Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao phim cung đấu như 'Diên Hi công lược' có thể bị cấm vĩnh viễn?

Thể loại phim như "Diên Hi công lược", "Hậu cung Như Ý truyện" hay "Chân Hoàn truyện" đối diện nguy cơ bị cấm vĩnh viễn tại Trung Quốc.

Diên Hi công lược được phát sóng trên đài truyền hình Sơn Đông cùng đài Chiết Giang. Tuy nhiên, tập phát sóng mới nhất của phim đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, show Kịch trường tinh anh được chọn chiếu thay thế.

Khi công chúng chưa kịp đặt câu hỏi về lý do ngừng phát sóng, Hậu cung Như Ý truyện cũng rơi vào tình cảnh tương tự trên sóng đài Giang Tô. Phim bị ngừng chiếu từ tập 12, show Thời đại mới ra mắt chiếu chèn vào khung giờ.

 

Hai đài truyền hình ngừng chiếu Diên Hi công lược.Các đài truyền hình Chiết Giang, Giang Tô, Sơn đông đều im lặng về câu hỏi tại sao lại ngừng chiếu. Ngay lúc này, theo QQ, thông tin phim cung đấu sẽ bị cấm phát sóng từ năm 2019 đã được lan truyền.

“Sau tết 2019, phim cung đấu chốn triều đình sẽ bị hạn chế. Những phim đang quay dở hay đã hoàn thành số phận như thế nào thật khó luận trước. Chỉ cần là phim cung đấu sẽ bị cấm. Lý do thì không rõ”, nguồn tin riêng nói trên QQ.

"Võ Mỵ Nương truyền kỳ", "Chân Hoàn truyện" thay thế "Tây du ký"

Phim cung đấu là cách gọi dành cho thể loại phim cổ trang về cuộc sống nơi hậu cung. Các cuộc chiến tranh giành sự sủng ái của nhà vua, củng cố quyền lực của phi tần luôn là chủ đề hot tại Trung Quốc. Khán giả bị hấp dẫn bởi thể loại này.

“Sau Tây du ký, Hoàn Châu cách cách là thời của Chân Hoàn truyện”, một nhà phê bình phim nói trên Sina.

Chân Hoàn truyện là bộ phim tiên phong trong dòng phim cung đấu ở Đại lục và thành công vang dội. Ra mắt năm 2011, câu chuyện về Chân Hoàn giữa những cạm bẫy nơi cung đình giúp phim lập kỷ lục về rating. Phim có lượt chiếu lại nhiều nhất hàng năm, chỉ sau Tây du ký 1986.

Sau Chân Hoàn truyện, Cung tỏa tâm ngọc, Bộ bộ kinh tâm, Võ Mỵ Nương truyền kỳ, Mị Nguyệt truyện, Diên Hi công lược nối dài thành công về thể loại phim cung đấu.

“Điều này không phải là chuyện vui với các nhà quản lý văn hóa”, một nhà phê bình nhận định.

Từ năm 2017, nhiều nguồn tin từ báo chí Trung Quốc cho biết chính phủ không hài lòng khi phim về các nhân vật lịch sử bị bóp méo. Cùng với đó, “phu nhân” một lãnh đạo bất bình khi những bộ phim phụ nữ đổ máu vì đàn ông lại được hâm mộ cuồng nhiệt.

“Từ năm 2017, nhiều động thái cho thấy dòng phim này sẽ bị thắt chặt. Nhưng các nhà làm phim vẫn mải mê theo đuổi lợi nhuận, không chịu buông tay sản xuất”, Sohu cho biết.

Lịch sử bị xuyên tạc, phi tần vợ vua như ở chốn lầu xanh?

Trong bài đăng hôm 25/1, Bắc Kinh nhật báo chỉ trích các phim cung đấu gay gắt. Đồng thời, tờ báo này còn trích dẫn ý kiến của một đại diện trong ngành văn hóa để vạch 5 “đại tội”.

Theo đó, lỗi thứ nhất, nhiều bạn trẻ đã bị ám ảnh bởi lối sống hoàng cung, sử dụng câu từ trong phim thời phong kiến để đưa vào cuộc sống thường nhật. Thứ hai, những mưu mô thủ đoạn trong phim cung đấu ảnh hưởng xấu đến xã hội hiện tại.

Thêm vào đó, các phim về đề tài cổ trang cung đấu vô tình biến những nhân vật lịch sử như hoàng đế và các phi tần trở thành giới thần tượng, mất đi giá trị lịch sử.

