Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao nguồn thu quảng cáo 'chảy vào túi' Google, Facebook?

(VTC News) -

Quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 820 triệu USD, trong đó 80% “miếng bánh” doanh thu vào túi Google, Facebook...

Theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 820 triệu USD. Dự báo năm 2021, mức doanh thu này đạt khoảng 955 triệu USD. Trong đó, có đến 80% “miếng bánh” doanh thu vào túi các "ông lớn" Google, Facebook...

Từ ngày 1/6/2021, Nghị định 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, trước đó ít ngày, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam trong kiến nghị của mình đã chỉ ra một số điểm bất cập trong Nghị định mới này, đó là quy định xử phạt “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” và “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào nội dung tin bài”.

80% “miếng bánh” doanh thu quảng cáo vào túi Google, Facebook...(Ảnh minh họa)

Một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo cho rằng, về lý thuyết, doanh nghiệp sẽ chi tiền quảng cáo cho kênh nào có nhiều người xem và mang lại hiệu quả cao. Nên khi quảng cáo ở kênh nào khó khăn thì các doanh nghiệp sẽ tìm đến kênh khác.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, quảng cáo trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Dẫn đầu về thị phần, doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam hiện nay là các nền tảng xuyên biên giới Facebook và Google. 

Với quy định như trên, chuyên gia này cho rằng, trong thời gian tới không chỉ 80% nguồn tiền quảng cáo chảy vào túi các "ông lớn" như Google, Facebook mà thậm chí sẽ hơn thế nữa. Mặc dù nhà nước khuyến khích các nhãn hàng quảng cáo trên báo chí Việt Nam nhưng với quy định siết chặt như thế thì các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ lại phải quay ra quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube…

Như vậy, nếu quảng cáo trên báo chí của các doanh nghiệp trong nước đang bị siết chặt bởi quy định nghiêm ngặt của Nghị định này thì các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới lại được tạo lợi thế một cách tự nhiên bởi tiêu chuẩn, nguyên tắc hoạt động của họ cũng như chúng ta chưa xử lý được sai phạm của các nền tảng này khi không có trụ sở tại Việt Nam. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước/các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới…

Đại diện Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho rằng, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của những cơ quan báo chí điện tử vốn chủ yếu trông vào quảng cáo. Nếu quảng cáo đăng trên các báo điện tử chỉ 1,5 giây và không được đăng chèn vào nội dung thì không doanh nghiệp nào muốn đăng quảng cáo vì sẽ không có hiệu quả.

"Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây là thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp. So sánh với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, giao diện hiện tại cho phép người xem chỉ có thể bỏ qua quảng cáo sau ít nhất là 05 giây", Hiệp hội Quảng cáo kiến nghị.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Nghị định 38 là văn bản dưới luật nên không thể làm sai luật. Do đó, điều quan trọng nhất là phải kiến nghị để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Quảng cáo.

Ông Nguyễn Quang Nhật, Chủ nhiệm câu lạc bộ quảng cáo ngoài trời TP.HCM chia sẻ, số lượng doanh nghiệp quảng cáo, Agency của Việt Nam khá nhiều nhưng thực tế thu 10 đồng đã phải chi 7 đồng cho Google, Facebook. Nguồn kinh phí quảng cáo dành cho các cơ quan báo chí sẽ càng ngày càng khó khăn hơn.

Theo một doanh nghiệp có thâm niên quảng cáo online hơn chục năm, báo chí hiện nay đang bị vướng giữa vấn đề thu phí độc giả người dùng và thu phí quảng cáo. Do không thu phí người dùng nên báo chí chỉ có thể thu phí từ hoạt động quảng cáo.

Trong thu phí quảng cáo có một số định dạng và nếu quy định chỉ để 1,5 giây là quá ngắn, thiếu cơ sở thực tế và cần phải được nghiên cứu để kéo dài thời gian hơn. Hiện nay, các nền tảng quảng cáo trên OTT như YouTube thường là 5-6 giây và có báo cho người dùng biết có thể/sẽ tắt sau bao nhiêu giây.

Hồng Yến

Tin mới