Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao 4 bệnh viện Trung ương xin rút tự chủ?

(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa chỉ ra nguyên nhân khiến 4 bệnh viện tuyến Trung ương đồng loạt xin rút khỏi tự chủ toàn diện trong thời gian gần đây.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội ngày 24/10, ông Đỗ Chí Nghĩa, Đại biểu Quốc hội đoàn Phú Yên - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, việc các bệnh viện tuyến Trung ương xin không tự chủ là do sợ những rủi ro, sai sót trong quá trình chịu trách nhiệm tăng nguồn thu.

- Thời gian qua, cả 4 bệnh viện tuyến Trung ương gồm BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV K đang tự chủ lại xin quay trở lại cơ chế bao cấp. Điều này có phải là bất thường không, thưa ông?

Có hai lý do khiến 4 bệnh viện tuyến Trung ương này xin thôi tự chủ. Thứ nhất, do nguồn tiền thu không đủ bù chi. Khi quyết định tự chủ thì các bệnh viện phải cân nhắc tất cả các điều kiện về nguồn thu, đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện tự chủ, các đơn vị nhận thấy thu không đủ bù chi, nguồn lực không đủ để giữ chân các y, bác sĩ. Việc thiếu hụt nguồn ngân sách Nhà nước khiến các bệnh viện không thể vận hành được. 

Thứ hai, khi bệnh viện đang tự chủ xin quay trở lại cơ chế bao cấp cũng có thể là do phản ứng lại chính sách. Tự chủ không có nghĩa là Nhà nước buông hoàn toàn bệnh viện ra.

Ông Đỗ Chí Nghĩa trao đổi bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Hà Cường)

Tôi cho rằng, trong việc tự chủ thì nguồn tài chính của Nhà nước dành cho bệnh viện vẫn cần giữ ở mức nhất định. Nghĩa là trước khi đơn vị thực hiện tự chủ, Nhà nước đầu tư bao nhiêu thì giờ vẫn giữ ở mức đầu tư như vậy, không nên cắt đứt khoản tiền này. Thay vì ngân sách Nhà nước cấp hàng năm thì sẽ chuyển qua theo hình thức đặt hàng.

Đồng thời cần phải quan tâm tới chính sách khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo, người khó khăn… cùng với đó là nâng cao cơ sở vật chất. Còn lại phần bệnh viện kinh doanh thêm thì chúng ta khuyến khích, có định hướng để giữ được tôn chỉ mục đích cốt lõi của bệnh viện.

Nếu chúng ta thị trường hóa hoàn toàn thì từ việc trông giữ xe đến bán hàng hóa dịch vụ trong bệnh viện cũng phân hóa giàu nghèo khủng khiếp. Thay vì bước chân vào bệnh viện - nơi để cảm nhận được sự chia sẻ của cộng đồng, xoa dịu những vết thương, những nỗi khổ - thì lại là chỗ khoảng cách giàu nghèo rõ nhất, những tổn thương đau đớn nhất thì không thể chấp nhận được.

- Như vậy, tự chủ của các bệnh viện không phải là "khoán trắng"?

Mang tiếng là tự chủ nhưng các bệnh viện đang chịu nhiều áp lực. Họ chỉ đang tự chủ một phần. Các đơn vị công lập hiện nay đang chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác như Luật Công chức, Viên chức. Không phải là cứ tự chủ là bệnh viện được tự quyết tất cả mọi thứ, thích làm gì thì làm. Điển hình như việc bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng nhân sự, biên chế, quản lý tài sản công… tất cả đều phải tuân theo các quy định của pháp luật, theo quy định của các cấp có thẩm quyền.

Do đó, khi các bệnh viện muốn bung ra để phát triển mạnh mẽ, tự quyết định mọi việc rất khó, họ bị mắc kẹt bởi cơ chế.

 
Các bệnh viện tuyến Trung ương xin không tự chủ phần lớn là do tâm lý sợ rủi ro, sai sót trong quá trình chịu trách nhiệm tăng nguồn thu, họ sẽ dễ mắc phải những sai sót này.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa

Tự chủ là tạo mọi điều kiện để bệnh viện phát huy được sức sáng tạo trong điều kiện đặc thù của mình, để phục vụ người dân tốt hơn, nguồn thu tốt hơn một cách lành mạnh, đúng định hướng thì mới đáp ứng đúng bản chất của tự chủ.

