Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao nước Nga có nhiều ngày Tết?

(VTC News) -

Thế giới chọn ngày 1/1 để khởi đầu cho một năm mới, trong khi đó người Nga đón năm mới với nhiều ngày Tết khác nhau.

Vì sao chọn 1/3?

Nước Nga cổ đại chọn ngày 1/3 là Tết. Về sự bắt nguồn của ngày này, các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn chưa thể giải đáp. Tuy nhiên, họ đưa ra giả thiết cho rằng tháng 3 là thời điểm bắt đầu làm nông.

Một giả thiết khác là 1/3 là ngày đầu tiên của năm mới theo lịch La Mã cổ đại. Người Nga thời tiền Thiên chúa giáo chọn ngày này bởi trong lịch cổ, đây là tháng đầu tiên trong 10 tháng.

Đế chế Byzantine - vùng đất của Cơ đốc giáo, cũng sử dụng lịch này. Theo kinh thánh, lịch này bắt đầu từ khi tạo ra thế giới. Nó bắt đầu vào khoảng năm 5508 trước khi Chúa Giê-su ra đời. 

Từ khoảng thế kỷ thứ 7, Tết Byzantine bắt đầu vào ngày 1/3. Năm đầu tiên áp dụng ngày này là năm 6496 trong lịch Byzantine. Tuy nhiên, cùng năm đó, Đế chế Byzantine chuyển ngày Tết sang 1/9.

(Ảnh minh họa)

Tết được chuyển sang ngày 1/9?

Từ thế kỷ 10 cho đến năm 1492 ở Nga, ngày 1/9 và ngày 1/3 đều được sử dụng làm ngày đầu tiên của năm mới. 

Trong cuộc sống hàng ngày, ngày Tết được tổ chức vào tháng 3. Tháng 9 thường được dùng trong việc xác định niên đại các tài liệu chính thức như thỏa thuận, hợp đồng, giấy chứng nhận. Tuy nhiên, nhà thờ Chính thống giáo tổ chức Tết vào ngày 1/9, giống Đế chế Byzantine.

Xã hội Nga khi ấy rất mê tín. Họ tin những lời tiên tri được lưu truyền trong dân gian: “Vào cuối thế kỷ 15, ngày 1/9/1492, thế giới sẽ xuất hiện ngày tận thế”. Hầu hết người Nga, ngay cả những người cao quý và có học thức nhất, đều tin vào những lời tiên tri này. 

Đến ngày 1/9/1492 (năm 7001 trong hệ thống lịch Byzantine), lời “tiên tri” đó không xảy ra. Do vậy, Hội đồng Nhà thờ Chính thống giáo Moskva ra quyết định lấy ngày này để đánh dấu một năm mới. Ngày 1/3 chính thức được xóa bỏ hoàn toàn. 

Ngày 1/9 từ đó được cho là ngày sụp đổ của đế chế Byzantium. Chính quyền mới khẳng định, chỉ có Moskva mới là nhà nước Chính thống giáo thực sự.

Peter Đại đế chuyển Tết sang ngày 1/1

Trong hơn 200 năm, từ 1492-1699, người dân Nga, cũng như Nhà thờ Chính thống, tổ chức lễ đón năm mới vào ngày 1/9. Ngày này trở thành truyền thống lâu dài của người Nga.

Trong khi đó, người châu Âu sống theo các hệ thống lịch hoàn toàn khác - đầu tiên là lịch Julian, được gọi là “Phong cách cổ” và lịch Gregorian mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay, còn gọi là “Phong cách mới”. Cả hai lịch đều dễ tính và dễ đọc hơn nhiều so với lịch Byzantine. Theo lịch này, ngày 1/1 là ngày đầu của năm mới.

Lịch của nước Nga thế kỷ 19. (Ảnh: RBTH)

Peter Đại đế luôn coi thương mại quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng của sự phát triển của Nga. Ông hiểu rằng để giao thương thành công với châu Âu, người Nga phải giống người châu Âu hơn, học ngoại ngữ và phải đón Tết giống người châu Âu.

Việc mỗi nơi có ngày đón năm mới khác nhau khiến Nga sụt giảm về kinh tế. Vì ở châu Âu, đầu tháng 9 là thời gian thực hiện các giao dịch và ký kết các hợp đồng. Trong khi đó, người Nga được nghỉ hơn một tuần để ăn mừng năm mới. Đối với Peter Đại đế, điều này không thể chấp nhận.

Vào ngày 19/12/7208 (theo phong cách Byzantine), Peter Đại đế ban hành một sắc lệnh: Ngày 31/12/7208 sẽ được gọi là ngày 1/1/1700. 

Peter Đại đế cũng đưa ra cách tổ chức năm mới “theo cách của người châu Âu”: Sau khi cầu nguyện, chúng ta cần trang trí nhà và cổng bằng những cành thông, vân sam hoặc bách xù. Chúng ta chúc mừng nhau vào đầu năm mới và thế kỷ mới. Peter cho phép mọi người dân được tự do sử dụng pháo hoa, và thắp đèn lễ hội trong sân của họ, từ ngày 1 đến ngày 7/1.

Để giữ gìn truyền thống, ông cho duy trì lịch Julian, tức ngày lễ Giáng sinh và năm mới nước Nga đón chậm hơn các nước châu Âu 13 ngày. 

Rạng sáng 1/1/1700, nước Nga lần đầu tổ chức lễ đón năm mới bằng cuộc diễu binh và đốt pháo hoa tưng bừng tại Moskva.

Từ năm 1704 trở đi, dịp đón năm mới được tổ chức rầm rộ tại Sankt Peterburg. Đầu tiên là các cuộc đi dạo trong các trang phục hóa trang và đức vua cũng tham gia nhiệt tình cùng dòng người vui vẻ đó. Việc đi dạo và nhảy múa trong các trang phục hóa trang là bắt buộc. Ai giả ốm mà bị phát hiện sẽ bị phạt uống một hơi hết 1 vại vodka. Sau đi dạo, nhảy múa là ăn uống tại nhà. 

Tại Hoàng cung, khoảng 80-100 người sẽ quy tụ quanh Sa hoàng. Cửa ra vào bị khóa trái. Tất cả mọi người phải ở lại đây để ăn uống vui vẻ trong 3 ngày. Uống đến “bò lê bò càng” mới thôi. 

Tuy nhiên, việc thay đổi ngày đón mừng năm mới không phải được xã hội tiếp nhận hoàn toàn. Nhiều người dân “hoài cổ”, vẫn lén lút tổ chức Tết cũ (vào ngày 1/9). Việc này bị đức vua phát hiện, ông sử dụng hình phạt nặng đối với những người “hoài cổ”. 

Người Bolshevik áp dụng lịch Gregorian

Năm 1918, lịch Gregory được những người Bolshevik thông qua. Vào đầu thế kỷ 20, sự khác biệt giữa lịch Julian và lịch Gregorian là 13 ngày.

Bìa lịch Liên Xô theo “phong cách mới’. (Ảnh: RBTH)

Vào ngày 26/1/1918 (lịch Julian), nhà lãnh đạo Vladimir Lenin ký sắc lệnh giới thiệu lịch Gregorian ở Nga.

Cuối cùng, Nga và hầu hết thế giới bắt đầu sống theo cùng một lịch. Tuy nhiên, Nhà thờ Chính thống Nga vẫn giữ lịch Julian. Do đó, Tết Chính thống vẫn bắt đầu vào ngày 1/9 theo lịch Julian.

Kông Anh (Nguồn: RBTH)

Tin mới