Mấy ngày gần đây, trên khắp các nền tảng mạng xã hội, cụm từ khoá "ngủ 5 ngày 5 đêm" đang được lan truyền chóng mặt. Đặc biệt, trên Facebook, những sự kiện mang tên "ngủ 5 ngày 5 đêm xuyên lễ" đều thu hút hàng nghìn lượt đăng ký tham gia.
Đi đâu, làm gì trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi phương án hoán đổi ngày làm việc để người lao động được nghỉ liên tục 5 ngày được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất (phương án này được các cơ quan ban ngành ủng hộ và được Thủ tướng đồng ý). Bên cạnh các kế hoạch về quê, đi du lịch..., nhiều người cho biết họ tận dụng những ngày này để nghỉ ngơi thực sự. Rất nhiều bạn trẻ cho biết họ mong chờ đến kỳ nghỉ để được ngủ cho đã đời. Trào lưu "ngủ 5 ngày 5 đêm" phản ánh mong muốn này.
Tham gia các sự kiện hài hước kiểu "Ngủ 5 ngày 5 đêm dịp lễ 30/4-1/5" trên Facebook là cách các bạn trẻ thoát khỏi áp lực của guồng quay công việc hối hả, gấp gáp để được "xả hơi", thả lỏng hoàn toàn cả tâm trí lẫn cơ thể. Ở nhà ngủ nghỉ thay vì chen chúc đến những địa điểm du lịch đông như kiến cũng là cách họ tiết kiệm tiền bạc và phục hồi năng lượng.
Trào lưu 'ngủ 5 ngày 5 đêm' nhân dịp lễ 30/4-1/5. (Ảnh chụp màn hình)
Nhiều cư dân mạng để lại những bình luận đầy hài hước ở các trang sự kiện: "Sự kiện hay ho hài hước này rất hợp với mình, mình sẽ dành trọn 5 ngày chỉ để ngủ"; "Đếm ngược ngày nghỉ chỉ để ngủ"; "Ngủ 5 ngày 5 đêm được luôn hả, không cần ăn luôn à?"...
Là một trong số Gen Z nhiệt tình ủng hộ trào lưu này, Trần Mai Hoa (24 tuổi, Hà Nội) cho biết sẽ dành trọn thời gian nghỉ lễ 5 ngày cho việc nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. "Ban đầu nghe nói về trào lưu này, mình chỉ thấy hài hước, nhưng sau nghĩ lại mới thấy nó rất thiết thực và ý nghĩa, nó sẽ giúp mình 'chữa lành' tâm hồn rất hiệu quả", Mai Hoa chia sẻ.
Cũng tham gia sự kiện "ngủ 5 ngày 5 đêm" nhưng Lê Thành Nam (30 tuổi, TP.HCM) lại lựa chọn ngủ ở khu du lịch Hồ Tràm (Vũng Tàu) chứ không phải ở nhà. Anh tâm sự: "Kỳ nghỉ lễ sắp tới, mình kết hợp đi du lịch kèm nghỉ dưỡng ở một resort 5 sao. Ở đó, mình có thể vừa thoải mái ngủ trong một không gian đẹp, vừa có thể đón bình mình và hoàng hôn trên biển".
Nguyễn Tiến Đại (sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội)
Là sinh viên năm cuối ngành Kiến trúc, Đại học Xây dựng Hà Nội, Nguyễn Tiến Đại (22 tuổi) đặc biệt ủng hộ trào lưu này, cho biết anh sẽ dành toàn bộ thời gian nghỉ lễ để ngủ sau chuỗi ngày thức đêm làm đồ án. Đại bày tỏ: "Ngủ 5 ngày 5 đêm có lẽ là cách 'chữa lành' tiết kiệm nhất đối với mình. Suốt 1 tháng qua làm đồ án rồi ôn thi, mỗi ngày mình chỉ ngủ được 4 tiếng nên cảm thấy rất thiếu ngủ và mệt mỏi. 5 ngày nghỉ lễ sẽ giúp mình có những giấc ngủ sâu, không còn lo lắng gì đến bài vở nữa".
Theo một khảo sát của trang Wakefield Research, khoảng 37% người trẻ Việt cho biết mình bị mất ngủ, 73% thừa nhận bị căng thẳng do rối loạn giấc ngủ. Điều đáng chú ý là 79% số người tham gia khảo sát nói rằng họ không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày.
Trào lưu "ngủ 5 ngày 5 đêm" dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 phản ánh những áp lực của nhịp sống hiện đại và mong muốn nghỉ ngơi, thư giãn, cân bằng lại thân thể và tâm trí của bộ phận không nhỏ người lao động.
Những sự kiện liên quan đến từ khoá "5 ngày 5 đêm. (Ảnh chụp màn hình)
Liên quan đến các hoạt động dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, ngoài trào lưu "ngủ 5 ngày 5 đêm", trên mạng xã họi còn xuất hiện thêm những từ khoá tương tự như "karaoke 5 ngày 5 đêm"; "5 ngày 5 đêm càn quét đồ ăn mẹ nấu"; "thiền 5 ngày 5 đêm", "thử thách có người yêu 5 ngày nghỉ lễ"...