Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí: '32.000 tỷ nằm chình ình đó, đau xót vô cùng'

Chủ tịch HĐTV PVN cho biết, PVN sẵn sàng đi vay vốn để làm dự án nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng phải được “bật đèn xanh”.

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 ngày 23/7, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay dự án đang đứng trước vô vàn khó khăn, tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD. Nhưng trong quá trình thực hiện, do tổng thầu Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) có nhiều sai phạm nên theo điều lệ hợp đồng, dự án bị cắt tín dụng, không được cho vay nữa.

 Dự án NMNĐ Thái Bình 2 sau khi hoàn thành, đi vào vận hành thương mại sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia mỗi năm khoảng 7,8 tỷ kWh.

Cũng theo ông Thanh, dự án này có 4 khó khăn lớn nhất là cơ chế, thể chế, tài chính và tư tưởng của cán bộ nhân viên. Trong đó, tài chính là khó khăn lớn nhất. “Làm gì cũng phải có tiền. Không có tiền không thanh toán được lương, không trả được cho nhà cung cấp... Anh em hoang mang, nhiều cán bộ đã bỏ đi, 32.000 tỷ đồng nằm chềnh ềnh ra đây. Đau xót và lo lắng vô cùng”, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, do hồ sơ pháp lý không rõ ràng, yếu kém của tổng thầu PVC nên dự án đang gặp khó khăn trong thanh toán, thậm chí có tiền cũng khó thanh toán. Những người ký chuyển tiền thanh toán đều luôn bị rủi ro, nên rất tư tưởng.

“Các bộ ngành cứ chần chừ, không ra quyết sách cụ thể. Một ngày chậm, phải trả lãi ngân hàng hơn 6 tỷ đồng với các khoản đã vay. Trong khi đó, có câu hỏi đặt ra là dự án làm tiếp hay không làm tiếp thực sự đã khiến cả hệ thống hoang mang”, ông Trần Sỹ Thanh cho hay.

Vẫn theo ông Thanh, PVN đã lên kế hoạch triển khai tiếp dự án khi có tiền. Bởi nếu không có quyết sách sớm thì dự án đóng cửa sớm. Nếu được cho cơ chế thì PVN sẽ xoay xở, có thể cơ cấu tài chính để bỏ tiền vốn tự có, hoặc đi vay của bên khác để bỏ vốn vì đây là yếu tố quyết định thời điểm này.

Theo ông Thanh thì PVC đến giờ thực sự là tan nát vì dính rất nhiều dự án khác, bắt bớ liên tục không còn người để mà làm. "Nhưng nếu Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thay tổng thầu thì còn nguy hiểm hơn. Bởi ai sẽ làm? Thực tế hiện nay PVN đang trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn…", ông Thanh nói.

 Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh.

Chủ tịch HĐTV PVN cũng thẳng thắn đề nghị Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước cần vào cuộc, chia lửa cho anh em vấn đề tài chính. Ông Thanh cho biết nếu không có tiền thì sẵn sàng đóng cửa dự án và ký trả dự án, chấp nhận kỷ luật.

Ông cũng kiến nghị nếu không vay được thì bỏ tiền túi ra làm, cơ cấu tài chính PVN sẽ tự thu xếp.

“Chúng tôi sẵn sàng vay của bên khác để bỏ vốn, bởi vì đây là yếu tố quyết định quan trọng tại thời điểm này. Nhưng quan trọng nhất là vấn đề tư tưởng, tất cả anh em hoang mang bởi nhiều chuyện. Mình đi cứu dự án khác nhưng giờ quay lại bị tra hỏi và xử lý? Mỗi người trong HĐTV ký một chữ ký, nhưng bộ ngành cấp trên lại chần chừ, không có quyết sách cụ thể ngay lập tức, rõ ràng. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước đảng, nhà nước sử dụng đồng tiền, nhưng phải bật đèn xanh cho chúng tôi đi, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về sử dụng vốn”, ông Thanh nói.

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư (khoảng 32.000 tỷ đồng đã chi).

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 còn nhiều việc phải làm, bao gồm việc rà soát, khẳng định lại các phương án kỹ thuật tương ứng với cơ cấu vốn đầu tư thay đổi, kế hoạch, giải pháp nhằm đảm bảo năng lực của PVN.

“PVN phải có phương án ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu khi nhà máy chạy thử và đi vào vận hành. Đồng thời, cơ cấu kiện toàn lại PVC, tránh những hệ luỵ từ các dự án khác, ràng buộc trách nhiệm của PVC với nguồn vốn tăng thêm”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh PVN cũng cần chịu trách nhiệm các phương án để tổ chức quản lý, triển khai... đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án, các hợp đồng với các nhà thầu khác... khi đề xuất được thông qua.

Đồng thời ông Tuấn Anh đề nghị các bộ có ý kiến để Bộ Công Thương tổng hợp trình Thủ tướng, thường trực Chính phủ, dựa trên các đề xuất của PVN.

Về tiến độ, dự án hiện nay đã đạt 84%, thiết kế 99%, mua sắm 95%, gói thầu còn lại; gia công chế tạo hơn 97%. Nhà máy chính đã bàn giao chạy thử, hệ thống PCCC cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu; hạng mục chính như lò hơi, máy phát, tổ máy 1 và 2 đang hoàn thiện lần cuối; lắp đặt và nước làm mát đang hoàn thiện…

Thách thức nhất là hệ thống than gồm cảng than, kho than vì bê tông cốt thép xây lắp đang làm; băng chạy than đã về hiện trường nhưng do trách nhiệm tổng thầu và năng lực nhà thầu yếu nên triển khai chậm, vướng mắc tài chính nên tiến độ cũng đang dừng.

Thái Linh - Hòa Bình

Tin mới