Trung Quốc đang tìm cách định vị nước này là một đối tác an ninh thay thế cho Mỹ khi thúc đẩy “ngoại giao quân sự” với nhiều quốc gia Đông Nam Á thông qua những cuộc tập trận chung ở khu vực.
Trung Quốc đẩy mạnh 'ngoại giao quân sự'
Tháng trước, Trung Quốc và Lào tổ chức cuộc tập trận mang tên "Lá chắn Hữu nghị 2023", có sự tham gia loạt vũ khí, thực hiện nhiệm vụ phối hợp huấn luyện chiến đấu và các hoạt động hỗ trợ. Cuộc tập trận hợp tác hàng hải Trung Quốc - Singapore cũng được tổ chức tập trận bắn đạn thật ở vùng biển ngoài khơi Singapore.
Trung Quốc và Campuchia cũng tổ chức cuộc tập trận chung mang tên “Rồng vàng 2023”, diễn ra từ ngày 23/3 đến 8/4, với chủ đề: Hoạt động đảm bảo an ninh trong các sự kiện lớn và cứu trợ nhân đạo của lực lượng vũ trang Campuchia và Trung Quốc.
Hình ảnh tập trận "Rồng Vàng" Campuchia - Trung Quốc tại tỉnh Kampot năm 2020. (Ảnh: Khmertimeskh).
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Fu Qianshao cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố quan hệ với các nước Đông Nam Á để xây dựng môi trường hòa bình và ổn định “vào thời điểm Mỹ đang khuấy động những rắc rối trong khu vực”.
Vấn đề này cũng đã được nêu trong Đối thoại Shangri-La tuần này tại Singapore, với sự tham dự của các quan chức quốc phòng và các nhà hoạch định chính sách an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Paul J. Smith, giáo sư tại Đại học Hải chiến Mỹ, mô tả việc Trung Quốc gia tăng tập trận chung với các nước Đông Nam Á là nỗ lực quay trở lại cường độ hoạt động trước đại dịch COVID-19, đồng thời Bắc Kinh coi động thái này nhằm lôi kéo liên minh, đáp trả hành động quyết đoán của Mỹ và các đồng minh ở khu vực.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây ở Indonesia, Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh phương Tây có tiếng nói thống nhất về những lo ngại ngày càng tăng đối với Bắc Kinh và thảo luận cách thức để ngăn chặn Trung Quốc.
“Xu hướng đẩy mạnh ngại giao quân sự với các nước Đông Nam Á được Trung Quốc thúc đẩy dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình", giáo sư Paul J. Smith nói, đồng thời lưu ý rằng Bắc Kinh coi “ngoại giao quân sự” là “trọng tâm trong tổng thể ngoại giao quốc tế của nước này”.
Tuy nhiên, giá trị của các cuộc tập trận của Trung Quốc với đối tác Đông Nam Á còn "hạn chế" do tính chất các loại khí tài được sử dụng. “Nếu Trung Quốc triển khai trang thiết bị hạn chế, kém tiên tiến tham gia tập trận thì đó là dấu hiệu cho thấy sự tham gia này chỉ nhằm phục vụ cho mục đích ngoại giao quân sự”, Paul J. Smith nói.
Theo chuyên gia Paul J. Smith, một khi Trung Quốc hoặc quốc gia khác gửi thiết bị tiên tiến tham gia tập trận, điều đó sẽ nhằm nhiều mục đích khắc nhau như “răn đe, thuyết phục ngoại giao đến tiếp thị vũ khí, bán hàng trong tương lai”.
Ông Paul J. Smith cho rằng, các nước thông qua tập trận có thể “gửi thông điệp đến nước thứ ba hoặc cộng đồng quốc tế”. Trung Quốc có thể sẽ tăng cường tần suất các cuộc tập trận trong khu vực, coi đây như cách thức thoát khỏi sự ngăn chặn, kiềm chế của Mỹ.
Blake Herzinger, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Sydney, nói dù Trung Quốc cố gắng tạo hình ảnh đối tác an ninh thay thế Mỹ, nhưng các cuộc tập trận gần đây chưa thể hiện rõ nét, phản ánh ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Điều này thể hiện qua cuộc tập trận của Trung Quốc với Lào và Campuchia - hai nước Đông Nam Á nhận viện trợ và đầu tư lớn của Trung Quốc, được hưởng lợi từ nhiều dự án cơ sở hạ tầng xây dựng theo sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc để phát triển kết nối toàn cầu.
Trong khi đó, đối với các quốc gia như Singapore, việc duy trì quan hệ tích cực với Trung Quốc với “các cam kết quốc phòng” khó tiến xa hơn do “mối quan hệ an ninh quan trọng hơn” của quốc đảo này với Mỹ.
“Nhìn chung, Trung Quốc không phải là đối tác an ninh đáng tin cậy trong khu vực khi có tranh chấp với các nước láng giềng và hành vi cưỡng ép của nước này”, ông Herzinger đề cập đến các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, cũng như hành vi quấy rối của Bắc Kinh đối với tàu trong khu vực. Tháng trước, Philippines tố tàu Trung Quốc chặn tàu tuần tra nước này ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo ông Herzinger, "các cuộc tập trận ở mức độ thấp” với các quốc gia Đông Nam Á sẽ giúp xây dựng mức độ hiểu biết giữa quân đội Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Mỹ vẫn là 'tiêu chuẩn vàng'?
Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia Đông Nam Á đã tham gia huấn luyện với nhiều đối tác trong khu vực và phương Tây. Philippines và Mỹ tiến hành cuộc tập trận Balikatan, trong khi Thái Lan tổ chức cuộc tập trận quân sự “Hổ mang vàng” (Cobra Gold) - một trong những cuộc tập trận quân sự lớn nhất và kéo dài nhất ở Đông Nam Á với Washington.
Singapore và Malaysia cũng tham gia cuộc tập trận nhóm "Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc" (FPDA) - gồm Malaysia, Singapore, Anh, Australia và New Zealand. Trong tháng này, quân đội Singapore cũng tập trận với Mỹ tại Hawaii trong cuộc tập trận "Tiger Balm 2023" lần thứ 42.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan ở Biển Đông. (Ảnh: SCMP).
Trong những năm gần đây, các nước như Nhật Bản và Pháp cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận chung với khu vực Đông Nam Á. Tokyo huấn luyện, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai cùng Philippines. Năm ngoái, Nhật Bản cũng lần đầu tham gia cuộc tập trận mang tên "Garuda Shield" - cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Indonesia.
Quân đội và hải quân Pháp cũng như Indonesia đã tiến hành hai cuộc tập trận chung vào tháng 3 vừa qua. Trong khi vào năm 2021, hải quân Pháp và Singapore tiến hành một cuộc tập trận ở phía nam của Biển Đông.
Chuẩn đô đốc Jean-Mathieu Rey, Tư lệnh Liên quân Các lực lượng Vũ trang Pháp ở châu Á - Thái Bình Dương cho biết, với tư cách là “nhà cung cấp chủ quyền trên toàn thế giới và là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ", Paris phát triển quan hệ đối tác với các quốc gia có cùng chí hướng để đảm bảo “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” vì chủ nghĩa đa phương và vì sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
Theo chuyên gia Blake Herzinger, các nước Đông Nam Á phải quyết định lợi ích quốc gia và chọn quan hệ an ninh phù hợp nhất với nhu cầu.
“Đối với hầu hết các nước, việc cân bằng mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh là cần thiết”, ông Blake Herzinger nói. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh hoạt động đào tạo, huấn luyện quân sự của Mỹ “vẫn là tiêu chuẩn vàng”.
Trong khi đó, chuyên gia Abdul Rahman Yaacob đến từ Đại học Quốc gia Australia cho rằng các quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) coi tập trận chung với Trung Quốc là “một phần trong chiến lược phòng ngừa rủi ro của họ”. Vị này nhận định, việc Trung Quốc mở rộng quy mô và phạm vi các cuộc tập trận quân sự với nhiều nước trong khu vực sẽ phụ thuộc vào liệu nước này đẩy leo thang căng thẳng ở Biển Đông lên cao hay không.
Abdul Rahman Yaaco chỉ ra rằng, "một số quốc gia ASEAN sẽ hứng chịu áp lực trong nước về việc không theo đuổi quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Trung Quốc”. Theo lý giải của chuyên gia này, nhiều quốc gia trong khu vực dựa vào vũ khí của Mỹ nên Washington có thể không chấp thuận việc triển khai nền tảng vũ khí của Mỹ trong các cuộc tập trận chung với Trung Quốc.
“Ví dụ, chúng ta sẽ không thấy máy bay chiến đấu F-35B của Singapore tham gia các cuộc tập trận chung với lực lượng không quân Trung Quốc”, ông Abdul Rahman Yaaco cho hay. Nhận định về tính chất cuộc tập trận giữa Mỹ và Trung Quốc với những nước trong khu vực Đông Nam Á, ông cho rằng các cuộc tập trận chung với Mỹ phức tạp hơn, liên quan đến sự phối hợp, chỉ huy và kiểm soát chặt chẽ và khả năng tương tác cao.
F-35B được cho là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới, có thể thực hiện cả nhiệm vụ tấn công, chiếm lợi thế trên không và tấn công, đồng thời cung cấp khả năng tác chiến điện tử và tình báo, giám sát và trinh sát.
Hồi tháng 2, Singapore tuyên bố sẽ mua thêm 8 máy bay phản lực F-35B từ nhà sản xuất Lockheed Martin của Mỹ, tăng phi đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của nước này lên 12 chiếc.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng các cuộc tập trận cung cấp cho quân đội nhiều nước trong khu vực cái nhìn sâu sắc về cách thức hoạt động cũng như những khả năng mới nhất của quân đội Trung Quốc.
Chuyên gia Collin Koh nhận định, tập trận giữa Trung Quốc cũng giúp thúc đẩy vai trò ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
“Bằng cách lôi kéo Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận này, ASEAN cũng tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận quân sự rộng lớn hơn trên toàn ASEAN, chẳng hạn như cuộc tập trận trong khuôn khổ ARF và ADMM+”, ông Collin Koh nói, đề cập đến Diễn đàn Khu vực ASEAN - diễn đàn đối thoại an ninh trong khu vực và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, kênh kết nối ASEAN với 8 đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.