Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng '4 không'?

Chủ trương “4 không” trong chính sách quốc phòng Việt Nam đã thể hiện rất rõ quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về chính sách quốc phòng.

Với đường đối lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam chủ trương thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”.

Đó là: Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ý kiến, quan điểm lập luận cho rằng, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “4 không” là tự cô lập mình hay Việt Nam đang đi theo bên này, bên kia, đứng về nước này, nước kia để chống lại nước khác…

Để làm rõ hơn về những quan điểm xuyên tạc, lệch lạc trên, phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, PGS.TS Võ Văn Hải - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự.

Chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ

- Thưa Đại tá Võ Văn Hải, trong chính sách quốc phòng “4 không”, chúng ta xác định là không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không tham gia liên minh quân sự. Như vậy có phải là chúng ta đang tự cô lập mình hay không?

Như chúng ta đã biết, chủ trương “4 không” trong chính sách quốc phòng Việt Nam đã thể hiện rất rõ quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về chính sách quốc phòng, là mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình; chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; thực hiện phương châm, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.

Việt Nam không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không phải là Việt Nam tự “trói tay” mình, trái lại, nó có tác dụng “cởi trói” cho chúng ta, cả trong tư duy và hành động, để ta có thể suy nghĩ và hành động một cách độc lập, sáng tạo và không bị chi phối, áp đặt bởi yếu tố bên ngoài, tức không bị người khác “trói” mình.

Đại tá, PGS.TS Võ Văn Hải - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự.

- Tại sao chúng ta không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không tham gia liên minh quân sự lại có thể “cởi trói” cho chúng ta trong tư duy, nhận thức và hành động?

Bởi vì sao? Sử dụng vũ lực và liên minh quân sự không phải là phương thức tối ưu trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Mà chính đường lối quốc phòng với mục đích tự vệ, hòa bình, chính nghĩa, phù hợp với quyền cơ bản của các quốc gia, dân tộc theo nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, mới là điều mà các quốc gia, dân tộc tiến bộ đều đang hướng tới. 

Vì vậy, chúng ta chủ trương không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tránh những va chạm không cần thiết, không để các đối tượng nước ngoài khiêu khích, kích động, thỏa hiệp xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc hoặc lôi kéo, khống chế, gây sức ép với nước khác phát động chiến tranh.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, Việt Nam chủ trương không đe doạ hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế. Nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược. Đây là vấn đề rất quan trọng, để xây dựng lòng tin, là cơ sở để đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.

Việt Nam bảo vệ Tổ quốc bằng bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh nội sinh

- Nhìn ở một khía cạnh nào đó, liên minh quân sự sẽ tạo ra nhiều đồng minh hơn, khi đó sức mạnh quân sự cũng được tăng cường. Vậy, vì sao mà chúng ta vẫn nhất quán quan điểm, không liên minh quân sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay?

Ở đây chúng ta cần phải nhìn nhận rõ. Thứ nhất, liên minh quân sự không phải là giải pháp tối ưu trong bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc. Thứ hai, chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc là thiêng liêng và tối cao, không thể phó thác hoàn toàn cho bên ngoài, dù đó là một đồng minh cường quốc.

Thứ ba, không tham gia liên minh quân sự, bởi quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ. Thứ tư, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là sức mạnh nội lực của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. 

Cho nên, Với Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc phải bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, thực lực, sức mạnh nội sinh của đất nước, kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Không thể dựa vào bất kỳ liên minh quân sự nào, càng không thể trông chờ vào nước ngoài. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc.

- Chủ quyền lãnh thổ đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc mà trông chờ, dựa dẫm vào bên ngoài thì có lẽ ngay cả trên giấy cũng khó, huống chi là trong hiện thực?

Cả lý luận và thực tiễn, cả lịch sử và hiện thực đều chỉ rõ: muốn giữ được độc lập, tự chủ, giữ được chủ quyền toàn vẹn, lãnh thổ của một đất nước thì phải dựa vào nguồn lực của chính mình. Tuyệt đối không được phụ thuộc vào nước khác, lực lượng bên ngoài để giữ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Đây là nguyên tắc cao nhất, bất di bất dịch, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải thực hiện như thế.

Tôi lấy một ví dụ, như đối với Cuba. Cuba là đất nước nằm ngay cạnh cường quốc số một và nhiều thập niên bị Mỹ cấm vận, tìm cách lôi kéo. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Cuba luôn giữ vững quan điểm, độc lập, tự chủ, tự mình bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ngược lại, thực tế cũng cho thấy, một số nước dựa vào sự bảo trợ của nước ngoài, nhưng khi đất nước có biến động thì không thể bảo vệ được đất nước. Đơn cử như Afghanistan. Trong 20 năm được sự bảo trợ của Mỹ, Mỹ đã chi phí hơn 2.000 tỉ USD cho đất nước này. Nhưng chỉ hơn 10 ngày trước sự tấn công của lực lượng Taliban thì đất nước này bị sụp đổ.

Do đó, dựa vào sức mình là chính luôn là sức mạnh nội sinh quan trọng, quyết định trong bảo vệ Tổ quốc.

- Cả lý luận và thực tế thì không thể có và không bao giờ có một quốc gia dân tộc nào có thể hy sinh lợi ích của dân tộc mình chỉ vì lợi ích của một dân tộc khác. Do vậy, bảo vệ Tổ quốc phải bằng chính thực lực của mình. Vậy thì theo ông, vì sao mà một số đối tượng vẫn luôn kiến nghị, hô hào, kêu gọi Việt Nam phải tham gia liên minh quân sự, phải đi với nước này để chống nước kia?

Như tôi đã nói ở trên, thực chất đây vẫn là quan điểm của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhằm chống phá đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng, độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, làm cho chúng ta dao động và ngả sang một bên nào đấy, để chống lại bên kia, lôi kéo tham gia các liên minh quân sự, các cuộc chạy đua vũ trang theo các nước khác.

Điều này, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng, đi ngược lại xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển mà Việt Nam kiên trì theo đuổi.

Bản chất của câu chuyện này là muốn đưa Việt Nam đi vào quỹ đạo lệ thuộc. Thông qua đó để tiến hành thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam, phủ nhận bản chất, truyền thống và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta, họ muốn tạo cớ để nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

- Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Trường Giang (Phát thanh Quân đội)

Tin mới