Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì thói quen ăn uống 'đậm đà', nhiều người Việt rước ung thư mà không biết

(VTC News) -

Ăn mặn không chỉ là gánh nặng cho bệnh tim mạch mà thói quen xấu này của người Việt còn rước thêm bệnh ung thư.

N.T.T (54 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) vào viện khám vì đau thượng vị. Hai tháng trước, ông T. đau bụng vùng thượng vị dai dẳng không dứt. Nghĩ rằng do viêm loét dạ dày tái phát nên ông tự ý mua thuốc về uống, nhưng không hết đa. Vào TP.HCM thăm người thân, ông T. tranh thủ đi khám bệnh. Bác sĩ cho nội soi dạ dày, thực quản, kết quả ông T. có khối u lớn ở 1/3 giữa dạ dày.

Bác sĩ chẩn đoán ông T.  bị ung thư dạ dày giai đoạn 3 nhưng chưa di căn. Ông T. được phẫu thuật nội soi cắt gần toàn bộ dạ dày, trừ tâm vị và đáy vị. Khai thác tiền sử bệnh nhân, bác sĩ ghi nhận người này có thói quen ăn mặn và viêm loét dạ dày. Ông T. nói thích ăn đồ chiên, kho mặn. Gia đình gần biển nên thường ăn cá muối. Thậm chí, ông tự nhận càng mặn càng thấy ngon miệng hơn.

Bạn cần giảm lượng muối và gia vị nêm nếm từ từ trong mỗi bữa ăn. (Ảnh minh họa)

Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết. Đây là một trong những ung thư phổ biến trên thế giới, tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam và thứ 4 ở nữ. Tỷ lệ mắc theo tuổi của nam giới gấp 2 lần nữ giới.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư dạ dày đều liên quan tới việc ăn mặn. Khoa học đã chứng minh yếu tố làm gia tăng ung thư dạ dày là chế độ ăn mặn, nhiều muối, đặc biệt là các món như dưa cà muối, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn khiến lượng muối đưa vào cơ thể quá nhiều, gây quá tải cho hệ tiêu hóa.

Ăn mặn tàn phá dạ dày

GS - TS Đào Văn Long, nguyên giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội, trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng ăn mặn không chỉ ảnh hưởng tới tim mạch mà còn là tác nhân thúc đẩy quá trình ung thư dạ dày. Muối được xem là thủ phạm “triệt tiêu” đường tiêu hóa của bạn. 

Khoa học cũng chỉ ra mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần ăn và sự gia tăng nguy cơ của bệnh ung thư dạ dày. Với bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori hay còn gọi vi khuẩn HP thì nguy cơ càng tăng. Không phải tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày đều là do vi khuẩn HP, nhưng những người nhiễm vi khuẩn HP có khả năng bị ung thư cao hơn. Muối làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.

Vi khuẩn này khi kết hợp với muối gây ra hiện tượng đứt gãy các AND của tế bào niêm mạc dạ dày, dẫn đến hiện tượng viêm loét, dị sản, loạn sản niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Người Việt ăn muối gấp 2 lần mức khuyến cáo

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, người Việt Nam đang ăn khoảng 12-15g muối/ngày, cao gấp 2-3 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo WHO, người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn dưới 5g muối/ngày. Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nên ăn dưới 1g muối/ngày, trẻ 1-3 tuổi nên ăn 3g/ngày, trẻ trên 7 tuổi ăn lượng muối như người trưởng thành.

GS Long khuyến cáo người dân cần thực hiện ngay việc giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày. Đây được xem là việc làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao nhất để hạn chế các nguy cơ về sức khỏe do thói quen ăn mặn gây ra.

Ngoài ung thư dạ dày, hạ muối trong bữa ăn bạn còn giảm tăng huyết áp. Huyết áp tăng là yếu tố chính gây ra đột quỵ, suy tim và đau cơ tim. BS Long cho biết người dân nên hạn chế tối đa các thực phẩm có chứa nhiều muối (NaCl) và các gia vị/phụ gia có gốc Na như thịt nguội, mì gói, bánh snack (bim bim), các loại sốt chế biến sẵn, phô mai, cá khô, các loại đậu hạt rang muối. Bạn cần giảm lượng muối và gia vị nêm nếm từ từ trong mỗi bữa ăn. 

Ngọc Hà

Tin mới