Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu thế giới đã bật tăng hôm 27/4 (theo giờ Việt Nam). Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu WTI tăng một mạch từ ngưỡng thấp 97 USD/thùng lên gần 103 USD/thùng, rồi điều chỉnh giảm nhẹ xuống còn 101,84 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent tăng từ hơn 101 USD/thùng - ngưỡng thấp trong vòng 24 giờ qua - lên 106,34 USD/thùng, rồi điều chỉnh còn 105,33 USD/thùng.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế cho rằng giá dầu bật tăng bởi những diễn biến mới trong xung đột Nga - Ukraine. Cùng với đó là các động thái mới của chính quyền Trung Quốc nhằm trấn an giới đầu tư.
Giá dầu Brent quay đầu tăng hôm 27/4 khi giới đầu tư lo ngại về khả năng xung đột Nga - Ukraine leo thang. Ảnh: Trading Economics.
"Giá dầu bật tăng sau khi thị trường dồn sự chú ý vào tình trạng khan hiếm nguồn cung dầu và nguy cơ chiến tranh hạt nhân gia tăng ở Ukraine", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao của Americas OANDA (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.
Theo hãng tin TASS, trong một cuộc phỏng vấn hôm 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định lập trường của Nga là không thể chấp nhận một cuộc chiến tranh hạt nhân. Song ông cho rằng mối đe dọa này là hiện hữu.
Trong cuộc phỏng vấn đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo Nga coi vũ khí của phương Tây là mục tiêu tấn công chính đáng ở Ukraine. Theo Reuters, ông tuyên bố rằng về bản chất, việc NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine "là đang tham chiến với Nga".
Căng thẳng leo thang có thể dẫn tới các đòn trừng phạt mới đối với Moscow, nhất là ngành công nghiệp năng lượng của nước này, từ đó đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.
Giá dầu bật tăng sau khi thị trường dồn sự chú ý vào tình trạng khan hiếm nguồn cung dầu và nguy cơ chiến tranh hạt nhân gia tăng ở Ukraine
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của Americas OANDA
Ngoài ra, theo chuyên gia Moya, giá dầu cũng hưởng lợi sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tăng cường nỗ lực trấn an thị trường. "Việc nhu cầu lao dốc ở Trung Quốc đã được thể hiện hết trong giá dầu. Do đó, giá dầu có thể khó rơi xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng một lần nữa", ông Moya dự báo.
Trong tuần này, Bắc Kinh liên tục đưa ra các động thái nhằm trấn an nhà đầu tư. Hôm 26/4, PBoC đã cam kết “sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách tiền tệ thận trọng đối với nền kinh tế, nhất là đối với những ngành công nghiệp và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch".
Ngân hàng cho biết sẽ thúc đẩy "sự phát triển lành mạnh và ổn định của thị trường tài chính". Cơ quan này nhấn mạnh cần giữ "thanh khoản dồi dào một cách hợp lý". Cuối hôm 25/4, trong một động thái chưa từng có, Trung Quốc thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc đối với các tổ chức tài chính, nhằm chặn đà giảm của đồng NDT.
PBoC cũng tìm cách trấn an các nhà đầu tư đang lo ngại về cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, cơ quan này tuyên bố sẽ "đẩy mạnh và hoàn thành việc chấn chỉnh những công ty nền tảng càng nhanh càng tốt và tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nền tảng".
Tuy nhiên, ông Moya cho rằng các nhà giao dịch đang chờ đợi kết quả từ những đợt xét nghiệm Covid-19 hàng loạt của Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến những lệnh phong tỏa mới.
Tuần qua, việc Trung Quốc vẫn thắt chặt các hạn chế nhằm đối phó với dịch bệnh, và lo ngại rằng làn sóng Omicron lan rộng sang Bắc Kinh đã tạo sức ép lên nhu cầu, khiến giá dầu lao dốc mạnh. Giá dầu Brent có thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng.
"Trung Quốc là một thị trường lớn. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lao dốc sẽ ảnh hưởng đáng kể tới cung - cầu trên thị trường quốc tế", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao ở Asia Pacific OANDA (có trụ sở tại Singapore) - giải thích với Zing.
"Ngay cả khi nguồn cung dầu trên toàn cầu đang bị thu hẹp, chiến lược 'Zero-Covid' (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc vẫn là một lực cản lớn đối với đà tăng của giá dầu", vị chuyên gia nói thêm.
Giá dầu Brent có thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng trong tuần này vì những lo ngại về ảnh hưởng của làn sóng Omicron ở Trung Quốc. Ảnh: Trading Economics.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với nhiều trung tâm kinh tế, từ thành phố Thâm Quyến, tỉnh Cát Lâm đến thành phố Thượng Hải. Nhưng Thượng Hải là nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất. Đáng nói, thành phố này chiếm 3,8% GDP của Trung Quốc và có cảng container đông đúc nhất thế giới.
Nhiều nhà nhà máy tại Thượng Hải và các khu vực lận cận lo ngại rằng sẽ mất nhiều tháng để hoạt động sản xuất được trở về mức bình thường. Cùng với đó, hoạt động di chuyển và vận tải cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Điều này sẽ đè nặng lên nhu cầu dầu.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu máy bay của Trung Quốc sẽ giảm 25.000 thùng/ngày so với một năm trước đó, tương đương mức giảm 3,5%.
Trước đó, IEA dự báo mức giảm là 10.000 thùng mỗi ngày. Mới đây, cơ quan này cũng cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay vì các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc.