Sau khi lắng nghe 28 ý kiến phát biểu, tranh luận của đại biểu Quốc hội tại hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), sáng nay (24/10), Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, các ý kiến thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn luật khám, chữa bệnh sửa đổi lần này thực sự đổi mới căn bản về chất, đồng thời giải quyết được vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành y tế gặp phải trong thực tiễn và đúng quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình sáng 24/10. (Ảnh: Quochoi.vn).
Về thiết chế thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề.
Tại nhiều nước trên thế giới, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và kế thừa luật cũ, dự thảo luật lần này quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng khẳng định, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc, về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và do Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Y tế cũng giải trình về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh. Hiện, dự thảo luật đưa ra ba cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan phạm vi hoạt động của mỗi cấp và do Bộ trưởng hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này.
Phương án đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành ba cấp chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo tính liên thông, liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh, trong các cơ sở. Phương án này cũng sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay liên quan đến cách thức, tiêu chí phân hạng bệnh viện, cũng như khắc phục được bất cập liên quan đến vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế giữa các tuyến…
Việc thành lập Hội đồng y khoa Quốc gia gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trong phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Mạnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần quy định chi tiết về vị trí pháp lý chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng y khoa Quốc gia.
Khoản 1 điều 24 của dự thảo luật quy định hội đồng là tổ chức độc lập, có con dấu riêng, trụ sở riêng. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn băn khoăn khi thành lập hội đồng này thì đầu mối quản lý là Bộ Y tế hay Chính phủ như các bộ, ngành và tương đương hay không. Cơ quan nào chịu trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý Nhà nước với Hội đồng Y khoa Quốc gia.
"Vì vậy, trong giai đoạn thí điểm theo Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương, tôi đề xuất Hội đồng Y khoa Quốc gia nên giao cho Bộ Y tế thành lập để phù hợp với nhiệm vụ khoản 2 điều này, phù hợp công tác quản lý Nhà nước và chuyên môn Bộ y tế. Biên chế do Bộ Y tế sử dụng từ các chuyên gia bác sỹ giỏi hiện có của ngành và đồng thời không phát sinh đầu mối và biên chế", ông Mạnh đề xuất.
Ông Trịnh Xuân An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng, dự thảo luật này còn nhiều nội dung tiếp tục phải hoàn chỉnh. Với mong muốn có bộ luật tốt, ban hành được ngay nhưng chất lượng vẫn phải đặt hàng đầu.
"Vẫn nên cân nhắc nghiên cứu rà soát kỹ các nội dung chuẩn bị chu đáo đến kỳ họp sau mới thông qua dự án luật này. Đặc biệt là vấn đề thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, hoạt động sao cho hiệu quả, ngăn được cơ chế xin cho, không minh bạch trong đánh giá, cấp phép bác sỹ, bệnh viện", đại biểu nhấn mạnh.