Thông thường, ở các nền kinh tế, đồng tiền giảm giá trị trong những thời điểm khó khăn. Nhưng điều ngược lại đang xảy ra ở Triều Tiên.
Nước này đã và đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng nề nhất lịch sử. Không những vậy, thiệt hại do lũ lụt và đại dịch khiến thương mại đình trệ. Nền kinh tế Triều Tiên suy giảm ở mức mạnh nhất trong 20 năm, trong khi người dân cũng phải chuẩn bị cho việc thiếu lương thực.
Nhưng đồng won Triều Tiên đã tăng giá 25% so với đồng USD trong năm nay, theo mức trung bình tháng. Năm 2020, đồng tiền này tăng giá 15%.
Số liệu không chính thức được hai tổ chức truyền thông theo dõi đồng tiền Triều Tiên đưa ra, là Asia Press International tại Nhật Bản và Daily NK tại Hàn Quốc.
Đồng tiền Triều Tiên tăng giá từ 2020. (Nguồn: Daily NK, Bloomberg)
Theo đó, tỷ giá hối đoái không chính thức của Triều Tiên, ở mức 5.200 won mỗi USD, được hình thành tại “jangmadang”. Đó là các thị trường địa phương, hay có thể xem là nền kinh tế không chính thức. Trong khi đó, tỷ giá chính thức của đồng tiền Triều Tiên ổn định ở mức khoảng 100 won mỗi USD trong vòng 10 năm qua, không được xem là chỉ số đủ để đánh giá.
Có nhiều giả thuyết lý giải việc đồng tiền Triều Tiên tăng giá. Thứ nhất, việc đóng cửa biên giới chống dịch COVID-19 của Triều Tiên có thể đã triệt tiêu nhu cầu ngoại tệ. Thứ hai, Bình Nhưỡng có thể đang thắt chặt việc sử dụng các loại ngoại tệ trong nước.
Daily NK báo cáo tỷ giá đồng tiền Triều Tiên ở khoảng 8.000 won/USD từ đầu năm 2013, nhưng bắt đầu tăng giá vào năm 2020, đạt mức trung bình tháng là 4.723 won/USD, cao nhất kể từ tháng 6/2012.
Về lý do thứ nhất, khi Mỹ áp đặt các hạn chế thương mại và tài chính với Triều Tiên năm 2017, hàng hóa được cho là vẫn vào Triều Tiên thông qua Trung Quốc. Nhưng khi Triều Tiên đóng cửa biên giới năm 2020, tất cả đã thay đổi. Lim Soo-Ho, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược an ninh quốc gia, một cơ quan nghiên cứu chính phủ ở Seoul, nói “nhu cầu đối với các đồng ngoại tệ vẫn còn, nhưng khi nhập khẩu vào Triều Tiên giảm, nhu cầu đó cũng giảm theo”.
Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, một nhóm thương mại ở Seoul, nhập khẩu từ Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm trước, trong giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 2/2021, và vẫn tiếp tục giảm. Ramon Pacheco Pardo, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học King London cho biết, các hình ảnh vệ tinh cho thấy những cầu đường bận rộn giữa Triều Tiên và Trung Quốc trở nên vắng vẻ sau khi biên giới đóng cửa.
Dù Triều Tiên phải đối phó với các lệnh trừng phạt, thiệt hại thương mại, đồng won Triều Tiên vẫn tăng giá trị 25% so với đồng USD, theo một số cơ quan truyền thông. (Ảnh minh họa)
Ngoài việc giảm nhập khẩu, các đồng ngoại tệ cũng có thể đã mất sức hút tại Triều Tiên, và chính phủ đã thắt chặt việc sử dụng những đồng tiền này, theo các chuyên gia. “Dù nhập khẩu giảm thì đồng won cũng sẽ không tăng giá đến thế nếu thị trường địa phương vẫn còn nhu cầu với USD”, chuyên gia Kim nói.
Nhiều cơ sở bán lẻ ở Bình Nhưỡng dừng nhận USD hoặc dừng nhận thanh toán qua thẻ của người nước ngoài ở Triều Tiên. Thay vào đó, họ được yêu cầu trả tiền won, Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên nói trên Facebook.
Các cơ quan tài chính yêu cầu cư dân báo cáo việc giữ ngoại tệ và gửi vào ngân hàng, theo Daily NK. Người Triều Tiên thường giữ USD trong nhà và dùng để mua hàng hóa.
Kang Mijin từ công ty dữ liệu NK Investment Development cho biết Triều Tiên có thể đang cố gắng bảo vệ người dân của mình khỏi khó khăn kinh tế bằng cách đẩy giá đồng won và gây ra giảm phát.
Một giả thuyết khác cho rằng những người trung gian đổi tiền có thể đang đẩy nhanh lợi nhuận của đồng won thông qua giao dịch đầu cơ.
Nhưng dù lý do là gì, việc đồng tiền Triều Tiên tăng giá bất thường cũng gây lo ngại, nhất là nếu tình hình kéo dài.
Viện Phát triển Hàn Quốc, một tổ chức tư vấn của nhà nước Hàn Quốc, nói sự sụt giảm thương mại và giá tiền tệ tăng có thể là dấu hiệu Triều Tiên sẽ phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế.
Theo chuyên gia Pardo: “Những người Triều Tiên nghèo, ít tiếp cận với đồng won hơn, có thể giảm mức sống so với những người tiếp cận tự do với tiền tệ”,
Tuy nhiên theo Choi Eunju, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong, trung tâm nghiên cứu tư nhân về thống nhất và chính sách đối ngoại: “Chính phủ của ông Kim Jong-un chú ý đến tình cảm của công chúng hơn bất kỳ chính phủ nào khác", và trong các tuyên bố chính thức từ đầu đại dịch, Triều Tiên đều nói đang cố gắng ngăn chặn điều này trở thành một vấn đề xã hội.