Người được nhắc đến chính là hoàng tử Trần Ích Tắc (1254-1329), con vua Trần Thái Tông, tước hiệu Chiêu Quốc Vương.
Trần Ích Tắc vốn nổi tiếng là người tài hoa phong nhã bậc nhất kinh kỳ, sành sỏi về văn chương, kết giao với những bậc văn nhân học rộng tài cao nhất thời ấy.
Đại Việt sử ký toàn thư mô tả: “Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng Trần Thái Tông, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu… gồm 20 người, đều được dùng cho đời… Đến 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử...”.
Trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, hoàng tử Trần Ích Tắc đã quy hàng giặc. (Ảnh minh hoạ)
Tài năng là thế, nên Trần Ích Tắc có tham vọng càng lớn. Tự cho tài nghệ của bản thân chẳng kém ai, trong lòng ông bất phục khi ngôi vua được truyền cho hoàng huynh Trần Hoảng (Trần Thánh Tông).
Khi quân Nguyên chuẩn bị tiến đánh Đại Việt lần thứ hai, Trần Ích Tắc thấy đây là cơ hội tốt nhất để có thể lên ngôi vua, nên thông qua các lái buôn ở Vân Đồn đưa thư đầu hàng giặc.
Khi quân Nguyên đến, Ích Tắc đưa toàn bộ gia quyến đến đầu hàng và được phong là An Nam Quốc Vương. Thế nhưng Đại Việt đã giành chiến thắng khiến âm mưu lên ngôi vua của Trần Ích Tắc sụp đổ. Ông sang sống và mất ở Trung Quốc.
Về sự kiện này, Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong làm vua. Người Nguyên phong là An Nam Quốc Vương. Sau khi người Nguyên thất bại, Ích Tắc lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc“.
Nhà Trần sau đó đã loại Trần Ích Tắc ra khỏi tông thất, đặt tên là Ả Trần, vĩnh viễn không còn liên hệ huyết thống với con cháu của ông.