Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao AFF Cup không có VAR?

Đây là câu hỏi của huấn luyện viên Park Hang Seo cũng như cổ động viên đặt ra sau trận thua 0-2 của tuyển Việt Nam trước Thái Lan.

Huấn luyện viên (HLV) Park thắc mắc vì sao giải đấu có nhiều nhà tài trợ mà VAR - Công nghệ Video hỗ trợ Trọng tài - chưa được áp dụng. Ông kiến nghị ở giải đấu cuối năm 2022, VAR nên được đưa vào AFF Cup.

"Chúng ta cũng có tài trợ, cũng nên đưa VAR vào để bớt gây tranh cãi. Tôi nghĩ giải lần này chưa có thì ở giải tới, chúng ta nên áp dụng VAR. Hiện nay, xu thế thế giới đều áp dụng VAR hết rồi", ông góp ý.

Vấn đề VAR đã được ban tổ chức AFF Cup thông báo với các liên đoàn thành viên trước khi dự giải. VAR đã thông dụng ở một số quốc gia, giải đấu nhưng chưa thể đưa vào hoạt động tại AFF Cup.

Công nghệ VAR không được áp dụng ở AFF Cup 2020 và đã được thông báo trước giải. Ảnh: Việt Linh.

Vấn đề lớn nhất để sử dụng VAR là chi phí. Dù AFF không đưa ra con số cụ thể, số tiền tổ chức một trận đấu có VAR luôn đi kèm khoản không nhỏ, chưa kể các vấn đề liên quan đến nhân sự.

Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Thái Lan, ông Patit Supaphong, nói với Bangkok Post: "Có nhiều việc liên quan đến VAR, không chỉ là thiết bị. Chúng ta phải có giấy phép, trọng tài VAR ở trong phòng và ngoài sân, những người được đào tạo".

"Chúng ta phải thừa nhận không có nhiều trọng tài được làm quen với VAR ở Đông Nam Á. Ngay cả giải Singapore của nước chủ nhà cũng không sử dụng công nghệ VAR", ông Patit cho biết.

Tại AFF Cup 2020, ban tổ chức mời 12 trọng tài và 12 trợ lý. Trong số này có 8 trọng tài đến từ khu vực Tây Á, 2 người Hàn Quốc và 2 người ở Đông Nam Á là từ Malaysia và Singapore. Chỉ có một trợ lý ở Đông Nam Á là người Thái Lan.

Singapore chỉ có một trọng tài được cấp chứng chỉ VAR. Đó là ông Muhammad Taqi Aljaafari. Trong khi đó ở Việt Nam, nữ trọng tài Bùi Thị Thu Trang là người đầu tiên tiếp cận công nghệ này ở UAE. Cả hai đều không dự AFF Cup 2020.

Một quan chức của VFF nói: "Muốn áp dụng công nghệ VAR phải đạt các tiêu chuẩn của FIFA. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào quyết định của liên đoàn cấp châu lục, không phải giải nào cũng có VAR".

Đội tuyển Việt Nam khi dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 phải được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) hỗ trợ VAR. Chi phí thiết bị, vận hành và thiết lập ở sân Mỹ Đình tiêu tốn hàng chục tỷ đồng, do AFC chi trả. V.League chưa thể đưa công nghệ này dù đã có kế hoạch.

Yêu cầu của HLV Park về VAR là chính đáng. Tuy nhiên, không thể cho rằng VAR sẽ giúp Việt Nam có lợi thế. Bằng chứng là việc ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, các quyết định của trọng tài VAR không có lợi cho tuyển Việt Nam.

Trên trang ESPN, phóng viên Gabrian Tan dẫn tiêu đề: "HLV Park xin AFF áp dụng VAR sau tiếng còi tranh cãi ở trận thua Thái Lan". Đề xuất của ông Park có thể tạo hiệu ứng để VAR được áp dụng ở AFF Cup 2022.

Lúc này, tuyển Việt Nam phải chấp nhận không có VAR và tập trung cho trận lượt về gặp Thái Lan vào tối 26/12. Với trận thua 0-2, thầy trò ông Park phải san bằng tỷ số. Giải đấu năm nay không áp dụng luật bàn thắng trên sân khách.

Nguồn: Zing News

Tin mới