Giải thích lý do không kịp trình đề án vào cuối tháng 12 tới, UBND TP.HCM cho biết thành phố đang phải tập trung thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đề án đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông.
TP.HCM cũng đang tập trung giải quyết dứt điểm các kết luận thanh tra về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), khu Công nghệ cao (quận 9), Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) và nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.
Bên cạnh đó, do lịch sử để lại nên TP.HCM tồn tại mô hình tự quản ở khu dân cư chưa thống nhất với quy định của Trung ương như dưới phường, thị trấn chia thành khu phố, dưới khu phố gồm các tổ dân phố; dưới xã chia thành ấp, dưới ấp gồm các tổ nhân dân.
Thành phố đang chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức dưới phường - xã - thị trấn cho phù hợp với quy định song song với việc sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách dưới cấp xã.
Sau khi sáp nhập, TP.HCM sẽ còn 310 phường, xã, giảm 10 đơn vị so với trước.
Mặc dù xin lùi thời điểm trình đề án nhưng UBND TP.HCM cam kết sẽ hoàn thành việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2017 - 2021 như kế hoạch của Trung ương.
Vào đầu tháng 10/2019, UBND TP.HCM cũng trình Bộ Nội vụ phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021. Sau đó, Bộ Nội vụ có ý kiến và đề nghị thành phố trình đề án chi tiết trước tháng 11.
Theo đề án này, 10 phường có diện tích và dân số không đáp ứng quy định buộc phải sáp nhập. Trong đó, có 9 trường hợp nhập hai phường thành một và một trường hợp nhập ba phường thành một phường mới.
Cụ thể, tại quận 2 sẽ sáp nhập phường An Khánh với Thủ Thiêm, phường Bình Khánh với Bình An. Quận 3 sáp nhập các phường 6, 7, 8 với nhau. Quận 4 sáp nhập phường 5 với phường 2, phường 12 với 13. Quận 5 sáp nhập phường 12 với 15. Quận 10 sáp nhập phường 3 và với 2. Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 12 với 11, phường 14 với 13.