Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao Mỹ phải 'săn tìm' pháo phòng không Gepard cho Ukraine?

(VTC News) -

Từng bị vứt bỏ và xem như tàn tích thời Chiến tranh Lạnh, thế nhưng chiến trường Ukraine lại cho thấy sự quan trọng của những vũ khí phòng không tầm ngắn như Gepard.

Quân đội Mỹ đã trao cho một công ty có trụ sở tại Florida hợp đồng trị giá hơn 118 triệu USD, để cung cấp thêm pháo phòng không tự hành Gepard 35 mm do Đức sản xuất tới quân đội Ukraine. Những chiếc Gepard được đề cập có vẻ là các biến thể cũ của Hà Lan, sau đó được bán cho Jordan khoảng một thập kỷ trước.

Hợp đồng 118 triệu USD cho Ukraine

Lầu Năm Góc đã công bố thỏa thuận của quân đội với công ty Global Military Products, ở Tampa, Florida hôm 31/5. Đức đã cung cấp hàng chục phương tiện này cho các lực lượng vũ trang của Ukraine và lực lượng này đã sử dụng chúng rất hiệu quả, đặc biệt trong nhiệm vụ chống lại các tên lửa hành trình và máy bay không người lái của Nga.

Thương vụ mua pháo phòng không tự hành Gepard mới của Mỹ đang được tài trợ thông qua Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), được thành lập trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. 

Pháo phòng không tự hành Gepard của Đức.

Cơ chế hỗ trợ an ninh này nhằm mục đích thay mặt cho Ukraine, mua vũ khí và các thiết bị khác, cùng với các dịch vụ đào tạo. Ngoài ra, USAI có thể được sử dụng để mua các mặt hàng chưa có trong kho vũ khí của Mỹ, chẳng hạn như Gepard.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu chiếc Gepard đang được mua cho Ukraine thông qua hợp đồng với quân đội Mỹ hoặc khi nào chúng được chuyển giao cho Ukraine. Bản hợp đồng không nói rõ ràng các phương tiện đến từ đâu, nhưng có tiết lộ rằng công việc sẽ được thực hiện ở Amman, Jordan, với ngày hoàn thành ước tính là 30/5/2024. 

Điều này cũng ngụ ý rằng các phương tiện cần được tân trang lại ở một mức độ nào đó hoặc bảo dưỡng trước khi chúng có thể được bàn giao. Các phóng viên của tạp chí War Zone đã liên hệ để biết thêm thông tin.

Jordan đang sở hữu những chiếc Gepard và rất có thể chúng đã được mua để chuyển giao cho Ukraine. Năm 2013, chính phủ Hà Lan đã đạt được thỏa thuận bán 60 chiếc Gepard đã bị loại khỏi biên chế cho quân đội Jordan. 

Thỏa thuận cũng bao gồm 350.000 viên đạn 35 mm và phụ tùng thay thế, cùng một số các mặt hàng đi kèm khác. Các lực lượng vũ trang Hà Lan đã mua tổng cộng 95 chiếc Gepard bắt đầu từ những năm 1970 và đã đưa những phương tiện này vào kho niêm cất từ năm 2006.

Những chiếc Gepard của Hà Lan khác với các biến thể được sản xuất trong Chiến tranh Lạnh dành cho quân đội Tây Đức. Phiên bản của Hà Lan có radar tìm kiếm băng tần X và radar theo dõi có thể hoạt động ở cả băng tần X và Ka. Đức cũng đã cho loại biên Gepard, nhưng các phiên bản của nó vẫn đang phục vụ ở Brazil và Romania.

Tất cả các biến thể của Gepard đều có một cặp pháo tự động 35mm gắn trên tháp pháo cùng với các radar tìm kiếm và theo dõi. Các phương tiện này sử dụng thân và khung gầm dựa trên thiết kế của xe tăng Leopard 1.

Một khẩu pháo phòng không Gepard của Ukraine.

Vai trò của Gepard

Gepard được thiết kế để sử dụng trong vai trò phòng thủ điểm chống lại máy bay bay thấp, trực thăng và các mối đe dọa trên không khác. Các khẩu pháo 35mm của Gepard cũng có thể được sử dụng để hủy diệt các mục tiêu trên mặt đất.

