạnh.

 

Một chủ tịch lẽ ra làm những việc lớn, nghĩ toàn việc lớn. Điều này đúng. Như tôi đang có những nhiệm vụ rất lớn, trong đó có mục tiêu 5 tỷ USD doanh thu tại thị trường nước ngoài, hay một triệu chuyên gia chuyển đổi số vào năm 2035.

Nhưng tôi phát hiện ra một công thức niềm vui khác: hạnh phúc lớn đôi khi xuất phát từ thách thức nhỏ, thậm chí nhỏ nhặt với nhiều người. Nên mỗi ngày, tôi sẽ tìm ra những thách thức be bé để làm. Những việc mà có thể theo cách hiểu của một số người, không đúng tầm chủ tịch.

Hoặc tôi tìm được niềm vui trong những kết nối thân tình. Mỗi lần có dịp mời nhân viên đến nhà ăn cơm và trò chuyện, tôi thấy rất hào hứng. Hay mỗi khi có dịp vào Đà Nẵng chơi với trẻ con trường Hope thì sung sướng vô cùng”, ông Bình nói.

 

Suy nghĩ này của ông chính là tiền đề để ngôi trường Hy Vọng (Hope) được dựng xây, nhằm nuôi dạy hơn 200 trẻ mồ côi do COVID-19. Dự kiến tổng học sinh năm 2023-2024 là 300 em, mỗi em đều đại diện một câu chuyện phi thường về tinh thần của "chiến binh quả cảm".

Một ngày tháng 8 vừa qua, giữa lịch trình công tác dày đặc ở Đà Nẵng, ông Trương Gia Bình vẫn rẽ vào trường Hy Vọng. Thầy cô báo chú Bình đến thăm, các em nhỏ ùa ra mừng rỡ.

Chủ tịch FPT xoa đầu, vỗ vai từng em, hỏi: "con khỏe không", "robot thế nào rồi". Ông chăm chú lắng nghe, thi thoảng phá lên cười hạnh phúc.

"Tôi có niềm tin mạnh mẽ, một trong số các em sau này sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch tập đoàn FPT", ông chia sẻ.

 

Nhiều năm trước, ông Bình cho rằng hạnh phúc của bản thân là dù sinh ra trong chiến tranh, giữa bom rơi đạn lạc, vẫn được đất nước chăm lo đầy đủ: học ngoại ngữ, tham gia các kỳ thi Toán, du học nước ngoài.

Khi học xong trở về, giữa thời bao cấp khốn khó, ông một lần nữa được bao dung, yêu thương, xây dựng FPT - một tổ chức kiểu mới, từng bước cùng bạn bè, đồng đội, gây dựng thành tập đoàn lớn mạnh.

Gặp thách thức, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài dấn thân. Tôi may mắn có bạn bè, đồng đội kề vai sát cánh để không bao giờ đơn độc hay có ý nghĩ dừng bước. Mọi khó khăn chỉ là những phép thử. Khi đối diện, vượt qua, hạnh phúc cuối con đường mới vẹn tròn và viên mãn”, ông Bình nói về hạnh phúc của mình.

Từ triết lý hạnh phúc đó, ông Trương Gia Bình kỳ vọng FPT sẽ trở thành tổ chức kiến tạo hạnh phúc, có nghĩa là mọi hành động chiến lược sẽ đều vì hạnh phúc của khách hàng và thành công của doanh nghiệp, chính quyền.

Ông bày tỏ niềm tin, đến năm 2035, tức 13 năm nữa FPT sẽ có một triệu nhân viên tham gia vào hành trình chuyển đổi số.

“Môi trường công sở hiện nay, nếu nảy sinh bất công, bè phái, trù dập, nhân viên sẽ không hạnh phúc. Họ chỉ hạnh phúc khi hiểu tất cả đang vì mục đích chung và chúng ta là “đồng bọn” của nhau.

Tôi tự hào vì FPT đang được 90% đánh giá tích cực từ nhân viên, được Great Place To Work đánh giá là “Nơi làm việc xuất sắc”. Là nơi có sự công bằng, thân thiện; bên cạnh chỉ số tự hào của cán bộ nhân viên với tập thể, chỉ số gắn kết đồng nghiệp và hài lòng về lãnh đạo ở mức cao”, ông Bình nói.

Thành Lâm (tổng hợp)

Tin mới