Có một thực tế là khi phải chờ đợi hay ngồi trong một phòng họp nhàm chán, bạn luôn cảm thấy thời gian như ngừng trôi. Nhưng khi tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ của ngày cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ thì thời gian có thể trôi qua trong chớp mắt.
Không ít người ngỡ ngàng khi quay đi quay lại đã hết một năm và cũng giật mình khi chớp mắt cái thôi mà đã hết Tết.
Lý giải của các nhà khoa học
Vì sao những ngày lễ, Tết luôn trôi qua thật nhanh? Đã có nhiều nhà nghiên cứu lý giải thích hiện tượng này và cho chúng ta câu trả lời chính xác từ góc độ khoa học.
Thiên tài Albert Einstein từng nói, thời gian là tương đối, không phải thời gian lúc nào cũng trôi qua với tốc độ như nhau. Một giờ đúng bằng 60 phút, nhưng nhận thức về nó có thể có sự khác biệt.
Theo nhà thần kinh học nhận thức Muireann Irish (Đại học Sydney, Australia), cảm nhận thời gian khác nhau xảy ra khi chúng ta đang mong chờ điều gì đó.
"Nếu chúng ta đang chờ đợi một điều gì đó xảy ra, thời gian có thể bị kéo giãn ra và thực sự ta cảm thấy nó lâu hơn rất nhiều. Thời gian thậm chí có thể trôi chậm hơn nếu bạn thuộc tuýp người bốc đồng, bồn chồn hoặc tức giận khi không đạt được điều mình muốn ngay lập tức", tiến sỹ Irish nói.
Còn trong một nghiên cứu khác của nhà tâm lý học người Đức Marc Wittmann, những người bị buộc phải ngồi trong phòng mà không được làm gì trong 7,5 phút có cảm nhận về tốc độ thời gian khác nhau, tùy thuộc vào việc họ là người thế nào. Một số người cho rằng họ chỉ mới trải qua 2,5 phút, trong khi những người bốc đồng thì có cảm giác như 20 phút đã trôi qua.
Vì vậy, không chỉ các yếu tố bên ngoài mà tâm lý, tâm trạng, tính cách cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của con người về thời gian.
Vì sao những ngày Tết luôn trôi qua thật nhanh? (Ảnh minh họa: Home Hanoi Xuan)
Thời gian có thể trôi thật nhanh khi bạn ít để ý nó nhất, chẳng hạn khi bạn đang vui vẻ. Nếu đang tập trung vào điều gì đó vui vẻ thì chúng ta ít chú ý đến việc thời gian trôi qua hơn. Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn bận.
"Nếu làm nhiều việc một lúc và cực kỳ bận rộn, chúng ta có thể thấy một ngày trôi qua cực kỳ nhanh chóng và chúng ta không biết tất cả thời gian đó đã đi đâu", TS Irish nhận định.
Ý kiến này cũng được TS Wittmann đồng tình. Theo ông, đôi khi làm việc theo bản năng hoặc theo thói quen có thể khiến thời gian trôi nhanh đến mức chúng ta bị căng thẳng.
Do cảm nhận bản năng nên tất cả chúng ta trong những ngày đầu năm đều thấy Tết đến và đi như một cơn gió, chớp mắt một cái là bỗng thấy mình đang ở trường học hay công ty sau kỳ nghỉ Tết chóng vánh. Chúng ta phải đợi xấp xỉ 360 ngày mới tới kỳ nghỉ Tết tiếp theo.
Vào những năm 1800, triết gia người Pháp Paul Janet nhận định rằng khả năng nhận thức thời gian tỷ lệ thuận với khoảng thời gian chúng ta đã sống. Chính vì vậy, một năm trong cuộc đời của đứa trẻ 5 tuổi dường như dài hơn một năm trong cuộc đời của người 80 tuổi.
Theo giải thích của nhà thần kinh học David Eagleman, khi trải nghiệm được lặp lại thường xuyên thì các tế bào thần kinh sẽ ít được kích hoạt hơn. Ký ức về những trải nghiệm mới lạ, phong phú khiến các tế bào thần kinh được kích hoạt nhiều hơn. Nhận thức của chúng ta về thời gian dựa trên số lượng ký ức đáng nhớ của chúng ta.
Khi còn trẻ, chúng ta có nhiều trải nghiệm rõ ràng hơn như buổi hẹn hò đầu tiên, kết hôn, sinh con đầu lòng... nhưng khi già đi, chúng ta thường rơi vào thói quen và có ít trải nghiệm mới hơn.
Qua những lý giải trên, có thể thấy càng trải qua nhiều trải nghiệm mới lạ và càng có nhiều ký ức, chúng ta sẽ càng cảm thấy thời gian được kéo dài.
Tuy nhiên, cuộc sống của người nhiều tuổi có xu hướng lặp lại thường xuyên về công việc, gia đình và trách nhiệm. Những trải nghiệm mới ngày càng ít và thời gian dường như càng trôi qua nhanh chóng khi chúng ta già đi.