Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao ‘quy chế sử dụng bảo hiểm’ của PVN bị nhà thầu phản ánh?

(VTC News) -

Theo nhà thầu trong lĩnh vực bảo hiểm, “Quy chế sử dụng dịch vụ bảo hiểm” của PVN mới ban hành có một số quy định làm “hạn chế cạnh tranh và định hướng nhà thầu”.

Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (BHBV), Công ty Bảo hiểm PJICO Hà Nội (PJCOHN), Công ty Bảo hiểm Bưu điện Hà Nội (PTIHN) đồng loạt có văn bản gửi cơ quan chức năng và các cơ quan thông tấn báo chí, phản ánh một số nội dung được cho là “bất hợp lý” nhằm “hạn chế cạnh tranh và định hướng nhà thầu” của Quyết định số 6097/QĐ-DKVN ngày 24/10/2013 (Quy chế 6097) ban hành Quy chế sử dụng dịch vụ bảo hiểm để quản lý rủi ro cho con người, tài sản, dự án, quyền lợi và hoạt động” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo Bảo Việt, với quy định tiêu chí “Nhà cung cấp bảo hiểm đạt được xếp hạng tài chính ở mức an toàn (secured) từ bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor, Moody's, Fitch;” thì hiện tại trên thị trường các Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước chỉ có 5/30 đơn vị có xếp hạng của các tổ chức tài chính trên.

Nếu áp dụng, ngay lập tức đã loại bỏ cơ hội tham gia cạnh tranh của 25 công ty bảo hiểm phi nhân thọ còn lại trên thị trường.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

“Quy định này vi phạm Điều 12 khoản 2 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, ngày 26/06/2014 của Chính phủ hướng dẫn Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, cụ thể: Hồ sơ mời thầu phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn về đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất). Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh”, Bảo hiểm Bảo Việt nêu rõ.

Bảo hiểm PJICOHN cũng cho rằng, Quy chế 6097 yêu cầu các nhà thầu đáp ứng tiêu chí “Nhà cung cấp bảo hiểm phải có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng cung cấp bảo hiểm tương tự cho các tài sản dự án có tính chất và quy mô tương tự tại Việt Nam (Bao gồm nhưng không giới hạn công trình sản xuất công nghiệp nặng, công trình dầu khí theo quy định của Pháp luật Việt Nam), trong đó quy mô tương tự là hợp đồng có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá kế hoạch của hợp đồng bảo hiểm đang chọn Nhà cung cấp bảo hiểm”.

“Có thể thấy các quy định trong quy chế được ban hành nhằm tạo lợi thế và có tính định hướng cho một doanh nghiệp cụ thể gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Bằng quy chế này, Tập đoàn dầu khí đã biến những điều kiện không bắt buộc thành điều kiện tiên quyết để loại nhà thầu và đưa “điều kiện riêng” nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực và có định hướng đến doanh nghiệp”, PJCOHN nhận định.

Trong văn bản kiến nghị gửi cơ quan chức năng, Bảo hiểm Bưu điện Hà Nội - PTIHN cho rằng, tại Điều 6. Tiêu chí lựa chọn Nhà cung cấp bảo hiểm cho loại hình bảo hiểm có các điều kiện, điều khoản và mức phí bảo hiểm không do Bộ Tài chính ban hành của Quy chế 6097, có một số nội dung quy định làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Cụ thể, tại về quy định: Trường hợp Nhà cung cấp bảo hiểm thành lập Liên danh để cấp đơn bảo hiểm gốc thì Liên danh này không được nhiều hơn hai thành viên và các thành viên phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều này, chúng tôi cho rằng, với gói thầu có giá trị lớn mà lại khống chế liên danh không được nhiều hơn hai thành viên, điều này làm giảm đi ý nghĩa của Liên danh, gián tiếp làm giảm quyền lợi và mục tiêu hiệu quả kinh tế cho chính Người tham gia bảo hiểm”, PTIHN cho hay.

