Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao long bào của Hoàng đế Trung Quốc không bao giờ được giặt?

10:29 03/05/2023 Phim
(VTC News) -

Long bào của Hoàng đế Trung Quốc là trang phục đặc biệt, thể hiện quyền uy của người đứng đầu nên không thể làm sạch theo cách thông thường.

Trong triều đại phong kiến Trung Quốc, Hoàng đế là bậc chí tôn, có thân phận cao quý nên mọi đồ dùng mà Hoàng đế sử dụng đều là những đồ quý giá. Đặc biệt, tấm áo long bào của Hoàng đế là thứ y phục tôn quý nhất trong thiên hạ, biểu tượng cho quyền uy của bậc đế vương.

Tấm áo long bào của Hoàng đế là y phục cao quý nhất trong thiên hạ.

Sở dĩ gọi là áo long bào là bởi vì trên áo có thêu hình tượng rồng, biểu tượng của Hoàng đế. Trên long bào được thêu 9 con rồng: 2 con rồng ở hai vai, 1 con rồng ở sau lưng, 1 con rồng phủ lấy phần ngực áo, 1 con rồng phủ lấy phần tà áo, 4 con rồng nhỏ được thêu ở phần dưới vạt áo.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia, nhà khoa học lý giải người xưa thường gọi các bậc đế vương là “chân long thiên tử, cửu ngũ chí tôn”. Gọi Hoàng đế là “cửu ngũ” là do bởi ở số học thời cổ phân làm số âm và số dương, chẵn là âm, lẻ là dương. Trong số dương thì số 9 là lớn nhất, số 5 ở giữa. Chữ “cửu” (số 9) hài âm với chữ “cửu” (lâu dài), mang ý nghĩa trường trường cửu cửu, vạn thế vạn đại. Nhân đó mà đã dùng từ “cửu ngũ” để chỉ sự chí cao vô thượng của hoàng đế, thiên tử chính chống, vạn thọ vô cương.

Ngoài 9 con rồng ở trên thì còn có những hình rồng nhỏ ở cổ áo, eo và cổ tay áo, và vô số đường uốn lượn dưới long bào gọi là “chân nước”, không chỉ tượng trưng cho may mắn bất tận mà còn hàm nghĩa “thống nhất giang sơn”, “mãi mãi thái bình”.

Với những ý nghĩa đó, áo long bào chỉ được Hoàng đế mặc trong những đại lễ quan trọng của quốc gia như lễ sắc phong lên ngôi, lễ tế đàn Nam Giao (lễ tế trời), lễ tế đàn Xã Tắc (lễ tế đất), lễ tế Tông Miếu (lễ tế tổ tiên), lễ tiếp các sứ thần…

Hầu hết long bào sẽ có màu vàng, tuy nhiên mỗi triều đại sẽ dựa theo âm dương ngũ hành để quy định màu sắc nào là tôn quý nhất. Thời nhà Tần và thời Tây Hán áo long bào có màu đen; thời Hán Văn Đế áo long bào chuyển sang màu vàng; áo long bào thời Tấn, Tống, Minh thì có màu đỏ… Nhiều triều đại sau này cũng lấy màu vàng làm màu biểu tượng. Hình ảnh chiếc áo long bào màu vàng đã trở nên quen thuộc qua những bộ phim cổ trang. 

Các hoàng đế Trung Quốc trên phim ảnh.

Vì là tấm áo cao quý của Hoàng đế nên quá trình thực hiện sẽ rất kỳ công. Những chất liệu làm long bào đều phải lựa chọn chất liệu tốt nhất, mềm mại, thoải mái như lụa, tơ, gấm… thường sẽ là những vải thượng hạng. Kiểu mẫu và đường nếp phải nhận được sự chấp thuận của hoàng đế và các vị đại thần trong triều đình trước khi được phép hoàn thành kiểu mẫu sau đó sẽ được chuyển giao đến các thợ làm lụa.

