Không cần giở lịch, cứ thấy hoa phượng bung nở từng chùm đỏ ối là già trẻ đều biết năm học sắp kết thúc. Phượng được trồng khắp nơi trên đất Việt vì loại cây này có tính thích nghi rất cao dù đó là vùng đất mặn ven biển hay ở nơi gò đồi sỏi đá giếng đào sâu gần trăm mét mới thấy nước.
Có một thành phố vì yêu quá hoa này đâu đâu cũng trồng phượng và người ta gọi là thành phố hoa phượng đỏ. Đó là thành phố biển Hải Phòng. Nhưng vì sao cây phượng và chùm hoa đỏ của nó rung rinh trong nắng hè lại gắn liền với tuổi học trò?
Hải Phòng mùa phượng đỏ.
Tôi không rõ phượng được trồng ở các trường học tại các tỉnh Nam Bộ từ bao giờ nhưng chắc chắn từ Trung Bộ trở ra Bắc, các trường học Pháp - Việt trồng phượng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Việc trồng cây này bắt đầu từ một nghị định về giáo dục của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau năm 1906, áp dụng cho Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Nghị định ra đời nhằm thống nhất các quy chuẩn giáo dục theo hệ thống trường học của Pháp vì trước đó khá lộn xộn. Trong nhiều quy định có những điều khoản khống chế chiều cao của dãy, bắt buộc các trường học công hay tư phải có sân chơi, có bóng mát. Thấy cây phượng nở hoa đúng vào thời gian năm học kết thúc và hoa màu đỏ rất đẹp nên chính quyền thành phố Hà Nội khuyến khích các trường trồng phượng.
Đến năm 1912, có 24 trường tư và tất cả các trường công ở Hà Nội trồng phượng. Từ đó, cứ một ngôi trường mới mọc lên là chủ trường cho trồng phượng, dần dà phượng trở thành biểu trưng của trường học.
Nhưng gốc gác của cây này ở đâu?
Phượng không phải là cây bản địa, nó có nguồn gốc từ châu Phi được nhập về Hà Nội năm 1890, tức là chỉ 2 năm sau khi Hà Nội là thành phố nhượng địa. Cùng với phượng, người ta còn nhập nhiều giống cây khác rồi ươm trong vườn Bách Thảo để chọn ra những giống phù hợp trồng trên phố, công sở, vườn hoa, công viên đã và đang xây dựng theo quy hoạch.
Cây trồng trong đô thị phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn trong đó rễ cây phải là rễ cọc để hạn chế gãy đổ vào mùa mưa bão, thân cây không tiết ra nhựa độc hại hay mùi hôi thối, hoa đẹp, có tán cho bóng mát…
Vì sao họ không trồng các giống bản địa vốn đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng mà phải nhập từ nước ngoài? Có 2 lý do, một là các cây phải rụng lá vào những mùa khác nhau trong năm để giảm công sức cho công nhân vệ sinh, đồng thời để thành phố quanh năm xanh.
Thứ hai là nhiều giống cây sẽ tạo nên kiến trúc phong cảnh. Và họ nhập xà cừ, phượng, cọ… từ châu Phi, bằng lăng từ Úc, muồng từ Nam Mỹ, hoàng lan từ Malaysia…
Sau một thời gian trồng thử nghiệm cùng với giống cây bản địa, các nhà sinh vật phát hiện ra nhiều điểm thú vị của cây phượng là lớn nhanh, có tán, lá nhỏ không làm tắc cống vào mùa mưa, đặc biệt hoa nở thành chùm đỏ ối đứng vào dịp kết thúc năm học. Và ngay cả khi quả phượng đã già, nó cũng không vội vàng lìa cành, cứ đeo trên cành lửng lơ trong không gian rất thích mắt.
Vì những đặc điểm đó mà chính quyền đã khuyến khích các trường học trồng phượng. Rồi phượng đi vào thi ca và gắn liền với tuổi học trò. Bài hát “Mùa hoa phượng” của nhạc sĩ Hoàng Vân có câu kết rất bùi ngùi “Mang trong tim màu thắm hoa phượng”. Có nhà văn gọi tình yêu học trò là tình yêu hoa phượng. Nhưng trước khi trồng ở trường học, những cây phượng đầu tiên được trồng ở phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền) năm 1894 rồi sau đó là đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên).
Từng bị chặt hạ vì một nhúm người
Trong lịch sử của loài cây này ở Việt Nam, nó từng bị chặt hạ chỉ vì sự nhỏ nhen, ích kỷ của một nhúm người Pháp sống ở phố Paul Bert. Vào đầu hè, hoa phượng đỏ rực như dải lụa đỏ giăng trên con phố khiến dân chúng Hà Nội mê mẩn thì những người Pháp cho rằng nó che chắn cửa hàng khiến việc mua bán bị thiệt hại. Và họ yêu cầu thành phố giảm thuế.
Khi thành phố cho tỉa cành, họ lại đưa ra lý do: Phượng là nơi đậu của ve kêu nhức đầu và là chỗ trú ngụ của muỗi gây ra bệnh sốt rét nguy hiểm tính mạng cho người châu Âu. Cư dân phố Paul Bert hầu hết là binh lính Pháp giải ngũ ở lại Hà Nội sinh sống nên chính quyền thành phố đành nhượng bộ đám công thần, họ cho chặt bỏ hai hàng phượng.
Thế nhưng hơn 100 năm sau, sự việc được lặp lại, lần này nguyên nhân không phải do ve hay muỗi mà vì gió to quật đổ cây phượng già tại một trường học ở TP.HCM làm chết một học sinh và nhiều em bị thương nên vài trường vội vã đốn hạ, nhanh chóng chặt hết cành.
Cây phượng không có lỗi. Lỗi là do con người. Cây cũng như người, đến độ tuổi nào đó sẽ già nua, không còn sức chống chọi với mưa to, gió lớn. Người ta chặt hạ vì sợ bi kịch xảy ra giống như ngôi trường kia nhưng sâu xa, họ sợ trách nhiệm, sợ mất cái ghế hiệu trưởng hơn là sợ mang nợ gia đình học trò.
Căn bệnh quan chức sợ trách nhiệm đã lan cả vào trường học, nơi mà ngành giáo dục đang dạy học trò đạo đức làm người, nơi mà hàng ngày trò được học hành động chặt phá cây xanh là hủy hoại môi trường sống.
Xóa đi kỷ niệm học trò
Chặt một cây phượng, nhiều cây phượng sau đó có thể trồng lại vì loại cây này mau lớn nhưng cái mất là mất những kỷ niệm của lớp lớp học trò. Đó là những mối tình bắt đầu từ việc lấy bông hoa phượng nhét vào cặp sách bạn gái, là những cô cậu lấy nhị hoa chơi chọi gà, rồi gom những lá phượng li ti lên tầng thả từ từ xuống sân trường…
Việc đốn cây cưa cành cũng cho thấy nhiều trường học đã quan tâm hơn đến việc bảo vệ an toàn sinh mạng đám học trò hiếu động. Có trường đã xây lại tường rào ngăn kẻ xấu, tệ nạn vốn trước đó thông thống với bên ngoài. Lại có trường cho lợp lại mái, sửa chữa những chỗ gây nguy hiểm...
Hàng năm vào năm học mới trường nào chẳng bắt học trò đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất, tiền đó không mang ra để mang lại an toàn cho học sinh thì tiền làm gì?
Sự mất mát làm nhiều trường thức tỉnh nhưng việc một số trường ra tay chặt những cây bóng mát, cây kỷ niệm, cây học trò là hành vi phản giáo dục.