Thứ 4, các phim đều đề cao chủ nghía vật chất, cổ vũ lối sống xa xỉ. Điều cuối cùng, phim cung đấu không có giá trị đạo đức văn hóa mà chỉ mang lại tiền cho các nhà sản xuất.

Theo QQ, cơ quan quản lý văn hóa đã “tức nổ mắt” khi xem Hậu cung Như Ý truyện. Ở đó, vua Càn Long trở thành người đàn ông bạc tình bạc nghĩa. Phụ nữ trong cung chỉ là quân cờ của nhà vua.

 Chân Hoàn truyện tạo nên thời của dòng phim cung đấu.

“Những bộ phim cung đình như thế đang quảng bá hình ảnh tồi tệ về văn hóa phong kiến Trung Quốc. Tại sao chúng ta lại đổ xô làm?”, QQđặt câu hỏi.

Trên Toutitao, những cư dân mạng gay gắt hơn chỉ trích dòng phim cổ trang cung đấu chẳng khác nào tuyển chọn kỹ nữ lầu xanh. Khán giả ca thán khi những nhân vật lịch sử được thêu dệt thái quá.

Trong Diên Hi công lược, Lệnh Phi được khắc họa là người người đàn bà thông minh, dịu dàng, biết ơn hiểu nghĩa. Nhưng sang đến Hậu cung Như Ý truyện, nhân vật này lại là kẻ phản diện.

Diễn viên Lý Tuyết Kiện cho rằng mọi tác phẩm nghệ thuật đều cần tôn trọng lịch sử và mang lại giá trị tích cực trong cuộc sống. Việc phim cung đấu có thể bị hạn chế là điều nên làm.

Chiến dịch siết chặt ngành điện ảnh, truyền hình

Trên QQ, một đạo diễn nhận định: “Tôi chưa nghĩ sẽ có lệnh cấm vĩnh viễn với dòng phim cung đấu. Tổng cục Điện ảnh Phát thanh và Truyền hình chưa nặng tay đến độ đó. Tuy nhiên, việc khống chế số lượng là điều chắc chắn xảy ra”.

Tổng cục Điện ảnh Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc từng có văn bản chị thỉ rõ việc cấm phát sóng các phim "xuyên không" ngược thời gian như Bộ bộ kinh tâm hay Cung tỏa tâm ngọc, phim thể loại đồng tính hay có cảnh mua bán dâm, ngược đãi. Phim cổ trang cũng bị giới hạn phát sóng. Mỗi năm, các đài truyền hình đều có định mức phát sóng phim cổ trang.

Theo Sina, quy định của cơ quan chức năng đang gây ra những phản ứng trái chiều từ dư luận. Khán giả cho rằng, phim ảnh đơn thuần với mục đích giải trí và việc “xử ép” các nhà đài như vậy là lợi dụng quyền lợi quá mức.

Võ Mỵ Nương truyền kỳ cũng ăn khách nhờ nội dung về cuộc chiến chốn thâm cung. 

Ông Trương Quân Hàm, giám đốc một hãng phim bức xúc: “Cấm các cảnh yêu sớm hay ngoại tình là điều quá khó với dòng phim hiện đại. Đó là một vấn đề của xã hội, tại sao lại cấm?”.

"Nếu cấm dòng phim cung đấu nữa thì các nhà truyền hình còn thể loại phim nào sản xuất", ông nói thêm.

Trong khi đó, cơ quan quản lý văn hoá Trung Quốc đánh giá trong khoảng 5 năm trở lại đây, phim có kịch bản từ tiểu thuyết ngôn tình trở thành “hàng hot”, xu thế mới của các nhà làm phim.

“Chúng ta xem phim và phải hiểu rằng, phim ảnh không chỉ là giải trí mà còn bao hàm cả tư tưởng văn hóa. Các bạn trẻ xem phim phải thấy được sức sống thời thanh xuân, tư tưởng phấn đấu. Nhưng những bộ phim hiện nay không có giá trị này, không thực tế, vô bổ”, ông Vưu Tiểu Cương, đại diện Hiệp hội phim truyền hình Trung Quốc phát biểu.

Ông Vưu khẳng định: “Phim truyền hình không phải là mỳ ăn liền. Một tác phẩm hay cần mang giá trị hình ảnh, nội dung và ý nghĩa hiện thực”.

Nguồn: Zing News

Tin mới