Ông chính là vua Trần Anh Tông (1276 - 1320), vị hoàng đế thứ tư của triều Trần, con trưởng của vua Trần Nhân Tông.
Sử sách đánh giá vua Trần Anh Tông “khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần”. Tuy nhiên, trước khi trở thành vị vua siêng năng, cần mẫn, gây dựng cơ đồ bền vững cho nhà Trần thì có khoảng thời gian, vua có nhiều thói xấu.
Vua Trần Anh Tông suýt mất ngôi báu vì say rượu. (Ảnh minh hoạ)
Khi mới lên ngôi, vua Trần Anh Tông ham chơi, chưa chú trọng đến chính sự, ban đêm thường bí mật rời khỏi cung cùng với vài lính thị vệ đi vi hành khắp kinh thành, thích tiệc tùng.
Trong một lần say rượu, vua Trần Anh Tông quên không ra đón Thượng hoàng Trần Nhân Tông trở về kinh thành, khiến vua cha rất tức giận và dọa phế ngôi. Kể từ đó, ông bỏ thói quen uống rượu và tập trung vào công việc của triều đình.
Nhà vua tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân để trở thành vị hoàng đế anh minh, chăm lo quốc sự. Triều đại của vua Trần Anh Tông chứng kiến giai đoạn phát triển hưng thịnh của Đại Việt.
Năm 1314, vua Trần Anh Tông nhường ngôi cho con trai là Trần Minh Tông sau 21 năm trị vì. Ông vẫn tiếp tục tham gia vào công việc triều chính với vai trò Thái thượng hoàng và khuyên bảo Minh Tông tin dùng những người tài đức.
Bình luận về vua Trần Anh Tông, sử gia Ngô Sĩ Liên nói:
''Gốc của thiên hạ là ở nước, gốc của nước là ở nhà, gốc của nhà là ở mình… Tôi đọc sử chép về Anh Tông, thấy không ngần ngại sửa bỏ lỗi lầm, kính cẩn thờ phụng cha mẹ, hòa mục với họ hàng, truy tôn tổ tiên làm đế làm hậu, chu đáo trong cúng tế, thận trọng trong tang lễ, đều là phải đạo; trong nhà đủ làm khuôn phép, người ngoài bắt chước theo.
Cho nên trên thì Nhân Tông khen là hiếu, dưới thì Minh Tông tuân theo khuôn phép. Nước trở nên văn minh, dân tới chỗ giàu thịnh. Như thế chẳng phải là hiệu quả trị nước vốn ở gốc tu thân, tề gia là gì?''.