Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vị vua nào trị vì lâu nhất triều Lê, được ví ngang với vua nhà Hán, Đường?

(VTC News) -

Ông là vị vua thứ năm nhà Hậu Lê, trị vì trong thời gian hơn 37 năm, được sử sách ví tài năng cai trị đất nước sánh ngang với các vị vua nổi tiếng ở Trung Hoa.

1. Vua nào nhà Hậu Lê trị vì lâu nhất?

  • A

    Lê Thánh Tông

    Lê Thánh Tông có tên húy là Lê Tư Thành, sinh ngày 20/7/1442, là con của vua Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao. Sách Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả ông khi mới sinh ra "thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước".
    Năm 1445, Lê Tư Thành được phong làm Bình Nguyên vương, ở kinh sư học cùng các vương khác. Các quan đều thấy Bình Nguyên vương dáng điệu đường hoàng, thông minh hơn hẳn người khác nên cho là bậc khác thường. Bình Nguyên vương lại sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý thánh hiền, ưa điều thiện, thích người hiền. "Bình Nguyên vương được thái hậu Nguyễn Thị Anh yêu mến như con đẻ và được Lê Nhân Tông coi như người em hiếm có", Đại Việt sử ký toàn thư chép.
    Sau khi sát hại vua Lê Nhân Tông và thái hậu Nguyễn Thị Anh ngày 3/10/1459, Lê Nghi Dân tự lên ngôi nhưng nhanh chóng bị các đại thần giết vào ngày 6/6/1460, chỉ sau 8 tháng trị vì. Sử sách thường không coi Lê Nghi Dân là vị quân chủ chính thống của nhà Hậu Lê.
    Đến ngày 8/6/1460, Lê Tư Thành được các đại thần tôn lên làm vua, lấy hiệu là Lê Thánh Tông, khi ấy 18 tuổi. Ông là vua thứ năm của nhà Hậu Lê (còn gọi là nhà Lê sơ), nếu tính cả Lê Nghi Dân. Lê Thánh Tông ở ngôi đến năm 1497, tổng cộng hơn 37 năm, là vua trị vì lâu nhất nhà Hậu Lê.

