Ngay khi ra rạp, bộ phim Kiều của NSX Mai Thu Huyền gây tranh cãi lớn trong công chúng. Bên cạnh yếu tố nội dung, các cảnh nóng trong phim cũng khiến khán giả bàn tán nhiều.
Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn (Hội viên Điện ảnh VN) có những chia sẻ về loạt cảnh nóng này và về cách khai thác cảnh nóng trong phim ảnh.
Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn.
- Loạt cảnh nóng trong phim "Kiều" của NSX Mai Thu Huyền đang gây xôn xao dư luận. Là người trong nghề, ông đánh giá những cảnh đó thế nào?
Tôi thấy việc lựa chọn nội dung, tư tưởng của những người làm phim là mối tình tay ba, là khát vọng tình yêu và quyền sống đã buộc phải có những cảnh như thế, với liều lượng theo tôi thế là vừa phải. Những cảnh quay về sự ân ái của các nhân vật có thể khẳng định là không có gì thô thiển, dung tục như dư luận đã phán.
Tình yêu trai gái say sưa bộc lộ một cách hồn nhiên, giữa một không gian tràn ngập ánh nắng và cỏ hoa đã được nhà quay phim giàu kinh nghiệm thể hiện khá thành công, điện ảnh ta ít có!
Còn các diễn viên, ít nhất là trong những cảnh đó đã nhập vai khá nhuần nhị, với tâm hồn trong trẻo, với trải nghiệm tình yêu tuổi trẻ và thấm nhuần nội dung kịch bản đã vạch ra, diễn xuất khá tinh tế trong những khuôn hình điện ảnh có thể nói là kiểu mẫu.
- Vậy theo ông, lý do gì nhiều khán giả lại gần như ác cảm với những cảnh này?
Lý do đầu tiên, có lẽ ấn tượng phim Kiều “phá” Truyện Kiều làm nảy sinh loại ác cảm có thể nói là bất công đối với những cảnh nóng rất nghệ thuật đó của phim.
Có phim không cần cảnh nóng vẫn hay, thậm chí hay hơn, nhưng họ "cố đấm ăn xôi" đưa vào bằng được; đó chính là lý do khiến cảnh tình cảm trong phim Việt thường nhận những đánh giá khắt khe từ công chúng.
Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Về việc “phá” Truyện Kiều để tạo ra một hình hài nghệ thuật riêng trong phim Kiều, là người đang ấp ủ chuyển thể trọn vẹn Truyện Kiều lên màn ảnh, tôi cũng xin có ý kiến như sau: Nếu trong tiểu thuyết lịch sử đã có nhiều tác giả đã mượn “sáng kiến” của A.Duma, tức là đóng một cái “đinh” lịch sử để treo ý tưởng của bản thân, thì trong điện ảnh, người làm phim sao không có quyền đóng một cái “đinh” của văn học gốc để treo những sáng tạo riêng mình? Việc đó thành công tới đâu, lại là chuyện khác.
- Ngoài lý do trên, theo ông còn lý do nào khác?
Theo tôi, đó là vấn đề tâm lý. Chắc hẳn nhiều người sống qua một thời xem phim nước ngoài và phim Việt, cứ tới những đoạn trai gái “hôn hít” thì bị kiểm duyệt cắt bỏ, hoặc không bị cắt bỏ trong hộp phim thì đạo diễn đã hô cắt cảnh trước khi “đối tượng” chạm môi nhau…
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước phương Tây cũng thế. Xin nhớ lại phim Cinema Paradiso - “Rạp chiếu bóng thiên đường” của Ý, ông chủ rạp đã duyệt trước khi chiếu phim và đánh dấu những chỗ “nhạy cảm” cần cắt bỏ. Sau đó, một chú bé học nghề của rạp đã bí mật lấy những đoạn phim bị cắt đó dán lại với nhau thành “bộ sưu tập phim hôn hít” người lớn… Điều đó xuất phát từ tâm lý, tập quán rơi rớt của thời trung cổ, khi mà quan hệ luyến ái bị coi là nguồn gốc của cái ác, nên người ta tìm cách hạn chế nó, thậm chí đời sống tình dục bị khinh rẻ, bị đàn áp…
Thời ấu trĩ đó đã qua từ rất lâu. Hiện nay, cảnh vốn là “cấm kỵ“ đó của điện ảnh được dán nhãn an toàn là phim 18+.
Vấn đề ở đây đã không còn là sự cấm đoán phi lý nữa, mà là vấn đề văn hóa, vấn đề nghệ thuật khi đưa những cảnh tình cảm lên phim. Mấy chục năm qua, cho tới gần đây nhất, phim thương mại Việt Nam bị kêu nhiều nhất lại chính ở những cảnh loại này. Người xem có cảm giác rằng, bí quyết hàng đầu và hữu hiệu số một của các nhà sản xuất và phát hành phim để câu khách đến rạp chính là khoe cảnh nóng, khoe vô tội vạ như một thứ bảo bối có phép lạ thần kỳ, bất chấp sự cảm thụ của người xem, bất chấp nó có cần thiết cho nội dung, tính cách, xung đột phim hay không! Người ta còn đưa cả trẻ em 13 tuổi đóng cảnh nóng - dù chỉ là hở vai, cũng là điều tối kỵ, đáng lên án, đáng giận.
Có phim, không cần đến loại cảnh đó cũng vẫn hay, thậm chí sẽ hay hơn, nhưng họ “cố đấm ăn xôi” đưa vào bằng được. Đó chính là lý do khiến cảnh tình cảm trong phim Việt thường nhận phải những đánh giá khắt khe từ phía công chúng.
- Theo quen điểm của ông, việc những cảnh tình cảm xuất hiện trong phim quan trọng thế nào?
Tôi không phải là người làm phim cổ hủ, phản đối việc đưa cảnh nóng vào phim khi cần thiết. Thử xem lại phim Sắc giới (Trung Quốc), sau khi phim phát hành, nữ diễn viên đã bị tẩy chay, lên án bởi nhiều cảnh nặng. Nhưng, nếu không có những cảnh đó, với liều lượng tưởng làm “ngộp thở” khán giả như thế, thì bộ phim sẽ giảm đi đáng kể sự xót xa và tính chất phê phán sâu cay.
Nữ diễn viên Thang Duy từng gặp rất nhiều rắc rối sau khi đóng phim "Sắc giới".
- Vậy các nhà làm phim Việt cần làm gì khán giả không còn cái nhìn thiếu thiện cảm với những cảnh quay tình cảm?
Những cảnh này chỉ nên sử dụng khi thật cần thiết, không thể không có để phục vụ nội dung tư tưởng phim, làm nổi bật ý tưởng và thông điệp người làm phim muốn gửi gắm. Và những cảnh đó cần được thể hiện một cách nghệ thuật, tinh tế, tránh xa sự dung tục, tự nhiên chủ nghĩa, thị hiếu tầm thường với mục đích câu khách lộ liễu - như một số phim thương mại gần đây đã làm khiến người xem (trên 18 tuổi) phải xấu hổ thay cho nhân vật và người làm phim.
Còn đối với riêng tôi, tôi quan niệm sự hấp dẫn thật sự trong phim nằm trong số phận nhân vật, sự xung đột của tính cách, và nếu cần có miêu tả quan hệ luyến ái thì lắm khi chỉ cần một ánh mắt nhìn, một bàn tay trai gái chạm vào nhau cũng khiến khán giả rung động sâu sắc - điều đó phụ thuộc vào bản lĩnh nghệ thuật của người làm phim, và cũng sẽ góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho khán giả.
- Xin cảm ơn đạo diễn!