Sau khi vải đã hoàn tất, một thợ thủ công sẽ cắt vải và sẽ chuyển đến một thợ may tiếp theo để hoàn tất phần thô của chiếc áo long bào. Sau cùng, chiếc áo sẽ được thêu thêm nhiều hoạ tiết cầu kì bằng chỉ thượng hạng, thậm chí còn được làm từ vàng thật, kết đá quý, ngọc trai cùng bột dạ minh châu vô giá.

Vì chủ yếu là làm thủ công, nhiều công đoạn, nên để có một chiếc áo long bào, các thợ thủ công phải mất 3 năm để hoàn thành. Thậm chí, trong khuôn viên triều đình còn có một nhà may chuyên dụng để may y phục cho nhà vua và hoàng tộc.

Hoàng đế Trung Quốc mặc long bào trong những dịp trọng đại. (Ảnh trong phim Hậu cung Như Ý truyện).

Tấm áo long bào của Hoàng đế có quy định bảo quản nghiêm ngặt. Việc cất giữ long bào và thay áo cho vua đều do những người chuyên môn đảm nhiệm nên cũng sẽ tránh được việc bảo quản không cẩn thận mà gây tổn hại hay cũ rách. 

Một trong những quy định nghiêm ngặt nhất trong việc bảo quản long bào là không được phép giặt bằng nước. Trong Hoàng cung, tất cả quần áo và vật dụng trong cung đều được đem đến tập trung giặt tại Hoán Y Cục. Làm việc giặt giũ tại Hoán Y Cục đều là những người có thân phận vô cùng thấp kém.

Trong khi đó, áo long bào của vua là thứ y phục tôn quý nhất, không thể tùy tiện đem cho những người có thân phận “không tương xứng” giặt giũ, điều này đồng nghĩa với việc sỉ nhục sự tôn nghiêm của hoàng gia. 

Hơn nữa, việc chế tác một chiếc long bào vô cùng phức tạp. Tuy vào từng triều đại mà thiết kế và hình thêu trên áo cũng khác nhau, nhưng đều có chung một điểm là sử dụng chất liệu vô cùng quý hiếm. Do đó không thể tùy tiện dùng nước để giặt, sẽ rất dễ làm hỏng áo.

Áo long bào được thêu bằng loại chỉ đặc biệt nên khi chạm vào nước, sẽ bị rửa trôi và mất đi hoàn toàn độ bóng, không còn sáng và rực rỡ nữa, ngoài ra những hoạt tiết thêu rồng rất dễ bị biến dạng sau khi giặt. Vì thế phương pháp để làm sạch áo long bào được hoàng cung sử dụng là dùng hương liệu để xông, tránh được hư hỏng và giữ cho áo luôn được sạch sẽ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể khử mùi hôi chứ không thể tẩy được một số vết bẩn trên áo long bào.

Về cơ bản, áo long bào không bị bẩn vì tần suất sử dụng ít. Hoàng đế chỉ mặc vào những dịp đại lễ. Bình thường thượng triều, không nhất thiết phải mặc long bào. Áo dùng thường ngày để thượng triều gọi là áo biện. Bởi vậy, trong một năm Hoàng đế có thể chỉ mặc long bào vài lần.

Hơn nữa, long bào là tấm áo khoác mặc bên ngoài, bên trong Hoàng đế còn phải mặc thêm áo khác. Vì vậy tuổi thọ của một chiếc long bào là rất dài bởi dùng những chất liệu cao cấp cộng với việc tần suất sử dụng thấp nên một chiếc áo long bào có thể mặc trong nhiều năm.

Trong nhiều triều đại, để thể hiện sự tôn quý bậc nhất, áo long bào nếu mặc bẩn rồi sẽ không tiếp tục được sử dụng nữa, mà sẽ được thay thế bằng một chiếc áo mới. Trong cung, thường có hơn 2000 nô tỳ quanh năm dệt long bào cho Hoàng đế. Vì thế Hoàng đế không phải chỉ có duy nhất một chiếc áo long bào. Áo long bào cũng chia ra làm nhiều chủng loại và có quy định nghiêm ngặt trong việc sử dụng. Trong từng trường hợp cố định, Hoàng đế mặc đúng loại áo long bào nhất định, thậm chí có những ngày thay tới vài bộ áo long bào.

My Anh

Tin mới