Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao Nga bị động trong các cuộc không kích sân bay của Ukraine?

(VTC News) -

Những tháng gần đây, các sân bay hậu phương của Nga chịu thiệt hại đáng kể bởi các cuộc không kích từ Ukraine.

Theo Reuters, hôm 3/8, quân đội Ukraine không kích sân bay Morozovsk ở miền nam nước Nga và làm hư hại 3 chiếc Su-34.

Ngày 27/7, tờ Pravda của Ukraine đưa tin máy bay không người lái (UAV) nước này tấn công trúng một máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 đậu tại căn cứ không quân Olenya ở miền bắc nước Nga. Trước đó, tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga cũng bị tấn công và hư hại.

Bị tấn công nhiều lần vào sân bay nhưng vì sao Nga vẫn luôn bị động và khó chống trả các cuộc không kích của Ukraine?

Bài học từ Chiến tranh Sáu ngày

Chiến tranh Trung Đông lần thứ ba (còn được gọi là Chiến tranh sáu ngày) nổ ra vào ngày 5/6/1967 được xem là bước ngoặt thúc đẩy sự tiến bộ của các phương pháp phòng không hiện đại.

Vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, Ai Cập bị không quân Israel đột kích. Chỉ trong 20 phút, gần 400 máy bay chiến đấu của Ai Cập đã bị tiêu diệt, phần lớn thậm chí còn chưa kịp cất cánh.

Bức tranh miêu tả lại Chiến tranh Sáu ngày. (Ảnh: China News)

Nguyên nhân dẫn đến những tổn thất nặng nề như vậy chủ yếu là do Ai Cập lơ là phòng không sân bay.

Đầu tiên, sân bay quân sự Ai Cập áp dụng cách bố trí đường băng giao nhau ở giữa. Quân đội Israel đã cho nổ tung giao lộ và cả hai đường băng bị tê liệt cùng lúc.

Bên cạnh đó, hầu hết các máy bay chiến đấu Ai Cập đều được "xếp thành hàng". Một khi gặp không kích, chúng dễ dàng bị đối phương "tiêu diệt" dọc theo trục tấn công.

Ngoài ra, quân đội Ai Cập đã đậu máy bay thành từng nhóm trong một nhà chứa máy bay ngoài trời. Do không có mái che bảo vệ nên chúng dễ dàng bị phá hủy bởi bom chùm của Israel.

Cuối cùng là lực lượng phòng không Ai Cập chịu trách nhiệm bảo vệ sân bay đã không thể bao phủ hiệu quả các khu vực trọng điểm bằng hỏa lực, tạo điều kiện cho quân đội Israel triển khai tấn công.

Nhà chứa máy bay kiên cố

Sau Chiến tranh Sáu ngày, nhiều quốc gia đã rút bài học cũng như tìm các cách cải thiện và tăng cường khả năng phòng không của sân bay, bao gồm xây dựng các nhà chứa máy bay phi tập trung kiên cố.

Tuy nhiên, trong những năm 1980 và 1990, với sự xuất hiện của bom phá hầm ngầm hạng nặng, các nhà chứa máy bay kiên cố dần trở nên lỗi thời.

Như trong Chiến tranh vùng Vịnh, một báo cáo của tổ chức nghiên cứu Mỹ cho biết, các hầm chứa máy bay của không quân Iraq lúc bấy giờ đều là những nhà chứa máy bay được gia cố theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ.

Nhà chứa là khung thép bê tông có lớp bảo vệ dày khoảng 0,5 m và cửa bảo vệ bằng bê tông cốt thép dày 0,3 m, đủ sức chịu được làn sóng xung kích nổ của bom trên không truyền thống và các đòn tấn công trực tiếp của đạn con.

Dù vậy, quân đội Mỹ vẫn có thể phá hủy khoảng 140 máy bay chiến đấu của Iraq đậu trong nhà chứa bằng cách thả bom dẫn đường bằng laser GBU-24 và GBU-27 nặng một tấn và được trang bị đầu đạn xuyên giáp.

Nga tự tin quá hóa chủ quan

Dù có nhiều bài học trong quá khứ nhưng cho đến ngày nay, quân đội Nga vẫn áp dụng phương thức triển khai “bãi đậu lộ thiên và nhà chứa máy bay kiên cố”.

Sự tự tin của Nga không chỉ bắt nguồn từ việc nước này kiểm soát được vùng trời lãnh thổ mà còn bởi hầu hết các sân bay của nước này đều nằm ở hậu phương, cách tiền tuyến với Ukraine từ 600 đến 1.800 km. Tên lửa hành trình Storm Shadow được NATO sử dụng để hỗ trợ Ukraine có tầm bắn tối đa hơn 500 km, về mặt lý thuyết là nằm ngoài tầm với.

Ảnh vệ tinh chụp căn cứ Engels, nơi đậu số lượng lớn máy bay chiến đấu Nga. (Ảnh: Maxar)

Bất ngờ thay, tháng 12/2022, căn cứ không quân Engels, nơi đậu số lượng lớn máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-160, bị UAV Ukraine tấn công từ khoảng cách xa.