Các biến thể của Đức mà Ukraine được nhận đã được chứng minh là cực kỳ hiệu quả, đặc biệt là chống lại tên lửa hành trình cận âm và máy bay không người lái. Hai loại vũ khí này hiện là phương tiện chính của Nga để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa, khiến Gepard trở thành sự bổ sung đặc biệt có giá trị cho kho vũ khí phòng không của quân đội Ukraine.

Ukraine đã nhận ít nhất 34 chiếc Gepard từ Đức và sắp tới sẽ nhận thêm 18 chiếc nữa. Gepard có khả năng di chuyển tốt trên địa hình, giúp chúng linh hoạt hơn nếu có yêu cầu triển khai đến một địa điểm khác hoặc cơ động theo hỗ trợ các binh sĩ đang di chuyển. 

Ngoài ra, các radar của Gepard cung cấp cho hệ thống khả năng phát hiện, theo dõi và tấn công các mục tiêu vào ban đêm và trong thời tiết xấu. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt đối với các lực lượng Ukraine, do nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga diễn ra sau khi mặt trời lặn.

"Hệ thống phòng không này có một hệ thống máy tính tự động giúp chúng tôi phát hiện, bắt (theo dõi) mục tiêu và giúp chúng tôi tiêu diệt các mối đe dọa từ sớm", một xạ thủ Gepard của Ukraine nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5. 

Tuy nhiên có một vấn đề quan trọng là nguồn cung cấp đạn dược cho pháo Gepard 35mm. Những khẩu pháo này và đạn dược của nó được sản xuất chủ yếu ở Thụy Sĩ, nhưng nhà chức trách ở quốc gia này đã nhiều lần từ chối cho phép xuất khẩu đạn 35mm, kể cả đạn mà các quốc gia khác mua từ Thụy Sĩ sang Ukraine với lý do chính sách trung lập. 

Điều này đã trở thành một vấn đề lớn và khiến chính phủ Đức phải thông báo vào tháng 2 vừa qua rằng, họ đã ký một thỏa thuận với nhà thầu quốc phòng trong nước Rheinmetall để khởi động lại việc sản xuất đạn 35mm.

Hiện chưa rõ quốc gia nào sản xuất loại đạn 35mm mà Hà Lan bán cho Jordan cùng với 60 chiếc Gepard vào năm 2013, hoặc còn bao nhiêu đạn trong số 350.000 viên đạn được Jordan mua từ 10 năm trước, chúng có thể đã bị sử dụng và tiêu hao do quá trình huấn luyện và sử dụng.

Đức cũng đã tìm cách mua lại đạn 35mm do Đức sản xuất từ ​​Brazil, tuy nhiên chính phủ hiện tại của quốc gia này được cho là đã từ chối cho phép.

Một khẩu pháo phòng không Gepard của Jordan.

Hệ thống phòng không tầm thấp của Mỹ

Các tài sản phòng không tầm ngắn (SHORAD) của quân đội Mỹ bị suy giảm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khi đó, giới chuyên gia quân sự tin rằng các cuộc xung đột trong tương lai Mỹ có thể tham gia sẽ rất khó xảy ra các mối đe dọa từ trên không. 

Việc quay trở lại cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc với các quốc gia ngang hàng như Trung Quốc và Nga, cùng với sự bùng nổ trong việc sử dụng máy bay không người lái, đã dẫn đến sự đảo ngược trong thái độ của Mỹ về vấn đề SHORAD.

Đồng thời, quân đội Mỹ đã cố gắng khôi phục các khả năng này, vào năm 2021, Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống SHORAD di động mới đầu tiên của mình, phương tiện Phòng không Tầm ngắn Cơ động (M-SHORAD) dựa trên khung xe chiến đấu Stryker 8x8. M-SHORAD đang thay thế các hệ thống phòng không Avenger dựa trên khung xe Humvee, một số trong đó hiện cũng đang được gửi tới Ukraine.

Cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy giá trị của các hệ thống SHORAD, không chỉ Gepard, mà phần lớn các vũ khí phòng không tầm ngắn đã bị loại bỏ đi như một di tích của Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, quân đội Mỹ đang tìm cách khôi phục lại những vũ khí này và trước mắt là tìm kiếm những thiết bị phòng không như vậy để bổ sung cho lực lượng phòng không Ukraine.

Lê Hưng (Nguồn: The Drive)

Tin mới