Còn nếu tự chủ chỉ là giao khoán, bệnh viện phải tự lo tài chính và cuối cùng rất có thể các đơn vị sẽ đứng trước những sai sót. 

Những bệnh viện tuyến Trung ương sau khi tự chủ có thể thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng tiêu thế nào lại bị vướng mắc nhiều điểm. Nhất là trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị y tế lại có những điểm rất đặc thù, thời điểm mua, kế hoạch mua trang thiết bị ở năm trước, năm sau đã có thể khác nhau.

Có người nói nếu "làm lãng phí thì đúng, làm tiết kiệm thì lại sai quy định". Có danh mục, thiết bị lên kế hoạch mua từ thời điểm trước, đến thời điểm sau mới mua thì không còn phù hợp.

Từ đó, có thể thấy câu chuyện quản lý tài chính rất nhiều vấn đề, làm nản lòng các đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt, những người đã giỏi chuyên môn mà bắt họ giỏi về quản lý nữa là điều rất khó khăn. Đứng trước các văn bản, các quy định chồng chéo là bất khả thi với họ khi giải bài toán đó.

Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia phân tích, các đơn vị tự chủ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Bên cạnh những người đã làm sai, nhận tiền, trục lợi và bị pháp luật xử lý nghiêm, rất có thể chúng ta cũng cần xem xét những trường hợp cụ thể không vì trục lợi, không vì gì cả mà hoàn toàn là sai sót kỹ thuật, các quy định mà bác sĩ giỏi chuyên môn chưa tiếp cận. 

- Làm thế nào để vừa tự chủ, vừa tránh được những rủi ro cho các cán bộ ở bệnh viện, thưa ông?

Thứ nhất, phải đồng bộ tất cả các quy định của pháp luật. Đã tự chủ bệnh viện là phải rà soát tất cả từ Luật Đầu tư công, Luật Công chức Viên chức, Luật Đấu thầu... để các đơn vị tự chủ phát huy được, để cho hành lang pháp lý rõ ràng. 

Thứ hai, phải có những quy định rất rõ đơn vị sự nghiệp được làm gì, không làm gì; người đứng đầu được quyết như thế nào cho rõ ràng. Nếu không tích hợp các quy định này thành các quy định cụ thể, để mỗi nơi một quy định thì sẽ có chồng chéo, gây rủi ro lớn. 

Trong bệnh viện cũng nên thí điểm việc người quản lý hành chính chỉ quản lý hành chính. Hiện nay, quản lý chuyên môn và tài chính đang là một người, rất bất cập. Ví dụ bác sĩ giỏi chuyên môn về tim mạch, sẽ không thể nào quản lý tốt được các lĩnh vực khác về tài chính, nhân sự, đấu thầu, mua bán...

Tuy nhiên, chúng ta nên thử nghiệm giám đốc về chuyên môn và giám đốc về tài chính. Quốc hội có thể ra nghị quyết thí điểm thực hiện xem tốt hơn không, sau 3-5 năm tổng kết lại để đánh giá chính sách. 

Chúng ta cũng nên tận dụng nhân tài ở từng lĩnh vực, tại sao lại cứ phải bắt một người phải tài tất cả mọi thứ, trong khi chỉ cần một sai sót là sẽ mất đi nhân tài.

- Xin cảm ơn ông!

Bốn bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và K là những đơn vị đầu tiên trong ngành Y tế thí điểm tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện từ năm 2019 đến nay.

Theo Nghị quyết 33, cơ chế tự chủ giúp các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân... Nghị quyết cho phép các bệnh viện được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán, được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo khung giá do Bộ Y tế ban hành.

Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, tháng 7/2021, Bệnh viện Việt Đức và Chợ Rẫy trình ý kiến xin rút thực hiện tự chủ toàn diện. Sau đó một năm, tháng 9/2022 Bệnh viện Bạch Mai và K tiếp tục xin rút tự chủ toàn diện.

Hà Cường

Tin mới