Bảo hiểm Bưu điển Hà Nội nêu quan điểm, tại Khoản 5 và Khoản 6, Điều 6 của quy định này không phù hợp bởi: “Nhà tái bảo hiểm phải đáp ứng tối thiểu theo Khoản 2 Điều 6, trong đó có tiêu chí ‘Nhà cung cấp bảo hiểm phải có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng cung cấp bảo hiểm tương tự cho các tài sản dự án có tính chất và quy mô tương tự tại Việt Nam (Bao gồm nhưng không giới hạn công trình sản xuất công nghiệp nặng, công trình dầu khí theo quy định của Pháp luật Việt Nam), trong đó quy mô tương tự là hợp đồng có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá kế hoạch của hợp đồng bảo hiểm đang chọn Nhà cung cấp bảo hiểm’".

Như vậy, nhà tái bảo hiểm cũng phải đáp ứng các hợp đồng tương tự như Doanh nghiệp bảo hiểm trong nước (Nhà thầu), qua đó sẽ làm hạn chế nhà tái bảo hiểm khác tham dự, và mặc nhiên sẽ làm hạn chế Nhà thầu tham dự.

Việc quy định hợp đồng tương tự với nhà tái bảo hiểm ở đây là không phù hợp và nhằm tạo nên một rào cản làm hạn chế sự tham dự của Nhà thầu và đi ngược lại với Luật kinh doanh bảo hiểm. Mặt khác, việc quy định nhà tái bảo hiểm phải có xếp hạng tài chính là A đối với nhà tái bảo hiểm đứng đầu và A- đối với các nhà nhận tái bảo hiểm theo sau sẽ làm hạn chế sự tham dự của các nhà tái bảo hiểm quốc tế có năng lực khác khi cùng một lúc phải thỏa mãn đồng thời nhiều yêu cầu mà theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm là không cần thiết.

Việc quy định nhà thầu liên danh không được nhiều hơn hai nhà và quy định nhà tái bảo hiểm phải phải có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng cung cấp bảo hiểm tương tự cho các tài sản dự án có tính chất và quy mô tương tự tại Việt Nam (Bao gồm nhưng không giới hạn công trình sản xuất công nghiệp nặng, công trình dầu khí theo quy định của Pháp luật Việt Nam), trong đó quy mô tương tự là hợp đồng có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá kế hoạch của hợp đồng bảo hiểm đang chọn Nhà cung cấp bảo hiểm.

Như vậy, cả nhà thầu và nhà nhà tái bảo hiểm phải đáp ứng hợp đồng tương tự và đối với lĩnh vực bảo hiểm thì chỉ có nhà thầu và nhà tái đang thực hiện trước đây thì mới có khả năng đáp ứng. Nếu dùng kinh nghiệm của nhà tái bảo hiểm tại Đông Nam Á thì vì nguyên tắc bảo mật, các nhà tái bảo hiểm sẽ không thể cung cấp đơn tại các nước khác cho doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam để tham dự đấu thầu…

Từ những lập luận trên, PTIHN cho rằng, các quy định này nếu được áp dụng sẽ dẫn đến việc hạn chế sự tham gia của các nhà tái bảo hiểm và đồng nghĩa với hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Liên quan đến những kiến nghị của các doanh nghiệp, Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vào cuộc kiểm tra và có văn bản phúc đáp và đề nghị “PVN cần thực hiện nghiêm pháp luật về đấu thầu”.

“Trường hợp PVN quy định hoạt động mua bảo hiểm của PVN phải thực hiện đấu thầu rộng rãi nhưng hồ sơ mời thầu lại đưa ra các tiêu chí đánh giá nhằm hướng tới một hoặc một số ít nhà thầu cụ thể hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số ít nhà thầu thì việc đấu thầu rộng rãi không còn ý nghĩa, chỉ mang tính hình thức và có thể dẫn đến không bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”, Cục Quản lý đấu thầu nêu.

Từ đó, Cục Quản lý đấu thầu khuyến cáo: “PVN cần cân nhắc việc đưa ra các tiêu chí đánh giá để không hạn chế sự tham gia của nhà thầu khi tham dự thầu các gói thầu bảo hiểm”.

Phúc Khánh

Tin mới