Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore từ ngày 2-4/6 được xem là cơ hội rất cần thiết cho giới quân sự hàng đầu của cả Trung Quốc và Mỹ bắt tay và làm tan băng mối quan hệ giữa hai bên. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ tình cờ giữa quan chức Mỹ - Trung bên hành lang của khách sạn Shangri-La vẫn khó diễn ra khi hai bên vẫn không đồng quan điểm trong hầu hết mọi vấn đề.
Khi Mỹ - Trung đối đầu ở Thái Bình Dương, Washington bảo vệ các hành động của mình là “các hoạt động tự do hàng hải”, trong khi Bắc Kinh khẳng định họ sẽ không nhượng bộ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Hai nước cũng đang trao đổi những tín hiệu quân sự gay gắt xung quanh vấn đề Đài Loan, với việc Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho hòn đảo này bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (từ trái sang) (Ảnh: Getty).
Bất kỳ cuộc gặp nào ở Singapore giữa lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Trung Quốc cũng có thể diễn ra căng thẳng. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng rủi ro của việc các siêu cường không nói chuyện với nhau trong kỷ nguyên "Chiến tranh Lạnh mới" là rất nghiêm trọng.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington dự kiến sẽ cải thiện trong năm nay, với việc các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Bali (Indonesia) vào tháng 11 năm ngoái và đồng ý tăng cường trao đổi thông tin. Tuy nhiên, sau đó xảy ra vụ bắn rơi khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trong vùng biển của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải hủy chuyến công du Trung Quốc.
Ni Lexiong, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho biết Lầu Năm Góc cũng đang tăng cường áp lực quân sự đối với Trung Quốc, với kế hoạch triển khai tàu ngầm lớp Ohio tới bán đảo Triều Tiên để tuần tra thường xuyên và NATO đang tìm cách lập văn phòng đầu tiên tại Nhật Bản.
“Mỹ đã cố gắng để lôi kéo tất cả các nước ở khu vực để tiếp tục cô lập và kiềm chế Trung Quốc. Điều này đặt phái đoàn quân sự Trung Quốc vào một vị trí rất bất lợi khi họ chạm trán với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ, tại Đối thoại Shangri-La”, chuyên gia Ni Lexiong nói.
Theo chuyên gia Ni Lexiong, tất cả những điều đó khiến môi trường quốc tế trở nên bất lợi hơn đối với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Đối thoại Shangri-La, và dự kiến sẽ gặp những người đồng cấp nước ngoài.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng sẽ tham dự và có bài phát biểu hôm 3/6. Trong khi đó, ông Lý Thượng Phúc dự kiến sẽ có bài phát biểu về “các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc” một ngày sau đó.
Tuy nhiên, cơ hội của một cuộc gặp ông Lloyd Austin và ông Lý Thượng Phúc dường như là thấp. Hôm 30/5, Lầu Năm Góc cho biết Bắc Kinh đã từ chối đề xuất của Washington về cuộc gặp như vậy.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Ely Ratner cho biết: “Mỹ và Lầu Năm Góc sẵn sàng giải quyết vấn đề can dự giữa quân đội với quân đội song vẫn chưa nhận thấy sự sẵn sàng từ phía Trung Quốc".
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi hôm 31/5 nói rằng Mỹ “chịu trách nhiệm hoàn toàn” về “sự khó khăn trong liên lạc”, nhấn mạnh “đối thoại không thể thực hiện nếu không có nguyên tắc”.
Theo Zhou Chenming, nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang, trụ sở tại Bắc Kinh, trở ngại lớn đối với cuộc họp là các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với tướng Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt liên quan đến việc Trung Quốc mua máy bay chiến đấu SU-35 vào năm 2017 và các thiết bị liên quan đến hệ thống tên lửa đất đối không S-400 từ Nga vào năm 2018.
Ông Lý Thượng Phúc cũng nằm trong danh sách trừng phạt. Thời điểm đó ông đang là giám đốc Cục Phát triển vũ khí của quân đội Trung Quốc. Các hạn chế áp đặt đối với ông Lý Thượng Phúc bao gồm cấm giao dịch với hệ thống tài chính Mỹ, phong tỏa tất cả tài sản ở Mỹ (nếu có) và cấm cấp thị thực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)
Sau khi ông Lý Thượng Phúc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, nhiều câu hỏi được đặt ra trong trường hợp ông được mời đến Mỹ gặp người đồng cấp Lloyd Austin. Theo Bloomberg, Mỹ có thể bị đặt vào thế kẹt nếu muốn liên lạc với ông Lý Thượng Phúc để giữ các kênh liên lạc quốc phòng luôn mở trong bối cảnh hai bên luôn căng thẳng.
Theo nhận định của ông Zhou Chenming, dù vậy, quân đội Trung Quốc "vẫn sẵn sàng duy trì mối quan hệ giữa quân đội với quân đội với đối tác Mỹ như một yếu tố ổn định trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ”.
Chuyên gia Zhou Chenming cho biết, quân đội Trung Quốc không hài lòng khi Mỹ đề nghị tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo quốc phòng 2 nước, nhưng từ chối dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà họ đã áp đặt đối với ông Lý Thượng Phúc.
“Nếu Lầu Năm Góc nói rằng các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến liên lạc giữa quân đội hai nước, tại sao Washington không thể dỡ bỏ chúng?”, ông Zhou cho biết.
Giới phân tích cho rằng, cuộc gặp nào giữa các sĩ quan cấp cao của quân đội hai nước cũng có thể giúp giảm nguy cơ xung đột. Bonnie Glaser - người đứng đầu chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Quỹ Marshall của Đức, cho biết việc giảm liên lạc giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc không có lợi cho bên nào.
Cùng quan điểm, chuyên gia Zhou Chenming cho rằng bất kỳ cuộc họp nào giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ giúp xoa dịu căng thẳng. Ông nói: “Cuộc gặp gỡ giữa quan chức quốc hai nước bên lề Đối thoại Shangri-La tốt hơn nhiều so với việc hai quân đội đối đầu trên chiến trường".