Sau khi điều tra, người ta phát hiện UAV của Ukraine được cải tiến từ máy bay trinh sát Tu-141 với tầm bay 1.000 km. Tuy nhiên, vì tổn thất nhỏ nên quân đội Nga không mấy quan tâm đến vụ việc, để rồi diễn biến sau đó của xung đột cho thấy người Nga quả thực đã đánh giá thấp đối thủ của mình.

Kể từ đầu năm nay, các cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào các sân bay sâu trong lãnh thổ Nga dù không thường xuyên nhưng chưa bao giờ bị ngăn chặn hoàn toàn.

Lấy vụ tấn công căn cứ không quân Akhtubinsk ngày 8/6 làm ví dụ. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, đây là một trong số ít sân bay Nga có tiêm kích tàng hình Su-57 đồn trú thường xuyên và cách tiền tuyến khoảng 600 km.

Để gây nhầm lẫn cho đối thủ, quân đội Nga đã vẽ mục tiêu giả phẳng hai chiều cạnh đường băng Su-57. Tuy nhiên, phương pháp ngụy trang sơ sài này không thể đánh lừa được các vệ tinh trinh sát hiện đại có độ phân giải cao. Cuối cùng, cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine đã thành công khi phá hủy một chiếc Su-57.

Vụ việc cũng cho thấy hệ thống cảnh báo sớm tầm xa của Nga có thể tồn tại những lỗ hổng lớn và thiếu các phương tiện hiệu quả để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa tầm xa.

Nga thiếu máy bay cảnh báo sớm?

Trong các hệ thống phòng không hiện đại, một chiếc máy bay cảnh báo sớm có khả năng phát hiện 360 độ không có điểm mù với khoảng cách xa là một phần không thể thiếu và vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, kể từ khi xung đột nổ ra, có rất ít tin tức về việc điều động máy bay cảnh báo sớm của Nga.

Ngoài vấn đề bảo mật, nguyên nhân quan trọng hơn có thể là số lượng máy bay cảnh báo sớm của Nga không nhiều. Theo Forbes, quân đội Nga được trang bị 9 máy bay cảnh báo sớm A-50 trước xung đột.

Máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga. (Ảnh: Quân đội Nga)

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng do mất 2 máy bay cảnh báo sớm trong năm nay, quân đội Nga có thể chỉ còn lại 7 chiếc A-50.

Xét đến chiến tuyến dài và lãnh thổ rộng lớn của Nga, quân đội nước này khó có thể tập trung sử dụng những chiếc A-50 này theo một hướng chiến lược nhất định, cũng như không thể mạo hiểm đưa chúng đến Ukraine để thực hiện nhiệm vụ giám sát trên không.

Ngày 4/8, các máy bay chiến đấu F-16 do NATO cung cấp đã được đưa vào thực chiến tại Ukraine. Một số nhà phân tích cho rằng F-16 có thể mang tên lửa không đối không tầm trung với tầm bắn 115 km, điều này có thể làm giảm thêm không gian hoạt động và phạm vi cảnh báo sớm A-50 Nga.

Hiện tại, quân đội Nga chỉ có thể dựa vào một số radar phòng không mặt đất tầm xa và một số hệ thống phòng không S-400, S-300 được triển khai tại thực địa để tìm kiếm mục tiêu trên không. Trong trường hợp này, sẽ khó đạt được "bao phủ toàn bộ" vùng trời rộng lớn.

Chiến thuật ứng phó của Nga

Hiện tại, quân đội Nga đang áp dụng cách tiếp cận đa hướng và không ngừng nghiên cứu các kỹ - chiến thuật chống UAV hiệu quả.

Có thể kể đến chiến thuật "tiêu diệt mềm" thông qua việc triệt tiêu gây nhiễu điện tử định hướng hoặc công suất cao. Đồng thời, sử dụng các phương tiện "tiêu diệt cứng" như súng ngắn, tên lửa phòng không và súng phòng không để bắn hạ UAV của đối phương.

Theo Newsweek, cuối tháng 7, quân đội Nga đã triển khai hệ thống phòng không Pantsir-S1 nhằm đề phòng bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra gần nơi ở của Tổng thống Nga Putin tại Valdai, một thị trấn phía tây bắc Moskva.

Hệ thống phòng không Pantsir-S1 phóng tên lửa. (Ảnh: Sputnik)

Cả Nga và Ukraine đều đang cố gắng sử dụng UAV để chống UAV. Trang Aviator của Mỹ gần đây đã chia sẻ một đoạn video về trận không chiến giữa các UAV. Trong video, một UAV của Ukraine được trang bị gậy liên tục tấn công vào cánh quạt đuôi và cánh của một UAV Nga.

Những trận không chiến đặc biệt như vậy đang trở nên phổ biến trên chiến trường Nga - Ukraine.

Ngoài ra, lực lượng Nga và Ukraine cũng đang sử dụng UAV trinh sát để lùng sục nơi ẩn náu của đối thủ, sau đó sử dụng UAV cảm tử hoặc xác định vị trí để pháo binh tấn công.

Các cuộc không kích và phản công giữa hai bên vẫn chưa biết khi nào đến hồi kết.

Hoa Vũ (Nguồn: China News)

Tin mới