Ngày 8/4, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác quý I/2021 của Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Hà Nội hoàn thành thủ tục bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đến cuối tháng 4 có thể vận hành thương mại.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được bàn giao.
Từ phát ngôn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cho người dân Hà Nội có thể vui mừng, háo hức chờ đợi thêm, chỉ còn vài ngày nữa là được chính thức bước chân lên con tàu mà người dân phải chờ đợi suốt hơn 10 năm qua.
Việc bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội thống nhất giao Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND Thành phố Hà Nội) bắt đầu từ ngày 31/3, thực hiện công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản (thời gian dự kiến từ 3 - 4 tuần) và thống nhất thời điểm bàn giao, đưa vào vận hành, khai thác.
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, sau hơn 10 ngày kiểm đếm, bàn giao, quá trình bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang đi đúng theo kế hoạch.
“Hiện nay, chúng tôi không thể cung cấp được hết chi tiết các hạng mục đã được kiểm tra, kiểm đếm", ông Trường nói.
Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với Hà Nội hoàn thành thủ tục bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đến cuối tháng 4 có thể vận hành thương mại.
Khi được hỏi về mốc thời gian tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thương mại, ông Trường khẳng định: "Tiến độ và mốc thời gian vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Bộ GTVT công bố, và tiến độ đang được đẩy mạnh để đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch này".
Tuyển thêm 107 nhân sự
Được biết, tháng 4, Metro Hà Nội nhận hồ sơ tuyển dụng nhằm bổ sung 107 nhân sự vào vị trí nhân viên và thợ kỹ thuật làm việc tại 10 bộ phận, gồm: Trung tâm điều độ chạy tàu; điện lực (quản lý điện); ga vận tải hành khách; các bộ phận kiểm tra, sửa chữa thông tin tín hiệu, công trình, điện lực, đường ray, đầu máy/toa xe, thiết bị nhà ga; bộ phận tàu khách....
Có những nhân sự đã được tuyển dụng để đào tạo nhưng xin nghỉ. Trong năm 2020, đơn vị cũng tổ chức một số đợt tuyển dụng bổ sung nhưng vẫn chưa đủ nhân lực phục vụ cho dự án Cát Linh - Hà Đông.
Theo Bộ GTVT, dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tính đặc thù cao, kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, các đơn vị tham gia thực hiện còn thiếu kinh nghiệm… Do đó, dự án bị kéo dài, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Cuối tháng 4, người dân được miễn phí đi tàu Cát Linh - Hà Đông.
Về công nghệ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng đầu máy chạy điện, khổ ray 1435mm, đường ray đôi. Tốc độ thiết kế chạy tàu 80km/h, tốc độ khai thác trung bình 35km/h. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa (chưa kể 2 đầu máy), hoạt động cách nhau từ 3 đến 5 phút/chuyến. Sức chuyên chở mỗi đoàn tàu hơn 900 người.
Tổng nhân sự phục vụ khai thác tuyến đường sắt được duyệt theo dự án là 681 người. Tuy nhiên, trong khuyến nghị mới nhất của tư vấn đánh giá an toàn ACT, cần bổ sung nhân sự hướng dẫn hành khách tại các ga để đảm bảo an toàn, nên tổng số nhân sự sẽ vượt 681 người. Bình quân có trên 50 người vận hành 1km tuyến đường sắt này.
Người dân được miễn phí 15 ngày đầu
Để chuẩn bị cho kế hoạch khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Metro Hà Nội cũng đã xây dựng được các phương án và niêm yết giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông.
Theo lãnh đạo Metro Hà Nội, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào khai thác thương mại tới đây sẽ chở khách miễn phí 15 ngày để tạo điều kiện cho người dân làm quen, trải nghiệm.
Để chuẩn bị cho kế hoạch khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Metro Hà Nội cũng đã xây dựng được các phương án và niêm yết giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h đến 23h hàng ngày. Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút lại có một đoàn tàu cập ga, với sức chở tối đa 960 người/đoàn, còn giờ bình thường là 10 phút/chuyến.
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ. Như vậy, đoàn tàu đi từ đầu ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa sẽ mất 23 phút với 12 nhà ga, thời gian chạy từ ga này đến ga kia là khoảng 1 phút với quãng dừng khoảng 30-45 giây.
Hiện nay, HĐND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé và chia thành nhiều khung giá khác nhau. Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường);
Vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày); vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi Km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.