  • B

    Lê Thái Tông

  • C

    Lê Thái Tổ

  • D

    Lê Nhân Tông

2. Vua Lê Thánh Tông chú trọng phát triển những lĩnh vực nào?

  • A

    Kinh tế, Giáo dục, Ngoại giao

  • B

    Quân sự, Giáo dục, Nông nghiệp

  • C

    Kinh tế, Quân sự, Khai thác quặng

  • D

    Kinh tế, Giáo dục, Quân sự

    Trong thời kỳ Lê Thánh Tông nắm quyền, nhà nước Đại Việt phát triển rực rỡ ở mọi phương diện từ kinh tế, chính trị, quân sự đến giáo dục, văn hóa, xã hội chứ không chỉ riêng kinh tế hay giáo dục. Đặc biệt trong thời kỳ này, lãnh thổ Đại Việt được mở rộng đáng kể sau nhiều cuộc chiến với các nước xung quanh như Chiêm Thành, Ai Lao, Bồn Man.
    Về quân sự, vừa lên ngôi, vua đã ra chỉ thị cho các vệ quân, phủ, trấn phải chỉnh đốn đội ngũ, dạy cho quân lính không quên võ bị. Vua cho tổ chức lại quân đội một cách hùng mạnh và tinh nhuệ hơn, tiếp tục cho thực hiện phép ngụ binh ư nông từ những đời trước, đặt ra các chế độ trưng tập, huấn luyện, chế độ cấp pháp cho quân đội.
    Về luật pháp, vua Lê Thánh Tông cho hoàn thiện một bộ luật đồ sộ, tư tưởng dùng luật pháp để trị quốc đặc biệt thành công, đưa nước Đại Việt trở thành nhà nước hùng mạnh, làm kiểu mẫu cho các đời vua sau noi theo.
    Về hành chính, vua Lê Thánh Tông tổ chức lại bộ máy hành chính thành 6 bộ gồm Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công với những chức năng riêng. Về phân chia chính quyền các cấp, ông đã xóa bỏ hệ thống tổ chức hành chính cũ dưới thời Lê Thái Tổ, đổi từ 5 đạo thành 13 đạo thừa tuyên. Ngoài ra, Lê Thái Tông còn chỉ thị vẽ các tập bản đồ phục vụ quản lý hành chính và việc học tập.
    Về kinh tế, Lê Thánh Tông chủ trương trọng nông nghiệp, đẩy mạnh các chính sách phát triển kinh tế. Mọi ngành nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp đều phát triển rực rỡ giúp nền kinh tế Đại Việt nhanh chóng được phục hồi và phát triển.
    Về giáo dục, Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Ông cho mở rộng xây mới nhiều nhà học, kho chứa sách; thường xuyên tổ chức thi cử lấy nhiều tiến sĩ và trạng nguyên; tích cực cải tổ giáo dục, ra những chính sách mới nhằm tránh gian lận trong thi cử
    .Về văn hóa, Nho học trở nên chiếm ưu thế. Vua chú trọng đến việc biên soạn lịch sử, sách, thơ văn.
    Các thành tựu trong nước và ngoại giao của Lê Thánh Tông đã giúp Đại Việt trở thành quốc gia lớn mạnh trong khu vực, được các nước láng giềng kiêng nể. Thời kỳ này thường được gọi là Hồng Đức thịnh trị, vì diễn ra trong những năm Hồng Đức.

3. Công trình nào trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám do vua Lê Thánh Tông khởi xướng?

  • A

    Văn Miếu

  • B

    Quốc Tử Giám

  • C

    Bia Tiến sĩ

    Lê Thánh Tông đặc biệt coi trọng việc phát triển giáo dục, bắt đầu từ hệ thống trường học. Theo Lịch sử Việt Nam, vua Lê Thánh Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám với quy mô lớn hơn, xây dựng lại Văn Miếu. Phía sau Văn Miếu là nhà Thái học, Minh luận đường và các giảng đường là nơi giảng dạy cho giám sinh. Ông còn cho xây dựng Bí thư khố làm kho tàng trữ sách vở và khu nhà tập thể cho giám sinh lưu trú. Ngoài ra, ở các phủ còn có nhà học riêng để con em nhân dân đều được đến học.
    Chế độ khoa cử ở Việt Nam đạt tới đỉnh cao thịnh vượng ở triều Lê Thánh Tông. Vua cho tổ chức nhiều khoa thi, lấy đỗ nhiều tiến sĩ, trạng nguyên. Để tôn vinh những người tài và đức của Đại Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 1484, Lê Thánh Tông khởi xướng, cho dựng bia tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi. Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Các thế hệ và triều đình về sau tiếp tục bổ sung các bia vinh danh mới.
    Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 có đoạn: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Bởi vậy, các bậc thánh đế, minh vương không ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng".

  • D

    Rùa đá

4. Bộ luật nổi tiếng nào được hoàn thiện dưới thời vua Lê Thánh Tông?

  • A

    Luật Hồng Đức

    Nhà Hậu Lê, từ đời vua Lê Thái Tổ, đã khẳng định trị nước phải có pháp luật. Trước vua Lê Thánh Tông, vua Lê Thái Tổ từng ban bố Chiếu thư và một số điều luật, vua Lê Thái Tông đã có bộ Hình luật. Tuy nhiên, nói về đường lối lấy luật pháp để trị nước thì Lê Thánh Tông thành công hơn cả. Điển hình là việc ông đã hoàn thiện bộ Quốc triều hình luật.
    Quốc triều hình luật (hay còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức) được khởi soạn từ thời vua Lê Thái Tổ, rồi được bổ sung ở các đời Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và được hoàn thiện vào niên hiệu Hồng Đức triều Lê Thánh Tông. Với bộ luật này, Đại Việt đã hình thành một nhà nước pháp luật sơ khởi.
    Theo Lịch sử Việt Nam, bộ luật có 13 chương và 722 điều bao gồm những quy định về hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, về tố tụng, và thậm chí có cả những quy định về luật hành chính. Với Quốc triều hình luật, Lê Thánh Tông đã xác lập một trật tự pháp luật cần thiết và đầy hiệu lực để vừa bảo vệ trật tự nhà nước, xã hội, vừa mở đường an toàn cho sự phát triển lâu bền của chế độ phong kiến tập quyền.
    Sử gia Phan Huy Chú đánh giá: "Hình luật đời Hồng Đức các đời đều tuân theo, dùng làm phép sẵn, dù các điều mục nhỏ nhặt có thêm bớt, song đại cương chế độ bao giờ cũng vẫn theo đó, thực là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân".

