Trên cái vỉa hè hẹp, trái cây được bày bán xuống tận lòng đường. Hai mẹ con dắt nhau len lỏi qua những kệ trái cây ngồn ngộn. Gã chủ sạp trừng mắt: "Đm. Đi xuống dưới đường đ** đi, đổ (hoa quả) của bố thì chúng mày đền ốm".
Chắc hẳn ai trong số những người đọc bài viết này cũng ít nhất một lần va chạm hoặc chứng kiến cảnh này. Những hộ gia đình kinh doanh với tư duy vỉa hè trước nhà mặc nhiên là của họ, họ có toàn quyền định đoạt việc người đi bộ được đi hay không được đi qua vỉa hè nơi họ đang buôn bán. Trong tư duy những con người này, việc người đi bộ đương nhiên là phải đi xuống lòng đường.
Trên đa số tuyến phố Hà Nội, vỉa hè từ lâu không còn thuộc về người đi bộ. Một luật bất thành văn mà nhiều người dân có nhà ở mặt đường, mặt phố tự đặt ra với nhau, đó là phần vỉa hè trước cửa nhà nào thì nghiễm nhiên thuộc về nhà đó.
Với tư duy mặc nhiên đó, đa số trở nên hung dữ với người đi đường chẳng may "xâm phạm tài sản" của gia đình họ - tức là vỉa hè - đáng lẽ là nơi thuộc về người đi bộ.
Nhiều người kinh doanh, buôn bán cũng mặc định vỉa hè trước cửa nhà là của mình, rồi tự cho mình quyền ngăn người khác có quyền sử dụng vỉa hè ấy; hay ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, đỗ xe, gây cản trở giao thông, đẩy người đi bộ phải xuống lòng đường.
Mạnh tay đòi lại vỉa hè cho người dân là cách tốt nhất để trả lại bộ mặt sạch sẽ, trật tự cho thủ đô.
Có những tuyến phố, tôi từng chứng kiến người đi bộ phải đi tràn xuống đường, nép sau những làn xe và hít đủ thứ khói bụi, đối mặt với hiểm nguy khi khoảng cách giữa xe máy, ô tô và người đi bộ chỉ vỏn vẹn vài phân.
Tuy nhiên, người đi bộ không có lựa chọn nào khác bởi trên vỉa hè, cơ man là xe máy, quầy hàng đua nhau chiếm đoạt những khoảnh đất quý giá.
Đưa ra lý do mưu sinh, nhiều dân buôn sẵn sàng chà đạp lên pháp luật, tự cho mình quyền chiếm đoạt vỉa hè dù không có nổi một giấy tờ, chứng từ nào chứng minh quyền sở hữu đất. Họ dùng “luật rừng”, ngông nghênh cho rằng vỉa hè trước nhà nào là đất của nhà đấy, hoặc vỉa hè của chung thì ai trưng dụng cũng được hòng đuổi người đi bộ xuống đường, thậm chí ra sức ngăn cản bất kỳ ai đụng đến vỉa hè trước nhà mình.
Sự bát nháo, hỗn loạn trên vỉa hè đã diễn ra trong nhiều năm, trước sự bất lực của chính quyền và người dân. Chính quyền lắc đầu ngao ngán bởi sau nhiều chiến dịch ra quân “dọn dẹp” vỉa hè, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Người dân cũng ngán ngẩm bởi thay vì tranh cãi chuyện “vỉa hè của ai” với dân buôn thì họ chọn đi xuống lòng đường cho lành.
Cuộc sống khó khăn, đẩy nhiều cá nhân phải bám trụ lấy đường phố để kinh doanh. Nhất là ở các quận nội thành Hà Nội, hay khu vực phố cổ trung tâm, hiện tượng lấn chiếm vỉa hè càng phổ biến. Ở các khu vực này, mỗi mét đất đều rất có giá trị bởi lượng khách qua lại đông, vị trí đắc địa, dễ buôn bán làm ăn.
Dù vậy, việc lấn chiếm vỉa hè bừa bãi không chỉ thể hiện ý thức và phông văn hóa rất kém, mà còn bôi nhọ bộ mặt đô thị. Những con đường nhếch nhác, bẩn thỉu, ngập đầy rác bẩn và nước thải ở khu vực trung tâm khiến Hà Nội hoàn toàn đánh mất sự thanh lịch, sang trọng cần thiết của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Ngoài ra, lấn chiếm vỉa hè còn dẫn đến ách tắc giao thông, gia tăng sự căng thẳng, mệt mỏi của người tham gia giao thông, môi trường ô nhiễm, làm xấu cảnh quan đô thị.
Khoan nói đến đóng góp của những gánh hàng rong hay hộ gia đình lấn chiếm vỉa hè cho nền kinh tế là bao nhiêu, chỉ riêng việc ngang nhiên coi thường pháp luật, biến của chung thành của riêng đã cho thấy bộ mặt xấu xí, tự phát, thiếu ý thức cộng đồng của một bộ phận không nhỏ người lao động. Nền kinh tế hay nền tảng xã hội nào có thể phát triển nếu pháp luật bị xem thường?
Đã đến lúc chính quyền Hà Nội cần mạnh tay trấn áp, dùng biện pháp cứng rắn để đòi lại vỉa hè cho người dân. Vấn đề của chính quyền từ trước đến nay là dù có những động thái dọn dẹp vỉa hè, nhưng chưa đủ sức răn đe để người dân phải tuân theo. Có những gánh hàng, quán ăn tràn ra vỉa hè, bị nhắc nhở thì thu bàn ghế, nhưng khi cán bộ công an rời đi, họ lại trưng bàn ghế như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Việc dọn dẹp vỉa hè cho người dân cần những giải pháp bền vững, thay vì làm qua loa. Giành lại vỉa hè không khó, vấn đề là chính quyền thực sự muốn làm hay không. Mạnh tay phạt nặng những cá nhân kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, nghênh ngang coi thường pháp luật; thường xuyên tuần tra, giám sát và tiến tới nâng mức phạt với những người vi phạm nhiều lần,...
Với những kẻ đã xem nhẹ thượng tôn pháp luật, cần cứng rắn và mạnh tay mới có thể xử lý dứt điểm. Còn nếu chần chừ, việc lấn chiếm vỉa hè sẽ tiếp tục diễn ra. Nguy hiểm hơn, nhiều người có thể xem đó là “quy ước xã hội” ngầm được chấp nhận, rằng vỉa hè không thuộc về người đi bộ, mà nghiễm nhiên thuộc về kẻ nào có quyền, có tiền muốn chiếm đoạt nó để tư lợi.
Mạnh tay đòi lại vỉa hè cho người dân, đó cũng là cách tốt nhất để trả lại bộ mặt sạch sẽ, trật tự cho Hà Nội.
Một khi vỉa hè được giành lại, người đi bộ sẽ thảnh thơi hơn; đường phố thông thoáng hơn, thay vì nhếch nhác và bẩn thỉu như bây giờ.