Cuối những năm 1960, lực lượng xe tăng của quân đội Trung Quốc rơi vào tình trạng tồi tệ. Máy móc đã lỗi thời và cần phải thay thế. Tình hình có thể được cứu vãn khi Trung Quốc dự định chế tạo ra chiếc xe tăng mới, bằng cách sao chép chiếc T-62 của Liên Xô mà nước này thu giữ được.
Dự án chế tạo xe tăng này có tên là WZ-122, bắt đầu vào tháng 2/1970. Trên thực tế, xe tăng mới của Bắc Kinh được làm theo phiên bản cải tiến của T-62 do Liên Xô chế tạo.
Tăng T-62 do Liên Xô chế tạo.
Các kỹ sư Trung Quốc đã lên kế hoạch trang bị cho xe tăng dự án WZ-122 một khẩu pháo cỡ nòng lớn hơn, với khả năng bắn tên lửa dẫn đường. Đồng thời lắp đặt thêm hệ thống treo khí nén, động cơ đa nhiên liệu và cải thiện khả năng cách âm của khoang chiến đấu.
Ngoài ra, cỗ máy này được thiết kế nhẹ hơn và nhỏ hơn so với mẫu T-62 của Liên Xô, cũng như được cho là có độ tin cậy cao và dễ vận hành.
Tháng 9/1970, phiên bản đầu tiên của xe tăng (được gọi là WZ-122-1) đã sẵn sàng. Bản sao T-62 của Trung Quốc được trang bị pháo 122 mm, động cơ 690 mã lực và di chuyển với tốc độ 55 km/h.
Tuy nhiên, việc phóng tên lửa dẫn đường qua nòng đã phải bỏ dở, do Trung Quốc không có loại đạn thích hợp. Điều này khiến nó phải lắp thêm 4 bệ phóng ở các mặt của tháp xe. Song đây không phải là vấn đề chính của “bản sao” T-64 lúc bấy giờ.
Các cuộc thử nghiệm sau đó đã chỉ ra rằng, tất cả các thành phần và cụm lắp ráp của xe tăng là không đáng tin cậy. Điều này đặc biệt ảnh hưởng tới hệ thống treo khí nén.
Trung Quốc sau đó phải từ bỏ phiên bản WZ-122-1, và thậm chí giảm công suất động cơ trong phiên bản tiếp theo. Tuy nhiên, tất cả các cải tiến này đã không giúp ích. Phiên bản tiếp theo là WZ-122-2 vẫn "bệnh cũ tái phát", và đòi hỏi nhiều chi phí để chế tạo hơn.
Kết quả, tăng WZ-122, bản sao T-62 của Trung Quốc sau đó bị khai tử. Loại xe tăng này không bao giờ được đưa vào sản xuất và biên chế trong quân đội Trung Quốc.