  • B

    Hoàng triều luật lệ

  • C

    Bộ luật Hình thư

  • D

    Luật Hình triều lệ

5. Vua Lê Thánh Tông đã ra chỉ dụ cho ai biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư?

  • A

    Ngô Sĩ Liên

    Trong quá trình phát triển Đại Việt ở mọi lĩnh vực, vua Lê Thánh Tông rất ý thức việc biên soạn lịch sử, xây dựng, khôi phục kho tư liệu sử liệu dân tộc sau giai đoạn bị triệt tiêu văn hóa, sách vở thời thuộc Minh. Năm 1479, vua Lê Thánh Tông đã ra chỉ dụ cho Ngô Sĩ Liên, một sử quan làm việc trong Sử quán biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
    Đại Việt sử ký toàn thư, thường được các sử gia gọi tắt là Toàn thư, là bộ quốc sử được viết theo thể biên niên. Ngô Sĩ Liên biên soạn bộ sử này dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử cùng mang tên Đại Việt sử ký trước đó của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên.
     Ngô Sĩ Liên hoàn thành việc biên soạn bộ sử vào năm 1479, bao gồm 15 quyển, ghi lại lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1427 khi nhà Hậu Lê được thành lập.
    Sau đó, dù đã được hoàn thành nhưng Đại Việt sử ký toàn thư không được khắc in để ban hành rộng rãi mà tiếp tục được nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê sửa đổi, bổ sung và phát triển thêm.
    Đến nay, bộ Đại Việt sử ký toàn thư vẫn được coi là bộ chính sử Việt Nam lâu đời nhất còn tồn tại nguyên vẹn.
    Ngoài ra, vua Lê Thánh Tông còn nhiều lần ra chiếu sưu tầm tư liệu, sách vở và dã sử trong dân gian.

  • B

    Phan Phu Tiên

  • C

    Phan Phu Tiên

  • D

    Hoàng Công 

 6. Vua Lê Thánh Tông qua đời vào năm 1497 vì lý do gì?

  • A

    Bị sát hại

  • B

    Bệnh nặng

    Nhà Hậu Lê có nhiều vua bị sát hại, nhưng Lê Thánh Tông không nằm trong số đó. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngày 29/1/1497, "vua ốm nặng, bèn tựa kỷ ngọc, lệnh cho hoàng thái tử lên nối ngôi".
    Lúc sắp qua đời, vua có bài thơ tự thuật tạm dịch là: Năm chục hoa niên bảy thước thân/ Lòng như sắt cứng bỗng mềm dần/ Gió lay khô héo hoa bên cửa/ Sương dãi gầy mòn liễu trước sân/ Trời biếc xa trông, mây thăm thẳm/ Kê vàng tỉnh giấc đối bâng khuâng/ Khuất lời cách mặt, non bồng vắng/ Băng ngọc du hồn nhập mộng chăng?Ngày 30/1/1497, vua qua đời ở điện Bảo Quang, ở ngôi hơn 37 năm, hưởng thọ 56 tuổi và được an táng ở Chiêu Lăng (Thanh Hóa).
    Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét: "Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được".

  • C

    Đột ngột qua đời

  • D

    Già yếu

Vua Lê Thánh Tông và những chỉ đạo xây dựng đơn vị bộ máy chính nước ta thời Đại Việt.

Hà Cường

Tin mới